(KTSG Online) - Thời gian qua, doanh nghiệp ở một số tỉnh thành không đóng hoặc chậm đóng các loại bảo hiểm như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho lao động. Trong đó, các tỉnh như Đồng Nai, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Hà Nội có số lượng doanh nghiệp nợ bảo hiểm với số tiền lớn. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều doanh nghiệp bị phá sản hoặc chưa xoay xở được nguồn vốn...
- Bảo hiểm chỉ được yêu cầu công an cung cấp hồ sơ vụ tai nạn có người tử vong
- Thông báo chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm tháng 1-2023
Theo tin từ TTXVN, trong 2 năm trở lại đây, doanh nghiệp hầu hết các tỉnh thành đều gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là doanh nghiệp thuộc ngành may mặc, giày da, đồ gỗ, dẫn đến chậm đóng hoặc không đóng bảo hiểm. Một số đơn vị, doanh nghiệp chưa thu được nợ từ phía đối tác nên thiếu hụt dòng tiền vận hành bộ máy, trong đó có việc chi lương, đóng bảo hiểm xã hội.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai, tính đến tháng 12-2022, địa bàn có hơn 300 doanh nghiệp nợ các khoản như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với số tiền gần 230 tỉ đồng. Trong đó có doanh nghiệp nợ số tiền bảo hiểm đến 97 tháng với số tiền hơn 18 tỉ đồng. Một số công ty khác nợ 75 tháng với số tiền hơn 41 tỉ đồng; nợ 41 tháng với số tiền trên 29 tỉ đồng…
Ở Khánh Hòa, đến tháng 12-2022, trên địa bàn tỉnh có trên 435 đơn vị, doanh nghiệp đang nợ các loại bảo hiểm trên 6 tháng với số tiền từ 98 tỉ đồng.
Còn tỉnh Thanh Hóa có hơn 2.000 doanh nghiệp mắc khoản nợ này từ 3 tháng trở lên với số tiền nợ gần 411 tỉ đồng. Trong đó, có 483 đơn vị nợ từ 12 tháng trở lên với số tiền nợ gần 230 tỉ đồng; 534 đơn vị nợ khó thu bảo hiểm do doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh, chủ bỏ trốn…
Trước đó, từ đầu tháng 11-2022, Hà Nội đã tổ chức buổi đối thoại với 150 đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội. Đến đầu tháng 10, thành phố đang có gần 79.000 đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội của gần 1 triệu lao động với số tiền 5.101 tỉ đồng.
Cơ quan bảo hiểm cũng đã triển khai nhiều biện pháp để thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của các doanh nghiệp như gửi thông báo tình hình nợ đọng đến các đơn vị; lên kế hoạch làm việc với những đơn vị có số nợ lớn; phối hợp với công an thực hiện nhiệm vụ theo quy chế.