Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp nỗ lực duy trì hoạt động dưới áp lực gia tăng chi phí

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp nỗ lực duy trì hoạt động dưới áp lực gia tăng chi phí

Trọng Nghĩa

(KTSG Online) – Trong bối cảnh TPHCM đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, rất nhiều doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động, trong khi những doanh còn duy trì được hoạt động sản xuất cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Doanh nghiệp nỗ lực duy trì hoạt động dưới áp lực gia tăng chi phí
Một doanh nghiệp điện tử thực hiện phương án "3 tại chỗ" (sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ) để duy trì sản xuất. Ảnh minh họa: TTXVN

Công ty TNHH Viking Việt Nam (TPHCM) là một trong số ít doanh nghiệp dệt may còn duy trì hoạt động trong bối cảnh TPHCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Hiện tại, công ty chỉ có thể sắp xếp cho khoảng 150 công nhân (chiếm 1/2 số lượng người lao động của công ty) ở lại sản xuất theo phương án "3 tại chỗ" (sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ). Mặc dù duy trì được hoạt động sản xuất, nhưng đây cũng là tình thế bắt buộc Viking phải làm ở thời điểm hiện tại.

Bà Lê Nguyên Trang Nhã, Giám đốc Công ty TNHH Viking Việt Nam, bộc bạch rằng thời hạn giao hàng cho đối tác đã cận kề, việc đàm phán lùi thời điểm giao hàng với đối tác lại không như mong muốn. Một số đối tác đồng ý, còn lại đa phần khách hàng buộc Viking phải giao hàng đúng thời điểm ký kết trong hợp đồng. Nếu không giao hàng đúng hẹn, các đối tác này sẽ chuyển đơn hàng đến nơi khác.

Trước áp lực đó, Viking buộc lòng phải vận động công nhân ở lại nhà xưởng làm việc theo phương án "3 tại chỗ". Với phương án này, mỗi ngày chi phí cho người lao động tăng lên 100.000 đồng/người, chưa kể đến chi phí cho xét nghiệm Covid-19, trung bình 3 ngày/lần/người.Với 150 công nhân hiện còn làm việc tại nhà xưởng, dự kiến mỗi tháng Viking sẽ tốn thêm khoảng 500 triệu đồng.

Ngoài việc chi phí sản xuất tăng, năng suất lao động của công nhân cũng sụt giảm khoảng 30% so với bình thường. Bà Trang Nhã chia sẻ, những công nhân còn ở lại làm việc không phải cùng một chuyền, nên việc phối hợp sẽ không được nhịp nhàng.

Bên cạnh đó, tâm lý lo lắng và hoang mang khi làm việc trong bối cảnh dịch bệnh khiến người lao động không tập trung được toàn bộ vào công việc. Chính điều này dẫn đến năng suất lao động sụt giảm, và quá trình giao hàng cũng chậm trễ. “Thực tế đã có một số đối tác hủy đơn hàng với Viking. Mặc dù chúng tôi không phải bồi thường hợp đồng, nhưng việc kết nối lại với những đối tác này trong thời gian tới sẽ rất khó”, bà Nhã nói.

Với trường hợp sản xuất theo phương án "1 cung đường, 2 địa điểm" của Công ty Meizan CLV (TPHCM), doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn ở thời điểm hiện tại. Ông Lưu Huỳnh, Trưởng phòng Tiếp thị (Makerting) của Meizan chia sẻ, hiện có khoảng 100 công nhân của công ty đang tiếp tục làm việc. Chi phí chỗ ở cho số công nhân này mỗi tháng khoảng 300 triệu đồng, cộng thêm chi phí xét nghiệm và các khoảng khác đã khiến giá thành sản xuất của công ty tăng lên khá nhiều.

“Mặc dù không muốn nhưng chúng tôi vẫn phải duy trì hoạt động sản xuất vì công ty nằm trong nhóm cung cấp thực phẩm thiết yếu", ông Lưu Huỳnh nói và giải thích thêm rằng nếu không cung cấp hàng cho các nhà phân phối, họ sẽ cho rằng doanh nghiệp ghim hàng và sau khi dịch bệnh qua đi có thể họ sẽ không nhận hàng của Meizan. Bên cạnh đó, sản phẩm của Meizan nằm trong nhóm thực phẩm thiết yếu nên doanh nghiệp cũng không thể tăng giá bán. Khi giá thành sản xuất tăng lên như thời điểm hiện tại buộc doanh nghiệp phải bù lỗ.

Trước những khó khăn nêu trên, Meizan đã kiến nghị chính quyền thành phố cần có những chính sách đặc thù cho các doanh nghiệp đang còn duy trì hoạt động sản xuất. Công ty đang đề xuất phương án được phép thống kê và đăng ký số lượng công nhân làm việc sau 18 giờ hằng ngày và đăng ký biển số xe chở các công nhân này về nơi ở là khách sạn (theo phương án sản xuất "1 cung đường, 2 địa điểm"). Nếu không thì việc duy trì sản xuất ở thời điểm hiện tại của Meizan là điều không thể thực hiện được, vì doanh nghiệp không thể bố trí cho công nhân ở lại công ty theo phương án "3 tại chỗ".

KTSG Online cũng ghi nhận ý kiến một số doanh nghiệp đang thực hiện theo phương án "3 tại chỗ", qua đó họ kiến nghị các cơ quan chức năng nên có những chính sách hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp.

Đơn cử, bà Trang Nhã cho biết áp lực về việc tăng chi phí sản xuất mà công ty Viking đang đối mặt là rất lớn. Do đó, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ chi phí xét nghiệm Covid-19, có các chính sách ưu tiên về thuế cho doanh nghiệp như một sự hỗ trợ, khích lệ doanh nghiệp nỗ lực duy trì hoạt động trong khó khăn.

Trong cuộc họp giao ban trực tuyến với TPHCM về các biện pháp phòng, chống dịch của TPHCM vào ngày 14-7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 lưu ý TPHCM cần nghiên cứu, xem xét các phương án thích hợp cho các doanh nghiệp sản xuất trở lại từng phần với những doanh nghiệp còn đang duy trì hoạt động theo phương án “ba tại chỗ”, “một cung đường, hai địa điểm".

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới