Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp, nhà trường cùng đồng hành đào tạo nhân sự thương mại điện tử

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thương mại điện tử là một trong những lĩnh vực kinh tế có tốc độ phát triển mạnh mẽ thời gian gần đây tại Việt Nam. Tuy nhiên, một trong những hạn chế là nhân lực trong ngành đang còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Các doanh nghiệp và trường đại học đang xích lại gần nhau, bắt tay nhau để cải thiện tình trạng này.

Ra mắt mạng lưới các cơ sở đào tạo thương mại điện tử tại Hội thảo Nhân lực thương mại điện tử 2022. Ảnh: Vân Ly

Hơn 70 trường đào tạo, nhân sự vẫn thiếu hụt

Phát biểu tại hội thảo về chủ đề đào tạo thương mại điện tử do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cùng các trường đại học tổ chức ngày 7-9, ông Đoàn Quốc Tâm, Trưởng ban hợp tác của VECOM cho biết, tổ chức này vừa thực hiện cuộc khảo sát về tình hình đào tạo nhân lực chuyên ngành tại 132 trường đại học trên cả nước. Trong đó có 76 trường có đào tạo ngành và chuyên ngành thương mại điện tử. Có 53 trường đã giảng dạy học phần thương mại điện tử tại nhiều ngành liên quan. Trong đó năm 2010 chỉ có 49 trường đại học có đào tạo về thương mại điện tử. Các số liệu nêu trên cho thấy số lượng các trường đại học tham gia đào tạo thương mại điện tử tăng mạnh trong hàng chục năm qua.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch VECOM chia sẻ rằng bản thân ông ghi nhận trong 10 năm qua, có nhiều lứa sinh viên ngành thương mại điện tử của các trường đại học ra trường, nhưng trên thực tế lĩnh vu75v này vẫn thiếu nhân lực. Bà Lại Việt Anh, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cung cấp thêm dữ liệu từ cuộc theo khảo sát của cơ quan này, cho thấy chỉ có 30% nhân sữ tại các công ty thương mại điện tử ở Việt Nam được đào tạo đúng chuyên ngành.

Chia sẻ góc nhìn của nhà tuyển dụng, bà Vũ Thị Minh Tú, Giám đốc đối ngoại của Lazada Việt Nam, cho biết nhu cầu nhân lực thương mại điện tử tại Việt Nam đang tăng nhanh, cung không đủ cầu. Doanh nghiệp buộc phải tuyển cả những ngành khác liên quan đến lĩnh vực kinh tế này như ngành quản trị kinh doanh…

Ông Trần Mạnh Cường, chuyên gia đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của công ty công nghệ Sapo, bộc bạch rằng khi tuyển dụng sinh viên ngành thương mại điện tử vào làm việc, hầu như Sapo phải thực hiện đào tạo lại toàn bộ. Doanh nghiệp từng gặp khó khi năng lực của các nhân sự đã qua đào tạo trường lớp vẫn không đáp ứng được yêu cầu thực tế của thị trường.

Tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp

Để cải thiện cả về chất và lượng nhân lực thương mại điện tử, tại hội thảo trên các chuyên gia cho rằng cần tăng cường phối hợp đào tạo giữa doanh nghiệp và nhà trường. Do thương mại điện tử là ngành phát triển và thay đổi nhanh chóng, nên chương trình học cần được cập nhật, các trường cần đẩy mạnh mời các doanh nghiệp tham gia đào tạo thực tế cho sinh viên.

Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (thuộc Đại học Thái Nguyên) là trường đại học thứ 3 trên cả nước mở ngành đào tạo về thương mại điện tử. Lý giải vì sao sinh viên của trường được các doanh nghiệp đánh giá tốt, ông Vũ Xuân Nam, trưởng khoa Hệ thống Thông tin Kinh tế của trường đại học này cho hay, ngay từ khi mới mở ngành đào tạo, trường đã xác định đi theo hướng đào tạo ứng dụng, thực chiến không nặng về kiến thức hàn lâm. Do đó 30% thời gian học của sinh viên sẽ được làm việc tại doanh nghiệp, còn 70% thời gian học ở trường.

Bên cạnh đó, ông Nam cũng chia sẻ nhà trường đã hợp tác với một số doanh nghiệp để đào tạo nhân lực thương mại điện tử theo nhu cầu và có cam kết đầu ra. Qua kinh nghiệm của trường mình, ông Nam cho biết chỉ có cách phải kết hợp với doanh nghiệp để đào tạo thì mới có nhân lực tốt, đáp ứng đúng nhu cầu của doanh nghiệp cũng như cập nhật sự phát triển của thực tế.

Đại học Đại Nam là một trong những trường đại học mới mở khoa Thương mại điện tử và Kinh tế số năm nay là năm thứ 2. Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Tài, trưởng khoa Thương mại điện tử và Kinh tế số của trường này cho biết, “sinh sau đẻ muộn” nên trường xác định đào tạo theo mô hình thực chiến để sát với nhu cầu của doanh nghiệp. Do đó trường mời nhiều chuyên gia của các doanh nghiệp tham gia đào tạo và nhận được phản hồi tích cực từ sinh viên.

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông Hà Nội là trường đã tham gia đào tạo và có lứa sinh viên thương mại điện tử đầu tiên ra trường. Lý giải vì sao nhân lực thương mại điện tử chất lượng còn yếu, bà Trần Thị Thập, Phó khoa Quản trị Kinh doanh, cho rằng hiện nhu cầu nhân lực thương mại điện tử của doanh nghiệp đa dạng, khác nhau, các trường phải xác định đáp ứng nhu cầu mảng nào trong nhu cầu nhân lực đó.

Học viện đã mời không ít chuyên gia, nhân sự chủ chốt tại các doanh nghiệp tham gia vào chương trình đào tạo. Bên cạnh đó cũng triển khai đào tạo theo chuyên đề đề thực tế của doanh nghiệp, làm việc với các doanh nghiệp để có những môn chuyên đề mới…

Tại hội thảo, đa số các trường đại học cho rằng việc liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp là cách tốt – đây là chìa khóa để nâng cao chất lượng nhân lực thương mại điện tử. Do đó các trường rất vui mừng khi các doanh nghiệp, Hiệp hội Thương mại điện tử tham gia, bắt tay với doanh nghiệp trong hoạt động này. Bên cạnh đó, việc hợp tác chia sẻ kinh nghiệm đào tạo giữa các trường cũng được cho là cách để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Ngay tại Hội thảo Đào tạo Thương mại điện tử 2022, ban tổ chức sự kiện đã công bố mạng lưới các cơ sở đào tạo thương mại điện tử trên cả nước để cùng chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao chất lượng đào tạo.

Ông Lê Thái Phong, trưởng khoa Quản trị kinh doanh, trường Đại học Ngoại thương Hà Nội cho biết, trước đây trường này đã đào tạo ngành thương mại điện tử nhưng vì một số lý do đã đóng lại. Song ông Phong cho biết giờ trường lại sắp mở ra đào tạo ngành thương mại điện tử nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ông Phong cho rằng, các trường đào tạo nhân lực ngành này không cần cạnh tranh mà cần bắt tay để xây dựng mạng lưới đào tạo mạnh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới