Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp oằn mình chống đỡ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp oằn mình chống đỡ

Quốc Hùng – Vũ Dung

(TBKTSG) – Từ hôm 16-3 tới nay, giám đốc một công ty may lớn bậc nhất Việt Nam liên tục nhận được các tin nhắn báo ngừng hoặc giãn thời gian giao hàng từ đối tác châu Âu và Mỹ. “Mỗi ngày tôi đều hy vọng sẽ có được thông tin tốt, nhưng cuối cùng, cả 12/12 đối tác đều đã ngừng nhận hàng, ít nhất là tới cuối tháng 4 mới có thông tin mới”, vị này chia sẻ.

Doanh nghiệp oằn mình chống đỡ
Kế hoạch kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu đều bị đảo lộn. Ảnh: Quốc Hùng

Diễn biến quá nhanh

Sáng thứ Hai vừa rồi, ông đã phải thông báo về tình trạng của công ty với hàng chục ngàn công nhân. “Kế hoạch sản xuất của công ty trước đây tính theo tuần, theo tháng, nay thì chỉ tính theo ngày, thậm chí theo giờ”, ông nói. “Sáng công nhân đi làm, chiều có thể nhận thông báo tạm nghỉ. Trong một nhà máy có chuyền đi làm, có chuyền nghỉ. Hơn 10 nhà máy thì có nhà máy hoạt động, có nhà máy tạm nghỉ”.

Đây là tình trạng phổ biến kể từ khi châu Âu và Mỹ trở thành ổ dịch lớn thứ hai, thứ ba thế giới khiến mọi kế hoạch kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu sang hai thị trường này đều đảo lộn. Theo vị lãnh đạo công ty may nói trên, hiện ông không biết sẽ phải xoay xở như thế nào ngoài việc chờ tới khi dịch qua đi. Vấn đề ở chỗ sẽ phải tính toán như thế nào đối với hàng ngàn lao động mà công ty đang tuyển dụng khi hàng không xuất được, vốn tồn đọng, trong khi doanh nghiệp vẫn phải oằn mình trả lương, thuế và các loại phí khác. “Ngành may nói chung và công ty chúng tôi đang ở thời điểm cực kỳ khó khăn”, ông nói. “Nếu doanh nghiệp chết, hơn 2 triệu lao động ngành may phải nghỉ việc, áp lực rất lớn cho xã hội”.

“Mọi thứ thay đổi quá nhanh, nhu cầu nhập khẩu hàng nội thất suy giảm một cách bất ngờ”, ông Vũ Hải Bằng, Chủ tịch Woodland, doanh nghiệp chuyên xuất khẩu đồ nội thất sang các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản nói. “Chúng tôi gần như không còn đơn hàng để sản xuất nữa”, ông mô tả.

Hiện nay, tất cả các đối tác của Woodland đều xem xét lại các đơn hàng đã ký. Ikea, một trong những khách hàng lớn của Woodland đã thông báo ngừng nhập khẩu trong hai tháng tới, sau đó mới tính tiếp. Woodland, theo đó cũng buộc phải ngừng nhập hàng từ các công ty phụ trợ trong nước.

Ngành nhựa cũng trong tình cảnh tương tự. Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, cho hay các doanh nghiệp thành viên hiệp hội liên tục thông báo về việc các đối tác châu Âu và Mỹ hủy hoặc giãn thời gian giao hàng đối với mặt hàng túi mua sắm (shopping bag) và túi đựng rác do nhu cầu giảm mạnh.

“Nhiều doanh nghiệp báo doanh thu giảm hơn một nửa, gần như tất cả doanh nghiệp đã cho 50-60% lao động nghỉ việc. Riêng công ty tôi, 40% lao động đã phải nghỉ việc, đóng dây chuyền sản xuất hai tuần nay”, ông Lam, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nhựa Rạng Đông nói.

Theo ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean), doanh nghiệp của ông đã nhận thông báo tạm ngưng nhập hàng của các đối tác nhập khẩu ở EU và Mỹ ngay sau khi hai nền kinh tế này ra lệnh hạn chế đi lại và tụ tập nơi đông người. Hàng thời trang của VitaJean xuất đi Mỹ, EU chiếm hơn 50% lượng hàng xuất khẩu của công ty. Khó khăn của doanh nghiệp hiện nay là đã nhập nguyên phụ liệu nhưng không sản xuất được. Nguyên liệu vải nhập để làm các đơn hàng OEM/FOB đã thanh toán tiền hàng nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và việc làm của người lao động.

Các đối tác nhập khẩu ở EU thông báo tạm ngừng một tháng và ở Mỹ là ba tuần, nhưng ông Việt dự đoán có khả năng sẽ phải kéo dài ít nhất hai tháng vì diễn biến dịch bệnh còn rất phức tạp.

Tại châu Âu, dịch Covid-19 lây nhiễm quá nhanh khiến nhiều ngành, trong đó có thương mại, dịch vụ bị tê liệt. “Sản phẩm thời trang bán theo mùa. Vải nhập luôn được chuẩn bị trước nhiều tháng, các đối tác ngưng nhập hàng đồng nghĩa toàn bộ kho vải chuẩn bị may sản phẩm bán trong mùa hè năm nay phải chuyển sang năm sau, có khả năng lỗi thời hết”, ông Việt cho biết.

Tương tự là với nhóm ngành hàng giày dép. Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn Gia Định, cho biết các đối tác của công ty ở thị trường EU và Mỹ đã thông báo tạm ngưng nhập hàng vào tuần rồi chỉ sau vài ngày EU và Mỹ có quyết định đóng cửa biên giới.

“Hơn 90% lượng giày dép của công ty được xuất đi thị trường EU và Mỹ. Do đó, khi những đối tác nhập khẩu của hai thị trường này tạm ngưng nhận hàng xem như công ty không có đầu ra cho sản phẩm”, ông Trung nói.

Ông Trung cho biết, khoảng 50% đơn hàng của các đối tác ở hai thị trường này đã thực hiện xong giờ đành phải lưu kho theo yêu cầu của các đối tác. Những đơn hàng chưa triển khai sản xuất, phía đối tác cũng yêu cầu tạm ngừng thực hiện. Do đó, nhiều người lao động và công nhân tại các cơ sở sản xuất của công ty cũng đang không có việc. Với gần 4.000 lao động đang làm việc tại các nhà máy, chi phí tiền lương lên đến hàng chục tỉ đồng/tháng khiến công ty đang gặp nhiều khó khăn. Hiện Công ty cổ phần tập đoàn Gia Định buộc phải cho 50% công nhân nghỉ việc luân phiên và giải pháp này dự kiến cũng chỉ có thể cầm cự được một thời gian ngắn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thịnh, Giám đốc Công ty Việt Á Châu, cho biết 40% sản phẩm công ty được tiêu thụ trong nước và 60% xuất khẩu. Trong đó, riêng hai thị trường Mỹ và EU chiếm đến 80% lượng hàng xuất khẩu của công ty. Theo ông Thịnh, các đối tác hai thị trường này thông báo tạm dừng nhận đơn hàng do các hệ thống cửa hàng của họ đang phải đóng cửa, việc kinh doanh ngưng trệ. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, vì nếu tiếp tục sản xuất thì cũng không bán được hàng nhưng nếu giãn hoặc dừng sản xuất, cho công nhân nghỉ việc thì khi phục hồi, doanh nghiệp lại phải đối mặt với khó khăn về nguồn lao động.

Việt Á Châu làm hàng xuất khẩu theo phương thức FOB (Free On Board), tức sản xuất theo đơn đặt hàng, tự ứng tiền mua nguyên vật liệu, tổ chức sản xuất rồi xuất khẩu. Những hợp đồng đã thực hiện, phía đối tác yêu cầu tạm thời lưu kho nên công ty đang bị ảnh hưởng nặng nề. Việt Á Châu đang đàm phán với các khách hàng để giảm tối đa thiệt hại. Tuy nhiên, hai bên cũng thống nhất trên tinh thần cùng nhau “gỡ khó” để còn làm ăn lâu dài, ông Thịnh chia sẻ.

“Doanh nghiệp hiện nay chỉ sống được theo ngày. Chính sách càng chậm thì số doanh nghiệp chết càng lớn. Đừng để tới khi chính sách ban hành thì doanh nghiệp chết rồi. Những doanh nghiệp còn sống thì họ lại không cần hỗ trợ đó nữa”.

Ngóng giải pháp khẩn cấp

Theo ông Phạm Văn Việt, ảnh hưởng dịch bệnh là bất khả kháng. Đối tác nhập hàng và nhà kinh doanh sản phẩm cũng gặp khó khăn không kém nhà xuất khẩu nên cần sự chia sẻ, cảm thông chứ không thể yêu cầu nhà nhập khẩu đền bù đơn hàng. “Làm ăn cần nghĩ đến sự hợp tác lâu dài, chứ không phải trong lúc khó khăn chỉ biết nghĩ phần lợi về mình, không quan tâm đến đối tác”, ông Việt nói.

Đồng tình với ông Việt, ông Trung cho rằng nhà nhập khẩu cũng không mong muốn chuyện này. “Sẽ không có chuyện nhà nhập khẩu phải đền bù đơn hàng đã thực hiện”, ông Trung nói, và cho rằng trong kinh doanh cần phải chia sẻ khó khăn, không thể cứ bị thiệt hại thì đòi phía đối tác phải chấp nhận “gánh” khó khăn chung.

Hiện Công ty tập đoàn Gia Định trông chờ vào phía đối tác nhập khẩu thông báo về lệnh xuất hàng, nhưng thời điểm nào thì còn phụ thuộc vào tình hình khống chế dịch bệnh đang lây lan nhanh ở hai nền kinh tế này.

Trong lúc đó, ông Bằng của Woodland cho rằng, chưa bao giờ chuỗi cung ứng lại bị ảnh hưởng nặng nề như vậy. Đây là trường hợp bất khả kháng nên không ai đề cập tới việc phạt hợp đồng. Thậm chí một số đối tác lớn của Woodland còn ngỏ ý muốn hỗ trợ công ty trong thời điểm khó khăn này bởi để xây dựng được chuỗi cung ứng phải mất rất nhiều thời gian, không thể vì dịch bệnh mà phá hỏng công sức hàng chục năm. “Mỗi tháng, chúng tôi xuất khẩu hàng trăm container hàng nội thất, nếu phía đối tác không bán được hàng thì không có kho nào có thể chứa nổi”, ông Bằng nói. “Vấn đề ở đây là hai bên cùng tìm hướng giải quyết”.

Hiện nay, ngoài thông tin về dịch bệnh, vấn đề mà các doanh nghiệp trông ngóng nhất là sự hỗ trợ của Chính phủ. Vừa qua, nhiều bộ ngành đã có những đề xuất tới Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Song các doanh nghiệp đều cho rằng, tới nay họ vẫn chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ cơ quan quản lý.

Theo ông Hồ Đức Lam, hiện nay một số ngân hàng đã giảm lãi suất nhưng không đáng kể. Ví dụ giảm từ 6,7% xuống 6,5%. Đây là mức giảm không giải quyết được vấn đề thanh khoản của doanh nghiệp. Hoặc theo đề xuất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, doanh nghiệp phải chứng minh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19 khiến 50% lao động phải nghỉ việc mới được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội. “Tôi thấy bảo hiểm nên mở rộng diện hỗ trợ, bởi ngoài những doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm, y tế, thì không doanh nghiệp nào ngoài vòng vây của dịch bệnh”, ông Lam nói.

“Doanh nghiệp hiện nay chỉ sống được theo ngày. Chính sách càng chậm thì số doanh nghiệp chết càng lớn”, giám đốc công ty dệt may trên nói. “Đừng để tới khi chính sách ban hành thì doanh nghiệp chết rồi. Những doanh nghiệp còn sống thì họ lại không cần hỗ trợ đó nữa”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới