Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp nhộn nhịp ‘mở hàng’ đầu năm với hy vọng vượt thách thức

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp nhộn nhịp ‘mở hàng’ đầu năm với hy vọng vượt thách thức

Lê Hoàng

(TBKTSG Online) – Ngay những ngày đầu năm Tân Sửu 2021, hoạt động sản xuất – kinh doanh của một số doanh nghiệp cho thấy phần nào trở nên nhộn nhịp hơn giữa bối cảnh cả nước đang trong giai đoạn lo ngăn chặn và chống dịch nhưng phát triển kinh tế không bị trì trệ.

Doanh nghiệp nhộn nhịp 'mở hàng' đầu năm với hy vọng vượt thách thức
Xe bus của Thaco chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường Thái Lan vào những ngày đầu năm. Ảnh: Thaco cung cấp

Bất ngờ với doanh nghiệp ô tô thuần Việt

Ngay trong ngày ra quân đầu năm Tân Sửu, 17-2 vừa qua, Thaco đã xuất khẩu hơn 200 ô tô và linh kiện phụ tùng sang các thị trường Thái Lan, Myanmar, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây là lô hàng có số lượng lớn nhất từ trước đến nay của nhà sản xuất ô tô trong nước này, gồm xe du lịch Kia, xe bus và sơmi rơmoóc được sản xuất tại các nhà máy thuộc khu cộng nghiệp Thaco Chu Lai.

Đáng chú ý, trong số đó có 80 xe Kia Grand Carnival được xuất sang Thái Lan lần này là lô hàng thứ 7 được Thaco xuất cho đối tác Yontrakit kể từ cuối năm 2019 và 120 xe Kia Soluto xuất khẩu sang Myanmar là lô xe thứ 6 Thaco xuất sang thị trường này. Thái Lan được ví như Detroit của Đông Nam Á về phát triển ngành công nghiệp ô tô và nhiều năm qua Việt Nam nhập khẩu nhiều ô tô nguyên chiếc từ thị trường này, nhưng Thaco đã xuất khẩu được ô tô nguyên chiếc sang xứ chùa vàng là một kỳ tích.

Xe du lịch Kia do Thaco sản xuất ngày càng được khách hàng tại các nước khu vực ASEAN đánh giá cao bởi chất lượng tương đương với xe sản xuất tại Hàn Quốc, đạt tiêu chuẩn Kia toàn cầu và giá cạnh tranh.

Theo kế hoạch, năm 2021, Thaco sẽ xuất khẩu 1.480 xe sang Thái Lan, Myanmar và mở rộng sang các thị trường khác, từng bước thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất, xuất khẩu ô tô và linh kiện phụ tùng của Kia Motors tại khu vực ASEAN.

Tương tự với lĩnh vực ô tô, ông Lê Ngọc Đức, Tổng Giám đốc TC Motor kiêm Tổng Giám đốc Hyundai Thành Công, cho biết tập đoàn đã khởi động làm việc từ mùng 5 Tết và đặt mục tiêu tăng trưởng 10-15% trong năm 2021. Mục tiêu đặt ra tăng trưởng giữa bối cảnh dịch bệnh đầy thách thức này của Hyundai Thành Công được giới quan sát đánh giá là có cơ sở khi doanh nghiệp ô tô trong nước này có bước tiến vượt bật.

Bởi lẽ năm 2020 dù đại dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn cho nền kinh tế, hầu hết các hãng ô tô và toàn thị trường này có kết quả bán hàng bị sụt giảm thì ô tô Hyundai vẫn bán ra đạt 81.368 xe, tăng 2,26% so với năm 2019.

Hiện Tập đoàn Thành Công đang thực hiện đầu tư dự án xây dựng nhà máy ô tô Hyundai Thành Công số 2 (HTMV 2) tại tỉnh Ninh Bình, trên tổng diện tích 50 héc ta ở khu công nghiệp Gián Khẩu, vốn hơn 3.200 tỉ đồng. Dự án nhà máy mới có công suất 100.000 xe/năm này khi đi vào hoạt động sẽ nâng tổng công suất sản xuất và lắp ráp xe Hyundai tại Việt Nam vượt 170.000 xe/năm nhằm tiêu thụ trong nước và hướng đến xuất khẩu.

Gia tăng sản xuất 

Mở hàng đầu Xuân, Tôn Hòa Phát vừa xuất một lô hàng hơn 12.000 tấn sang châu Mỹ. Ảnh: website công ty

Trong lĩnh vực sản xuất, mở hàng đầu Xuân mới, Công ty Tôn Hòa Phát cho biết vừa xuất một lô hàng hơn 12.000 tấn chủ yếu là các sản phẩm tôn mạ lạnh sang châu Mỹ. Trước đó, vào tháng 1-2021, Tôn Hòa Phát đã xuất khoảng 10.000 tấn tôn mạ kẽm đi châu Âu cho các đối tác đến từ Bỉ và Tây Ban Nha.

Tôn Hòa Phát là doanh nghiệp sản xuất thép lá mạ duy nhất của Việt Nam tự chủ động được nguồn nguyên liệu thép cuộn cán nóng (HRC), sản xuất tại Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất (Quảng Ngãi). Đây là lợi thế rất lớn, giúp Hòa Phát đẩy mạnh mở rộng thị trường với giá thành cạnh tranh, kiểm soát chất lượng từ đầu vào đến đầu ra và gia tăng tỷ trọng hàng xuất khẩu.

Hoạt động xuất khẩu của Công ty Tôn Hòa Phát bắt đầu đẩy mạnh từ tháng 8-2020. Từ đó cho đến nay, Tôn Hòa Phát liên tục nhận được nhiều đơn hàng của các đối tác thương mại cho xuất khẩu thép lá mạ ra nhiều thị trường lớn trên thế giới. Từ năm 2021, Tôn Hòa Phát đặt mục tiêu sản xuất hàng năm 300.000 – 400.000 tấn, trong đó duy trì tỷ trọng xuất khẩu 30 – 40%.

Đáng chú ý, vào ngày 20-2 vừa qua, tấn thép cuộn cán nóng (HRC) thứ 1 triệu đã chính thức ra lò tại Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất. Đây là cột mốc đáng nhớ trong quá trình phát triển của Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất nói riêng và Tập đoàn Hòa Phát nói chung.

Năm 2020, Hòa Phát đã đạt sản lượng gần 700.000 tấn HRC. Năm 2021, Tập đoàn dự kiến đặt mục tiêu 2,7 triệu tấn HRC, trên 5 triệu tấn phôi và thép xây dựng. Trong đó, Khu liên hợp tại Dung Quất đóng góp toàn bộ HRC và một nửa kế hoạch sản lượng phôi và thép xây dựng Toàn tập đoàn.

Dự kiến, Hoà Phát sẽ triển khai dự án Dung Quất 2 vào đầu năm 2022 với công suất 5 triệu tấn/ năm, tập trung sản xuất HRC với công nghệ hiện đại trên thế giới hiện nay, tốt hơn cả dây chuyền hiện tại.

Trong khi đó, doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam là Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Cà Mau) ngay từ đầu năm Tân Sửu 2021 đã nhận được tin vui từ thị trường Mỹ khi quyết định về việc áp thuế chống phá giá với tôm Ấn Độ lên sản phẩm tôm xuất khẩu từ Minh Phú vào Mỹ bị hủy bỏ. 

Quyết định này cho phép Minh Phú tiếp tục được xuất khẩu tôm đông lạnh vào Hoa Kỳ mà không phải chịu thêm thuế chống phá giá áp dụng cho tôm Ấn Độ hay bất kỳ loại thuế chống phá giá nào khác sẽ giúp doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh trở lại để gia tăng xuất khẩu vào thị trường khó tính này trong thời gian tới.

Và may mặc, gỗ, da giày…

Công nhân làm việc tại May Sài Gòn 3. Ảnh: website DN

Đối với doanh nghiệp dệt may, theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM, cho biết do phần lớn doanh nghiệp của hội đã có đơn hàng đến hết quí 1, và một số doanh nghiệp có đơn hàng kéo dài đến quí 2 nên nhiều doanh nghiệp có việc làm ngay cho người lao động sau khi nghỉ Tết.

Mặt khác, rút kinh nghiệm năm ngoái ảnh hưởng dịch bệnh đột xuất nhiều doanh nghiệp không có nguyên liệu dự trữ để sản xuất, đơn hàng xuất khẩu bị đình trệ. Rút kinh nghiệm, năm nay, doanh nghiệp đã chủ động đàm phán với đối tác từ trước Tết sẵn nguồn nguyên liệu cho vài tháng sau Tết.

Mặc dù vậy, theo ông Hồng diễn biến dịch bệnh còn tác động ảnh hưởng đến nền kinh tế nên chưa thể quá lạc quan mà chỉ dự báo và kỳ vọng năm nay doanh nghiệp của ngành sẽ hoạt động sản xuất – kinh doanh tốt hơn năm 2020.

Tương tự, ngay từ mùng 4-6 Tết Nguyên đán 2021, nhiều công ty thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã bắt tay vào sản xuất, đáp ứng tốt các đơn hàng đã ký kết từ cuối năm 2020 và đầu năm 2021.

Đối với ngành chế biến đồ gỗ, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ trong tháng 1-2021 tăng 48,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cho nhiều tín hiệu tích cực để có thể đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu trên 14 tỉ đô la khi kết thúc năm nay.

Cũng như nhiều ngành hàng khác, những tác động từ Covid-19 khiến cho sản xuất da giày rơi vào tình trạng khó khăn, tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2020 giảm 11%. Thế nhưng, cũng chính trong giai đoạn đầy thách thức này, nhiều nhà mua hàng quốc tế lại đánh giá cao năng lực của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong hoạt động thiết kế, nghiên cứu và phát triển – vốn là những khâu mang lại giá trị cao cho ngành.

Nhờ vào việc kiểm soát dịch bệnh tốt tại Việt Nam và việc ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, ngành da giày đang dần khôi phục, có những chuyển biến tích cực và đơn hàng quay trở lại. Đáng chú ý, các hiệp định như UKVFTA, RCEP, hiệp định EVFTA được ký kết và đi vào thực thi trong năm 2020 là cơ sở để da giày và dệt may kỳ vọng tăng trưởng trong dài hạn.

Những hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nói trên phần nào khỏa lấp hoặc làm giảm bớt đi những thông tin xấu, hoặc sự lo lắng về những khó khăn do dịch bệnh kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm đóng cửa, người lao động mất việc làm, không có thu nhập… ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới