Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp nhỏ của Mỹ bi quan về nền kinh tế

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Giới doanh nghiệp nhỏ đang phát đi những tín hiệu lo lắng về nền kinh tế Mỹ khi lạm phát, tình trạng ách tắc chuỗi cung ứng, thiếu lao động, lãi suất tăng phủ bóng đen lên triển vọng kinh doanh của họ.

Trong những tuần gần đây, Chi Kitchen, nhà sản xuất kim chi có trụ sở ở TP. Pawtucket, bang Rhode Island, chứng kiến doanh số tăng trưởng chậm lại. Ảnh: WSJ

Bi quan hơn về triển vọng kinh doanh

Theo cuộc khảo sát với hơn 600 doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ, được Công tư vấn và huấn luyện doanh nghiệp Vistage Worldwide thực hiện trong tháng 5 theo đơn đặt hàng của Wall Street Journal, 57% chủ doanh nghiệp nhỏ dự báo các điều kiện kinh tế ở Mỹ sẽ xấu hơn trong năm tới, tăng so với tỷ lệ 42% nhận định như vậy trong cuộc khảo sát hồi tháng trước và ngang bằng với tỷ lệ được ghi nhận vào tháng 4-2020.

Cũng theo cuộc khảo sát, dù giá cả của nhiều mặt hàng đang tăng mạnh, số doanh nghiệp nhỏ kỳ vọng doanh thu tăng trong năm tới giảm về mức 61%, so với mức 79% trong cuộc khảo sát hồi tháng 5-2020.

Minnie Luong, chủ sở hữu Chi Kitchen, nhà sản xuất kim chi và các loại dưa chua khác, có trụ sở ở bang Rhode Island, nói: “Có vẻ như tất cả những yếu tố khó khăn hiện tại đều nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi và dường như không có ánh sáng cuối đường hầm”.

Công ty Chi Kitchen, có 8 nhân viên, đã phải đối mặt với mức tăng chi phí nguyên liệu thô đến 50% và tình trạng thiếu lọ thủy tinh dùng để đóng gói dưa chua.

Minnie Luong đã tăng giá bán đối với các nhà bán lẻ thêm 5% trong tháng 5. Đây là mức tăng đầu tiên của công ty đối với nhóm khách hàng đó trong lịch sử hoạt động 7 năm nhưng vẫn không đủ để trang trải chi phí nguyên liệu ngày càng đắt. Minnie Luong cho biết doanh số tăng chậm lại trong những tuần gần đây và cô không chắc đó là do yếu tố mùa vụ hay do người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu.

Các chủ doanh nghiệp nhỏ thường là những người đầu tiên cảm nhận được tác động của suy thoái kinh tế. Các báo cáo cho thấy sự lạc quan đang giảm dần trong nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau ở Mỹ, từ sản xuất cho đến các sản phẩm tiêu dùng và dịch vụ.

Drew Bahner, Giám đốc điều hành Expanded Solutions, nhà sản xuất các sản phẩm kim loại sử dụng cho các ứng dụng công nghiệp, hàng rào và các nhu cầu an ninh khác, có trụ sở tại TP. Oklahoma, than vãn: “Các khách hàng thường mua hàng chất đầy một xe tải nhưng giờ đây họ chỉ mua số hàng chỉ chất khoảng nửa xe”.

Dự trữ tiền mặt thấp

Các doanh nghiệp nhỏ thường có dự trữ tiền mặt thấp hơn các doanh nghiệp lớn, vì vậy, họ sẽ gặp khó khăn hơn khi chống chọi các “cơn bão” kinh tế. Nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ rơi vào tình trạng thoi thóp sau hơn hai năm ứng phó với đại dịch Covid-19 và các thách thức kinh tế khác. Các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của chính phủ phần lớn đã sử dụng hết ngân sách được cấp.

“Tôi giống như đi trên một đoàn tàu lượn mà không có cách nào để xuống được”, Schuyler Northstrom, Giám đốc điều hành Uinta Mattress, nhà sản xuất nệm có trụ sở ở TP. Salt Lake City, bang Utah, nói. Uinta Mattress đã thiết kế lại các mẫu nệm để giảm chi phí sản xuất nhưng biên lợi nhuận ròng vẫn giảm xuống mức 5% so với 25% cách đây 3 năm do chi phí nguyên liệu, lao động, vận tải tăng nhanh. Doanh số của công ty này suy yếu trong năm nay vì người tiêu dùng hạn chế mua sắm những vật dụng không thiết yếu.

Công ty 15 nhân viên này đã nhận được các khoản vay hỗ trợ thông qua các chương trình cứu trợ liên bang được triển khai trong thời kỳ dịch bệnh. Nhưng công ty bị từ chối cho vay thêm khi đang cần vốn để tu bổ cơ sở vật chất kinh doanh và mở rộng hàng tồn kho

Northstrom nói: “Chúng tôi đang ở giai đoạn phải ra quyết định liệu có nên tiếp tục hoạt động nữa hay không”.

Tuy nhiên, một bộ phận doanh nghiệp nhỏ của Mỹ vẫn lạc quan hoặc có quan điểm trung lập về triển vọng kinh doanh trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp thấp, sức mua của người tiêu dùng vãn mạnh mẽ và nhu cầu lao động ở các mức cao trong lịch sử. Cuộc khảo sát của Vistage Worldwide cho thấy 12% doanh nghiệp nhỏ dự báo các điều kiện kinh tế sẽ khả quan hơn trong năm tới, trong khi đó,  28% doanh nghiệp nhỏ nhận định triển vọng trong năm 2023 vẫn giống như năm nay.

Biên lợi nhuận của Uinta Mattress, nhà sản xuất nệm, có trụ sở ở TP. Salt Lake City, bang Utah, giảm mạnh do chi phí nguyên liệu, lao động, vận tải tăng nhanh. Ảnh: WSJ

Tuyển dụng khó khăn vì thiếu lao động

Dịch bệnh Covid-19 vẫn là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng gián đoạn hoạt động ở các doanh nghiệp nhỏ khi các ca nhiễm của người lao động và khách hàng tiếp tục khiến nhiều đơn hàng bị hủy hoặc điều chỉnh lại. Vấn đề thiếu lao động là một thách thức khác đối với các chủ doanh nghiệp nhỏ.

Tại Mỹ, mức sử lao động của ở các công ty ít hơn 50 nhân sự giảm trong tháng 2 và tháng 4, trong khi đó, số lao động ở các công ty lớn tiếp tục tăng. Có đến 88% chủ doanh nghiệp nhỏ nói rằng các thách thức trong tuyển dụng vẫn không thay đổi hoặc ngày càng nghiêm trọng hơn kể từ tháng 1, theo cuộc khảo sát với hơn 1.100 doanh nghiệp nhỏ do Ngân hàng Goldman Sachs thực hiện hồi tháng 4. Hơn 3/4 trong số những chủ doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn khi tuyển dụng nhân sự chất lượng, nói rằng họ không thể cạnh tranh với các công ty lớn hơn về mức lương và các khoản phúc lợi.

Một số doanh nhân đã trở nên thận trọng hơn trong việc tuyển dụng khi những lo lắng về kinh tế ngày càng gia tăng. Andrew Shore, chủ sở hữu của Sea Pointe Design + Remodel, một công ty tu sửa nhà cửa có trụ sở ở TP. Irvine, bang California, đã dự kiến doanh thu chỉ tăng khoảng 15% trong năm nay sau khi tăng hơn 40% vào năm 2021. Nhưng giờ đây, Shore bi quan hơn và cho rằng doanh số thu sẽ đi ngang vào cuối năm.

Ông cho biết: “Mối lo lắng của tôi là trong 6-8 tuần qua, mọi thứ dường như đang chùng xuống. Chúng tôi có một số khách hàng lên kế hoạch tu sửa nhà trong những tháng tới nhưng hiên nay, họ rút lại ý định đó”. Ông lưu ý một khách hàng gần đây đã hủy bỏ hợp đồng sửa nhà trị giá 900.000 đô la vì lo lắng về nền kinh tế và thị trường chứng khoán.

Sau nhiều tháng chật vật tuyển dụng nhân sự, Shore quyết định tạm dừng. Ông nói: “Tôi thực sự muốn chờ xem 3-4 tháng tới, tình hình sẽ như thế nào trước khi thuê thêm bất kỳ nhân viên nào khác”.

Theo Wall Street Journal

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới