Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp nhỏ trước ngã rẽ tài chính và chuyển đổi số

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp nhỏ trước ngã rẽ tài chính và chuyển đổi số

Vân Ly

(TBKTSG Online) – Để tồn tại trong tình hình khó khăn chung của nền kinh tế sau dịch bệnh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm phần lớn trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam) được thúc đẩy chuyển đổi số. Thế nhưng, áp lực về tài chính lại là những thách thức cụ thể mà doanh nghiệp nhỏ phải đối mặt trong thực tế, và câu chuyện chuyển đổi số đối với họ vẫn chỉ là sự "khao khát".

Những thông tin nêu trên được ghi nhận tại phiên tọa đàm “Chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ” được tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin và Truyền thông được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin (Vinasa) phối hợp với Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức vào ngày 15-12.

Vinasa dẫn ra kết quả cuộc khảo sát do đơn vị này thực hiện, cho thấy các doanh nghiệp đang chuyển đổi số trên cả nước chiếm khoảng 15%. Trong số các doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát, 99% doanh nghiệp cho biết đang gặp khó khăn về vốn; cho nên chuyển đổi số vẫn chỉ là sự “khao khát” của khoảng 72% doanh nghiệp vừa và nhỏ, số còn lại cho rằng chuyển đổi số là câu chuyện của các doanh nghiệp lớn.

 

Doanh nghiệp nhỏ trước ngã rẽ tài chính và chuyển đổi số
Chuyển đổi số là số hóa mọi quy trình của doanh nghiệp. Ảnh minh họa: Vân Ly

Muốn tồn tại phải chuyển đổi số

Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, các mô hình kinh doanh mới liên tục được hình thành và phát triển. Từ đó, kéo theo thách thức cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc dịch chuyển từ các mô hình kinh doanh truyền thống sang các mô hình kinh doanh mới. Đại dịch Covid-19 khiến cho sự dịch chuyển, chuyển đổi sang môi trường kinh doanh số không còn là điều cần thiết mà đã trở thành vấn đề sống còn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nghiên cứu về mức độ sẵn sàng số hóa của doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2020 của Cisco (Mỹ) vừa công bố cho thấy, đến năm 2024, quá trình số hóa của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam có thể đóng góp từ 24 – 30 tỉ đô la Mỹ vào GDP và góp phần vào phục hồi kinh tế hậu Covid-19. Trong khu vực, gần 70% doanh nghiệp đang đẩy nhanh quá trình số hóa do tác động của đại dịch Covid-19; 86% doanh nghiệp được hỏi tin rằng số hóa sẽ giúp phát triển khả năng phục hồi chống lại các cuộc khủng hoảng như đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên theo báo cáo phân tích của công ty nghiên cứu thị trường Forrester (Mỹ), chỉ có 11% doanh nghiệp thành công trong quá trình chuyển đổi số, 89% doanh nghiệp còn lại lạc lối trong quá trình chuyển đổi số. Bốn lý do chính là: nhận thức sai lầm, không gắn kết được lợi ích của chuyển đổi số với mục tiêu kinh doanh, thiếu nguồn lực cần thiết và thiếu hệ sinh thái số thuận lợi.

Tại Việt Nam, theo cuộc khảo sát do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện với 400 doanh nghiệp vừa và nhỏ, có tới 72% doanh nghiệp đang tìm cách chuyển đổi số để đưa các sản phẩm và dịch vụ mới ra thị trường, tăng đáng kể so với mức 32% của năm 2019.

Tuy nhiên, có nhiều rào cản trong chuyển đổi số đối với doanh nghiệp. Bốn rào cản chính trong chuyển đổi số đối với doanh nghiệp gồm: thiếu thông tin về công nghệ số (30,4%); thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số (32,3%), sợ rò rỉ dữ liệu cá nhân/doanh nghiệp (33,9%); thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số (38,9%) và chi phí ứng dụng công nghệ số cao (55,6%).

Khảo sát điều tra cho thấy thách thức chủ yếu khi triển khai mô hình kinh doanh số gồm: thay đổi văn hoá và mô hình quản lý, kinh doanh; cam kết, nhất quán của lãnh đạo các cấp; cân bằng giữa công nghệ thông tin và quản lý,kinh doanh; quản lý rủi ro kinh doanh số; nền tảng công nghệ thông tin (CNTT) của doanh nghiệp và quốc gia; sự trì trệ, chậm thay đổi của cơ quan quản lý và nhận thức, hiểu biết của khách hàng, đối tác.

Câu hỏi nan giải: doanh nghiệp cần làm gì?

Tại sự kiện ngày 15-12, ông Nguyễn Kim Hùng, Phó viện trưởng Viện khoa học Quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng trong chuyển đổi số, các doanh nghiệp thay vì đầu tư một hệ thống máy chủ dữ liệu thì có thể mua nền tảng tại các doanh nghiệp uy tín. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là tư duy. Trước khi đầu tư nền tảng cần hoạch định chiến lược kinh doanh số cho giai đoạn tới. Quy trình này bắt đầu từ thay đổi tư duy của ông chủ doanh nghiệp.

Ông Cao Hoàng Anh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và Phát triển công nghệ FSI cho rằng có nhiều câu hỏi được đặt ra trong quá trình chuyển đổi số là doanh nghiệp vừa và nhỏ có cần chuyển đổi số không, nó có ích lợi gì, nên bắt đầu từ đâu, làm cách nào…

“Trong chuyển đổi số việc thay đổi tư duy lãnh đạo, nhân viên là điều quan trọng nhất. Thực tế, phòng kế toán ở hầu hết doanh nghiệp không muốn chuyển đổi số do nhu cầu bảo vệ dữ liệu riêng, không tin tưởng chia sẻ. Doanh nghiệp cần xác định được vấn đề đang gặp phải để đầu tư chuyển đổi số cho phù hợp vào các khâu cần thiết. Bên cạnh đó, cần đơn giản hóa chuyển đổi số với các công cụ nhỏ. Con người, quy trình, công nghệ, dữ liệu là 4 yếu tố quan trọng của chuyển đổi số. Số hóa dữ liệu chính là số hóa quy trình đối với các doanh nghiệp”, ông Cao Hoàng Anh nói.

Phân tích về tiềm năng và rảo cản của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong chuyển đổi số, ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc điều hành công ty Công nghệ Getfly Việt Nam cho biết, thị trường chuyển đổi số của các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất tiềm năng, với doanh số khoảng 4 triệu tỉ đồng và sẽ phát triển mạnh vào năm 2025.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Huy Hoàng cho hay có thách thức lớn là hiện các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa thực sự bắt tay vào chuyển đổi số. Chủ yếu chậm về tư duy, nhân lực, phối hợp nội bộ kém… Trong khi đó chuyển đổi số là chìa khóa, cơ hội lớn để doanh nghiệp bước vào giai đoạn mới.

Để chuyển đổi số thành công, ông Hoàng cho rằng lãnh đạo doanh nghiệp cần lấy nhân viên làm gốc, phân công nhiệm vụ rõ ràng, phù hợp, nắm bắt xu thế, quyết tâm chuyển đổi. Bên cạnh đó cần đầu tư, nâng cấp hạ tầng, nghiệp vụ cho nhân viên, ứng dụng công nghệ, tăng sự phối hợp trong đội ngũ nhân viên…

Sự hỗ trợ, thúc đẩy từ chính phủ

Tại tọa đàm ngày 15-12, bà Nguyễn Thị Lệ Quyên, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã giới thiệu “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025” đây là một chương trình thuộc “Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa” của USAID LinkSMEs.

Dự án nêu trên đặt ra các mục tiêu mang tính tham vọng đến năm 2025: toàn bộ doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tối thiểu 100.000 doanh nghiệp được hỗ trợ kỹ thuật về chuyển đổi số; tối thiểu 100 doanh nghiệp được hỗ trợ là mô hình chuyển đổi số điển hình thành công để lan tỏa và nhân rộng; thiết lập mạng lưới chuyên gia gồm tối thiểu 100 tổ chức, cá nhân tư vấn, cung cấp giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển các nền tảng số.

Thông qua chương trình, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ kỹ thuật tập trung vào 4 nội dung chính gồm: nâng cao nhận thức, tầm nhìn và chiến lược của doanh nghiệp về chuyển đổi số; số hóa hoạt động kinh doanh như marketing, bán hàng…; số hóa quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ, các nghiệp vụ quản lý tài chính, kế toán, nhân sự, báo cáo, giám sát và đánh giá…; chuyển đổi số toàn diện để tạo ra sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới cho doanh nghiệp.

Trong giai đoạn đầu, chương trình sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực như: cơ khí, điện tử, chế biến chế tạo, nông nghiệp, chế biến thực phẩm… Đây được cho là một trong các chương trình hỗ trợ rất thiết thực góp phần đẩy nhanh chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian tới.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi chuyển đổi số cần sử dụng công nghệ số như là một dịch vụ, thông qua việc sử dụng các nền tảng. Đó cũng là lý do trong năm nay – năm Chuyển đổi số quốc gia 2020, ngày Thứ 6 công nghệ hàng tuần đã giới thiệu những nền tảng công nghệ Make in Việt Nam, để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể sử dụng với chi phí hợp lý, đảm bảo an toàn thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn và hiệu quả hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới