(KTSG Online) – Thông tin về phát thải khí nhà kính là thông tin mà các doanh nghiệp niêm yết sẽ phải đưa ra trong báo cáo năm nay. Việc công bố thông tin liên quan đến môi trường cũng sẽ ngày càng chặt chẽ hơn trong bối cảnh chính phủ, nhà đầu tư và cả công chúng đòi hỏi doanh nghiệp nâng cao tiêu chuẩn môi trường – trách nhiệm – xã hội (ESG).
- Quy mô ‘nợ xanh’ của Việt Nam tăng gấp 5 lần trong năm qua
- Nhiều người dùng cho rằng khái niệm ‘tài chính xanh’ chỉ để quảng cáo
- Doanh nghiệp niêm yết vi phạm công bố thông tin tăng đột biến
Tại hội thảo “Tư duy lãnh đạo và Thực thi Quản trị Biến đổi khí hậu & Phát triển bền vững ” do Deloitte Việt Nam phối hợp cùng Ủy ban chứng khoán Nhà nước tổ chức ngày 14-9, các vấn đề liên quan đến hoạt động phát triển bền vững đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường vốn, được chia sẻ.
Ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nhận định vấn đề phát triển bền vững đã và đang trở thành chiến lược được nhiều doanh nghiệp trên thị trường quốc tế lựa chọn. Trong đó, đề cao chính sách về quản lý rủi ro về môi trường và xã hội cũng như công bố thông tin về cách thức doanh nghiệp quản lý các vấn đề này. Tuy nhiên đây lại là một vấn đề tương đối mới mẻ đối với thị trường Việt Nam.
Dù vậy, một điểm mới cần kể đến là theo quy định tại Thông tư 96/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính, doanh nghiệp đại chúng bắt buộc phải công bố thông tin từ năm nay với hai tiêu chí môi trường. Đó là tiêu chí tổng phát thải khí nhà kính trực tiếp và gián tiếp và các biện pháp và sáng kiến nhằm giảm phát thải khí nhà kính.
Đại diện SSC cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng, vừa là chủ thể chịu tác động của biến đổi khí hậu vừa là đối tượng quan trọng trực tiếp tham gia.
Với doanh nghiệp, việc tiết kiệm được bao nhiêu điện năng, hạn chế sử dụng tài nguyên trở thành “thông tin đầu vào” quan trọng cho các nhà đầu tư.
Ông Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Phát triển doanh nghiệp, Quỹ đầu tư Dragon Capital, cho biết yếu tố môi trường – xã hội – quản trị (ESG) và phát triển bền vững là tiêu chí quan trọng để quỹ này quyết định rót tiền vào doanh nghiệp.
Tuy nhiên, thực trạng hiện nay các nhà đầu tư chỉ mới quan tâm nhiều đến chỉ số tài chính, bỏ qua các chỉ số “phi tài chính” ở trên, trong khi các tiêu chí này ảnh hưởng rất lớn đến rủi ro hoạt động của doanh nghiệp, liên quan đến thương hiệu, uy tín công ty, nhà đầu tư và cả đối tác.
Các chuyên gia cũng đồng ý với nhận định cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng chiến lược, quan tâm đến yếu tố ESG trong quá trình phát triển, như là một yếu tố quan trọng và trọng tâm để có thể thu hút nguồn lực đầu tư dài hạn.
Theo báo cáo “Phát triển bền vững CxO của Deloitte 2022: Khoảng cách giữa tham vọng và hành động”, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao trên toàn cầu ngày càng quan ngại đến tác động của biến đổi khí hậu nhưng thách thức là lồng ghép yếu tố bền vững này vào hoạt động của doanh nghiệp.
Đại diện Deloitte cho rằng, dù mức độ thách thức của mỗi doanh nghiệp ở mỗi ngành có những mối quan ngại khác nhau nhưng tất cả cần nhanh chóng chuyển từ câu hỏi “tại sao” sang “làm thế nào” với những phương thức tiếp cận riêng.
“Với một thị trường mới nổi như thị trường chứng khoán Việt Nam, việc áp dụng và cải thiện quản trị công ty yêu cầu một lộ trình thay đổi đầy đủ mà hội đồng quản trị giữ vai trò chủ động tiếp cận với xu thế toàn cầu, tích hợp nội dung vào chương trình nghị sự và cần chủ động hành động”, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Deloitte Việt Nam nói.
Trong hiện tại, thách thức đối với các doanh nghiệp niêm yết hiện nay vẫn là khả năng thực hiện báo cáo phát triển bền vững khi tăng cường thêm các tiêu chí về môi trường.
Theo Deloitte Việt Nam, một nguyên nhân là do báo cáo không có bộ tiêu chuẩn rõ ràng, thống nhất quy định khiến cho một số doanh nghiệp sẽ tìm cách đối phó, chỉ đưa ra thông tin giới hạn ít ảnh hưởng đến danh tiếng doanh nghiệp của mình.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư khó đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp vì hạn chế dữ liệu để so sánh. Phía doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc xác định chỉ số nào nên theo dõi.
Hiện thị trường Việt Nam đã có quy định và hướng dẫn thực hiện báo cáo ESG, bao gồm các Thông tư 96/2020/TT-BTC và Thông tư 116/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính, Sổ tay báo cáo bền vững cho các công ty Việt Nam, Hướng dẫn công bố về môi trường và xã hội, Quy tắc thực hành tốt nhất về quản trị của Việt Nam.
Theo chia sẻ từ đại diện Sở giao dịch TPHCM, trong thời gian tới sẽ có thêm các tiêu chuẩn mới, thống nhất chung trong khối ASEAN.