Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp niêm yết Nhật Bản đương đầu áp lực bình đẳng giới

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Chính phủ Nhật Bản đang lên kế hoạch thúc giục các công ty niêm yết trên thị trường Prime hàng đầu của Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE) có ít nhất một giám đốc điều hành là phụ nữ vào năm 2025. Mục tiêu là các doanh nghiệp niêm yết Nhật Bản có 30% nữ giới trong ban giám đốc điều hành vào năm 2030.

Các doanh nghiệp niêm yết của Nhật Bản đang gặp áp lực về bình đẳng giới trong ban giám đốc điều hành. Ảnh: Nikkei Asia

Nhật Bản đang tụt hậu so với các nền kinh tế tiên tiến khác về bình đẳng giới tại doanh nghiệp. Một hội đồng thuộc Văn phòng Nội các của Thủ tướng Fumio Kishida sẽ sớm biên soạn một đề xuất có tỷ lệ lãnh đạo nữ cụ thể. Đây là một phần của quy tắc niêm yết trên TSE. Mục tiêu này sẽ được đưa vào hướng dẫn chính sách của chính phủ về sự tiến bộ của phụ nữ sẽ được công bố vào tháng 6 tới. Tuy vậy, mục tiêu này có thể sẽ không mang tính ràng buộc.

Mười năm của bình đẳng giới

Kêu gọi bình đẳng giới trong phòng họp ban giám đốc của Nhật Bản đã bắt đầu từ lâu. Năm 2013, Thủ tướng Shinzo Abe lúc sinh thời đã kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp nên có ít nhất một phụ nữ trong đội ngũ điều hành cấp cao của họ.

Vào thời điểm đó, 2.968 công ty, tương đương 80% công ty niêm yết, hoàn toàn không có một nữ giám đốc điều hành cấp cao nào. Theo Văn phòng Nội các, giám đốc điều hành cấp cao bao gồm chủ tịch hội đồng quản trị, kiểm toán viên công ty và giám đốc điều hành.

Số phiếu bầu chống lại các hội đồng quản trị chỉ có nam giới đã tăng lên hàng năm, khiến một số công ty gặp khó khăn trước cuộc họp cổ đông gấp rút vào tháng 6 sắp tới.

Chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida cũng đang thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ trong xã hội. “Mục tiêu là phụ nữ chiếm ít nhất 30% các vị trí điều hành vào năm 2030,” Thủ tướng Kishida phát biểu cuối tháng 4 vừa rồi.

Ông cũng thúc giục các công ty đang trên sàn Prime hướng đến mục tiêu chung này. Phát biểu trên cũng đánh dấu lần đầu tiên một thủ tướng vạch ra một mục tiêu cụ thể về số lượng để có các giám đốc điều hành nữ tại các doanh nghiệp.

Tính đến tháng 7-2022, số lượng công ty niêm yết không có giám đốc điều hành cấp cao là nữ đã giảm xuống còn 1.465 công ty, chiếm 40% tổng số công ty. Trong số các công ty hàng đầu được niêm yết trên thị trường Prime mới được tổ chức của sàn TSE, tỷ lệ này là 20%.

Năm 2022, Nhật Bản đặt mục tiêu có phụ nữ chiếm 12% giám đốc điều hành tại các công ty niêm yết hàng đầu của TSE. Nhưng chỉ có 11,4% số công ty niêm yết trên Prime đạt mục tiêu 12% tính đến tháng 7-2022. Các công ty niêm yết trên Prime không có giám đốc điều hành nữ chiếm tổng cộng 18,7%, chỉ có 2,2% vượt qua mục tiêu 30%.

Đã có ý kiến thiết lập một hệ thống hạn ngạch hay lộ trình thu hẹp bất bình đẳng giới trong Japan Inc. – giới doanh nghiệp Nhật Bản. Trước khi có thể đạt mục tiêu 30% như đề nghị của Thủ tướng Kishida, Nhật Bản nhận ra cần đặt ra các mục tiêu tạm thời cho vài năm trước mắt.

Trong khi việc đạt mục tiêu 12% nói trên cho năm 2022 còn chưa với tới và khá trầy trật, thì con số mỗi doanh nghiệp niêm yết trong năm 2025 có một nữ giám đốc cũng sẽ là thách thức mới.

Áp lực từ nhiều phía

Các công ty hàng đầu của Nhật Bản cuối cùng cũng phải tiến tới việc bổ nhiệm các giám đốc nữ, nhưng Nhật Bản còn thua xa các quốc gia phương Tây. Theo Văn phòng Nội các, tính đến năm 2022, phụ nữ chiếm 45,2% giám đốc điều hành tại các công ty hàng đầu của Pháp, 40,9% ở Anh, 37,2% ở Đức và 31,3% ở Mỹ.

Trước áp lực từ cả nhà đầu tư và chính phủ, các công ty hàng đầu như Canon và Toray Industries có kế hoạch lần đầu tiên bổ nhiệm phụ nữ vào ban giám đốc.

Canon đang chuẩn bị bổ nhiệm nữ giám đốc đầu tiên vào năm 2024. Trong số 40 quản lý điều hành cấp cao đang làm việc tại Canon, chỉ có hai người là phụ nữ – một người giám sát các sáng kiến bền vững và người còn lại là giám đốc nghiên cứu và phát triển. Hội đồng quản trị của Canon không có phụ nữ.

Nhà cung cấp vật liệu Toray cho biết hôm 19-5-2023 rằng sẽ chỉ định Yuko Harayama là người bên ngoài làm ứng cử viên giám đốc trong cuộc họp cổ đông vào tháng 6 tới. Bà Harayama là đồng chủ tịch của Hiệp hội vì sự tiến bộ của khoa học Nhật Bản, một tổ chức phi lợi nhuận.

Hồi tháng 4-2023, hãng Shin-Etsu Chemical đã thông báo rằng họ sẽ đề cử một nhân vật bên ngoài – bà Mariko Hasegawa, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Nhật Bản – làm giám đốc.

Các nhà đầu tư là định chế là một trong hai lực lượng thúc đẩy sự thay đổi. Bắt đầu từ các cuộc họp cổ đông năm nay, quỹ hưu trí của Chính phủ Na Uy, một trong những quỹ đầu tư lớn nhất thế giới, sẽ bỏ phiếu chống lại các chủ tịch hội đồng quản trị tại các công ty Nhật Bản không có phụ nữ trong số quản lý cấp cao.

Hãng quản lý tài sản Nomura của Nhật Bản sẽ phản đối các kiến nghị của cổ đông về việc bổ nhiệm lại chủ tịch và các thành viên hội đồng quản trị khác nếu công ty không có nữ giới trong danh sách ban giám đốc.

Khi Canon tổ chức cuộc họp cổ đông thường kỳ vào tháng 3-2023, chỉ có 50,59% bỏ phiếu giữ Chủ tịch kiêm CEO Fujio Mitarai trong hội đồng quản trị. Tỷ suất lợi nhuận thấp phản ánh sự thất vọng của nhà đầu tư đối với sự thiếu đa dạng trong các cấp quản lý hàng đầu.

Số phiếu bầu chống lại các hội đồng quản trị chỉ có nam giới đã tăng lên hàng năm, khiến một số công ty gặp khó khăn trước cuộc họp cổ đông gấp rút vào tháng 6 sắp tới.

Theo Nikkei Asia

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới