Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp nhỏ chưa quan tâm bảo hiểm tỷ giá

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp nhỏ chưa quan tâm bảo hiểm tỷ giá

Vẫn chưa nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chú ý đến việc bảo hiểm rủi ro tỷ giá. Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG Online) – Trong khi các doanh nghiệp có lượng hàng xuất nhập khẩu lớn chú ý đến việc bảo hiểm rủi ro tỷ giá mỗi lần nhập hoặc xuất hàng, thì các doanh nghiệp có quy mô nhỏ chưa quan tâm nhiều đến việc này.

Một trong những lý giải cho tình hình nói trên được đưa ra tại hội thảo về rủi ro tỷ giá do Ngân hàng ANZ tổ chức ngày 19-3 là do chính sách tỷ giá của Việt Nam được giữ cố định và thiệt hại do biến động tỷ giá với các doanh nghiệp chưa nhiều.  

Nhiều doanh nghiệp có nghe nói về các bảo hiểm rủi ro tỷ giá, nhưng có thể do chưa hiểu rõ hoặc không biết nơi nào cung cấp nên cũng không quan tâm đến việc sử dụng sản phẩm bảo hiểm. Họ chỉ biết chấp nhận rủi ro khi có biến động về tỷ giá.

Trong năm 2008 và đầu năm nay, mặc dù tỷ giá niêm yết giữa tiền đồng và đô la Mỹ không đổi, nhưng doanh nghiệp khó có thể mua bán ở mức giá đó. Giá đô la Mỹ trong ngân hàng và trên thị trường tự do vẫn đang có một khoảng cách.  

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc kinh doanh ngoại hối của Ngân hàng ANZ- chi nhánh TPHCM, cho biết vào khoảng giữa năm ngoái thị trường tiền tệ biến động cực kỳ phức tạp, có thời điểm trên thị trường chợ đen một đô la Mỹ lên đến 19.500 đồng nhưng doanh nghiệp muốn mua cũng khó, trong khi hàng nhập khẩu của họ bị giữ tại cảng do chưa thanh toán tiền, làm ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên đến nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa nắm rõ lắm về những công cụ có thể bảo vệ mình. Giám đốc một doanh nghiệp cổ phần thuộc ngành điện trong buổi hội thảo này cho biết rằng chị đã vay một khoản vay bằng ngoại tệ gần đây khi tỷ giá ở mức 17.484 đồng nhưng đến thời hạn trả nợ thì lại phải mua đô la Mỹ để trả cho ngân hàng với mức giá 17.780 đồng, cao hơn cả mức giá ngân hàng đang niêm yết và được giải thích phần chênh lệch là phí option (phí quyền lựa chọn), như vậy quá thiệt thòi cho chị.

Doanh nghiệp này lúc đó không sử dụng sản phẩm bảo hiểm tỷ giá nào của ngân hàng và cũng không lường trước rằng tỷ giá có thể biến động mạnh trong thời gian ngắn.  

Tương tự, anh Liêu Trí Thành, Trưởng phòng Tài chính- Kế toán của Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại dây & cáp điện Kim Cương, cho biết do mỗi lần nhập khẩu hàng số lượng không quá lớn, nên công ty thấy chưa cần phải thực hiện các nghiệp vụ để bảo hiểm rủi ro về tỷ giá.    

Hiện nay, các ngân hàng được phép thực hiện dịch vụ ngoại hối đều có cung cấp các sản phẩm giúp doanh nghiệp phòng chống rủi ro tỷ giá như hợp đồng kỳ hạn (forward), quyền chọn mua/bán (option). Ví dụ với hợp đồng kỳ hạn, doanh nghiệp vay ngoại tệ có thể ký hợp đồng mua ngoại tệ với mức giá mình chấp nhận được vào thời điểm trả nợ để đảm bảo có ngoại tệ trả cho ngân hàng. “Việc này sẽ giúp các doanh nghiệp chủ động được chi phí đầu vào và tính vào giá thành sản phẩm trước”, ông Tuấn Anh nói.  

Tại thời điểm này, đối với các doanh nghiệp vay vốn lưu động trong ngắn hạn để nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh và nằm trong đối tượng được hỗ trợ lãi suất 4% của Chính phủ, ông Tuấn Anh khuyên nên vay tiền đồng để mua ngoại tệ rồi nhập khẩu vì lãi suất chênh lệch không lớn nhưng doanh nghiệp sẽ tránh được rủi ro về biến động tỷ giá trong thời gian ngắn tới.  

THỦY TRIỀU  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới