Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp nhỏ cũng cần nắm bắt cơ hội từ CMCN 4.0

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp nhỏ cũng cần nắm bắt cơ hội từ CMCN 4.0

Chí Thịnh

Doanh nghiệp nhỏ cũng cần nắm bắt cơ hội từ CMCN 4.0
Ông Phí Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Tin học TPHCM trình bày về cơ hội cũng như nhu cầu tham gia vào CMCN 4.0 của doanh nghiệp. Ảnh: Chí Thịnh

(TBKTSG Online) – Tại hội thảo VIO 2017 về xu thế của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), các doanh nghiệp và chuyên gia công nghệ thông tin (CNTT) cùng chia sẻ ý kiến là doanh nghiệp dù ít tiền, quy mô nhỏ nhưng cần phải nỗ lực nắm bắt cơ hội từ cách mạng công nghiệp này để nâng cao năng lực cạnh tranh, hoạt động hiệu quả hơn.

Thay đổi hay là chết!

Tại hội thảo toàn cảnh công nghệ thông tin-truyền thông Việt Nam 2017 (VIO 2017) diễn ra ngày 20-9 tại TPHCM, ông Phí Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Tin học TPHCM (HCA) đã khẳng định: Trước xu hướng cách mạng công nghiệp lần thứ 4, doanh nghiệp phải thay đổi hay là chết!

Ông Tuấn phân tích thêm về động thái hướng tới CMCN 4.0: Ở Việt Nam, vẫn chưa thực hiện tốt việc kết nối giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (mạng lưới cộng tác, hệ sinh thái…); doanh nghiệp vẫn đang hoạt động một cách phân tán, manh mún. Đồng thời, các doanh nghiệp vẫn chưa tích cực kết nối, chia sẻ dữ liệu, cùng nhau phát triển mô hình kinh doanh mới… Không có điều này sẽ khó tiến lên CMCN 4.0.

Trên thực tế, HCA ghi nhận đã có một số doanh nghiệp trong nước bắt đầu nắm bắt các quy trình tự động hoá, số hoá dữ liệu… khi làm việc, gia công sản phẩm cho các tập đoàn lớn về CNTT trên toàn cầu. Điều này chính là tiền đề cho quá trình hội nhập, tiến lên CMCN 4.0 sau này.

Tại hội thảo, bà Tô Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ Thông tin (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) nói về cơ hội tham gia CMCN 4.0. Bà nhấn mạnh việc nắm bắt kịp thời các tiêu chuẩn quốc tế và triển khai các tiêu chuẩn này sẽ là thế mạnh của các doanh nghiệp trong xu hướng CMCN 4.0.

Ở thời đại công nghiệp số, dữ liệu lớn cũng như việc phân tích, khai thác dữ liệu sẽ trở thành nền tảng phát triển kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đó, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hệ sinh thái, kết nối và chia sẻ dữ liệu trong trong ngành công nghệ thông tin-truyền thông (CNTT-TT).

Các chuyên gia CNTT cho rằng, dù doanh nghiệp Việt Nam (đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ) đều có quy mô kinh doanh nhỏ, ít vốn đầu tư… nhưng cũng phải xác định lộ trình hướng tới CMCN 4.0 để tăng cường năng lực cạnh tranh. Các doanh nghiệp này thường có quy mô lao động nhỏ (dưới 100 người), sử dụng các dây chuyền sản xuất cấp thấp; ít áp dụng quy trình tự động hoá, việc sử dụng robot trong sản xuất hiện thời chỉ là con số 0.

Ông Trần Anh Tuấn, Tổng giám đốc công ty cổ phần công nghệ Sao Bắc Đẩu, cho rằng không chỉ có doanh nghiệp mới mà những doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong ngành CNTT cũng phải chuyển đổi, tìm cách “khởi nghiệp” trở lại trong thời đại CMCN 4.0. Tiến trình số hoá của mỗi doanh nghiệp sẽ phải khác nhau, nhưng không thể dừng lại hoặc không thay đổi vì như thế sẽ bị tụt hậu.

Công ty cổ phần MISA ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho việc gọi món ăn bằng giọng nói trên phần mềm quản lý nhà hàng Cukcuk. Ảnh: MISA

Doanh nghiệp còn e dè CMCN 4.0

Theo ghi nhận từ HCA cũng như một số hiệp hội doanh nghiệp, bản thân các doanh nghiệp cũng chưa hiểu hết về CMCN 4.0 nên họ còn ngần ngại, không dám đầu tư cho CNTT hoặc công nghệ mới theo xu hướng CMCN 4.0.

Ở ngành CNTT-TT đã xuất hiện những công ty mạnh dạn tấn công vào lĩnh vực CMCN 4.0, phát triển các giải pháp công nghệ như giao thông thông minh, quản lý môi trường thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các phần mềm quản lý giáo dục, kinh doanh nhà hàng…

Ông Hoàng Mạnh Cường, phụ trách khối giải pháp và doanh nghiệp công ty cổ phần công nghệ Sao Bắc Đẩu cho biết, trong thời gian qua, công ty đã tập trung vào 8 ngành công nghiệp chính, phát triển 20 bộ giải pháp liên quan tới CMCN 4.0. Sao Bắc Đẩu cũng định hình bài toán công nghệ cho khách hàng, tổ chức hoạt động liên kết với các trường đại học, tạo ra cộng đồng khởi nghiệp để có thể phát triển các giải pháp công nghiệp thích hợp.

Nói về mức độ tiếp cận công nghệ theo xu hướng CMCN 4.0, ông Tuấn của HCA cho hay, doanh nghiệp trong giai đoạn hiện tại cần sẵn sàng năng lực tiếp cận công nghệ, chuyển đổi tư duy và hệ thống hạ tầng tại doanh nghiệp để tiếp cận và thích ứng với CMCN 4.0. Doanh nghiệp cần tìm hiểu, nghiên cứu về tự động hoá, trí tuệ nhân tạo, năng lực sáng tạo; bổ sung hoạt động đào tạo để phát triển nguồn nhân lực cho tương lai.

Điều quan trọng là doanh nghiệp phải đầu tư cho quy trình chuyển đổi số; trở thành doanh nghiệp số thực sự, có khả năng nắm bắt toàn bộ dữ liệu. Muốn tiến tới tự động hoá quy trình sản xuất, kinh doanh; sử dụng robot thì trước hết doanh nghiệp phải tích cực ứng dụng CNTT.

Theo nhận xét từ các chuyên gia CNTT thì CMCN 4.0 chính là sự giao thoa giữa ngành công nghiệp và ứng dụng CNTT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ở giai đoạn đầu, doanh nghiệp nên ứng dụng CNTT trước, có thể bắt đầu từ những cái nhỏ, có thể thực hiện được… Doanh nghiệp có thể nghiên cứu, ứng dụng nền tảng công nghệ internet kết nối vạn vật (Internet of Things); ví dụ như trang bị các cảm biến kết nối internet; sau đó mới tính đến việc trang bị quy trình tự động hoá, sử dụng robot trong quy trình sản xuất…

Các doanh nghiệp cho rằng họ cũng phải tuỳ vào nhu cầu kinh doanh, sản xuất thực tế mới có thể quyết định có triển khai hoạt động ứng dụng công nghệ theo xu hướng CMCN 4.0 hay không.

VIO 2017 có chủ đề chính là “Doanh nghiệp và cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Cơ hội và thách thức”. Sự kiện cung cấp cái nhìn tổng quan về mức độ quan tâm và sẵn sàng của doanh nghiệp trước “làn sóng” CMCN 4.0; cập nhật toàn cảnh về ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp; bàn về cơ hội và thách thức của doanh nghiệp trong đầu tư CNTT hướng tới CMCN 4.0. Đây là diễn đàn dành cho các doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước, chuyên gia trong ngành CNTT-TT.

Mời đọc thêm

Diện mạo cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo nguy cơ an ninh mạng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới