Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp nhà nước kêu khó khi “giải cứu” các dự án yếu kém

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Những vướng mắc về pháp lý, khó khăn trong thực hiện các kết luận của cơ quan thanh tra và kiểm toán, cùng việc không nắm tỷ lệ cổ phần chi phối tại doanh nghiệp khiến không ít tập đoàn, tổng công ty nhà nước tiếp tục loay hoay với những vấn đề tại các dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả.

Tại tọa đàm “Xử lý các dự án yếu kém: Bài học kinh nghiệm và hướng đi tiếp theo” ngày 5-4, ông Nguyễn Hùng Dũng – thành viên Hội đồng thành viên (HĐTV) Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) – cho biết tập đoàn hiện gặp một số khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề tại các dự án thuộc danh sách 12 dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương.

Với dự án Nhà máy sản xuất ethanol Bình Phước và dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học (Ethanol) Phú Thọ, PVN chỉ nắm giữ lần lượt 29% và 35% cổ phần, phần còn lại do các cổ đông khác nắm giữ. Vì vậy, việc tham gia chỉ đạo, điều hành hoặc can thiệp để hỗ trợ các doanh nghiệp rất khó.

“PVN không có quyền hoặc không thể tham gia trong việc tái cơ cấu hoặc xử lý triệt để các dự án này”, ông Dũng nói.

Một góc Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất. Ảnh minh hoạ: TTXVN.

Với dự án Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất (Bio Ethanol Dung Quất), ông Dũng cho biết cuộc khủng hoảng năng lượng, dẫn tới giá dầu sụt giảm sau thời điểm dự án hoàn thành đã khiến doanh nghiệp trực tiếp quản lý, vận hành dự án lâm vào khó khăn.

Ngoài ra, các doanh nghiệp của PVN tham gia góp vốn vào dự án đều phải vay với lãi suất khoảng 25-27% một năm. Điều này, theo ông Dũng, đã tạo ra khoản chi phí tài chính lớn, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp.

Với dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, đại diện PVN cho biết dự án đã hoạt động từ rất lâu nếu không có vướng mắc về pháp lý. Xử lý xong những vướng mắc này, dự án tiếp tục trải qua các đợt thanh tra và kiểm toán, nhưng không có kết luận rõ ràng.

“Sau đó, người khác vào làm, mặc dù không trực tiếp ký kết hợp đồng, không tham gia vào giai đoạn đầu, nhưng có tâm lý sợ nếu làm dự án này không hoàn thiện và văn bản vẫn nói phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trong cả quá trình”, ông Dũng nói.

Nhưng ông cho biết từ khi Thủ tướng Phạm Minh Chính có chỉ đạo cụ thể và Phó thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo thì dự án đã có những thay đổi. Theo đó, dự án dự kiến đốt than lần đầu vào 16-6-2022, rồi phát điện thương mại tổ máy số 1 và 2 vào 30-11 và 31-12 cùng năm.

Với các dự án còn lại, ông Hồ Sỹ Hùng – Phó chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Uỷ ban) – cho biết hai vướng mắc lớn nhất cần xử lý là các tranh chấp trong hợp đồng EPC và khoản chi phí tài chính quá lớn.

“Nếu không giải quyết vấn đề tài chính thì không thể mở cho doanh nghiệp khả năng cạnh tranh trên cùng một mặt bằng chi phí với các doanh nghiệp khác. Chưa giải thoát được hợp đồng EPC thì doanh nghiệp chưa chủ động hoạt động được các dây chuyền và quá trình sản xuất – kinh doanh của mình”, ông Hùng nói.

Với hợp đồng EPC, ông Hùng cho biết hợp đồng củc các dự án, gồm: Nhà máy thép Thái Nguyên mở rộng, Nhà máy đóng tàu Dung Quất, Nhà máy đạm Ninh Bình, Nhà máy đạm Hà Bắc đang tồn tại tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu về khối lượng thị công, thiết bị, chủng loại thiết bị, việc chính sách thuế tại Việt Nam.

“Việc này ảnh hưởng đến xác định giá trị dự án đầu tư, giá trị của doanh nghiệp, quyền chủ động của nhà đầu tư có thể tiếp tục đầu tư bổ sung hoặc hoàn thiện thêm hay không? Đây là những vấn đề đang còn dở dang trong hợp đồng với các nhà thầu, chưa giải quyết được”, ông Hùng nói.

Với chi phí, ông cho biết khá nhiều dự án được đưa vào diện hỗ trợ tài chính giai đoạn 2010-2015. Nhưng đó là giai đoạn mặt bằng lãi suất duy trì ở mức cao. Ngoài ra, quá trình thực hiện các dự án thường chậm vài năm.

“Điều này khiến doanh nghiệp phải chịu thêm các khoản phạt do chậm trả nợ lãi vay, dẫn tới lãi mẹ đẻ lãi con”, ông Hùng phân tích và cho biết trường hợp điển hình là Nhà máy đạm Hà Bắc với chi phí tài chính chiếm tỉ trọng hơn 30%, dẫn đến khó cạnh tranh trên thị trường.

Để giải quyết khó khăn, đại diện PVN cho biết tập đoàn dự kiến bán, chuyển nhượng hoặc chuyển giao Nhà máy Nhiên liệu Dung Quất cho ngân hàng vì đây không phải là lĩnh vực chính của tập đoàn.

Ông Hồ Sỹ Hùng kiến nghị các cấp có thẩm quyền xây dựng cơ chế trao quyền cho doanh nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm với các dự án và được chủ động sử dụng nguồn vốn của mình để cơ cấu các dự án còn nhiều vướng mắc.

“Như vậy, đã cho doanh nghiệp sự chủ động rất cao, trong đó có vấn đề thu hồi được hoặc thu hồi được càng sớm càng tốt”, ông Hùng nói.

Về phía các tập đoàn, tổng công ty, ông kiến nghị cần chủ động phương án sản xuất – kinh doanh và phương án tái cơ cấu các dự án. Quá trình này sẽ có sự tương tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp.

Với các phương án này gặp vướng chính sách thì báo cáo các cấp có thẩm quyền có liên quan.

Ông Phan Đức Hiếu – Ủy viên thường trực Uỷ ban kinh tế của Quốc hội – kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành quyết liệt, nhanh chóng chọn phướng án xử lý với các dự án tồn tại tranh chấp theo hợp đồng EPC nếu không có lựa chọn khác.

Ngoài ra, cần xây dựng tư duy giải quyết các vấn đề tồn đọng tại các dự án theo hướng “lợi ích tốt nhất có tính thời điểm”.

“Lợi ích tốt nhất có tính thời điểm”, theo ông Hiếu là sự thống nhất về nguyên tắc, cách phân định quyền và trách nhiệm của các bên liên quan.

“Giai đoạn trước một người làm, giai đoạn này một người khác làm thì không thể chịu trách nhiệm cả quá trình. Việc này phải đảm bảo về mặt pháp luật với cam kết tạo ra cơ chế để người thực hiện nhiệm vụ yên tâm”, ông Hiếu nhấn mạnh.

1 BÌNH LUẬN

  1. Giải cứu các dự án thua lỗ, phá sản phải đi theo nguyên tắc thị trường thì mới thành công. Nếu giao cho bộ ngành, tập đoàn, tổng công ty chịu trách nhiệm thì sẽ không có đủ cơ chế và nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, thậm chí có thể nửa vời hoặc thất bại. Những định chế chuyên nghiệp như các công ty mua bán nợ và tài sản trong và ngoài nước, với sự trợ lực của các định chế tài chính ngân hàng nên được ưu tiên lựa chọn để giao nhiệm vụ xử lý. Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ về các cơ chế đặc thù, khi cần thiết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới