Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp phá sản, các CEO vẫn có khoản tiền thưởng khổng lồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp phá sản, các CEO vẫn có khoản tiền thưởng khổng lồ

Lạc Diệp

(TBKTSG) – Suy thoái kinh tế do dịch Covid-19 đã đẩy nhiều công ty tại Mỹ rơi vào cảnh phá sản khiến hàng loạt lao động bị sa thải, nhiều nhà đầu tư rơi vào cảnh trắng tay. Thế nhưng với giám đốc điều hành của nhiều doanh nghiệp đang thua lỗ, mọi chuyện vẫn rất ổn, với những khoản tiền thưởng lên tới nhiều triệu đô la.

CEO trên thế giới giảm lương để chia sẻ tổn thất do Covid-19

Theo New York Times, dù đang phải vật lộn với việc chi trả cho các chủ nợ và nhà cung cấp, nhiều công ty vẫn có thể xoay xở để trả hàng triệu đô la tiền thưởng cho những lãnh đạo của mình. Nhiều khoản thanh toán đã được thực hiện ngay trước khi doanh nghiệp nộp đơn xin bảo hộ phá sản, và hoàn toàn hợp pháp.

Tập đoàn bán lẻ J.C.Penney đang phải đóng 154 cửa hàng, đã trả cho giám đốc điều hành (CEO) Jill Soltau số tiền 4,5 triệu đô la. Giám đốc điều hành của Whiting Petroleum, công ty năng lượng vừa đệ đơn xin bảo hộ phá sản hồi tháng 4, cũng nhận được 6,4 triệu đô la trong khi Chesapeake Energy cũng đang trả thưởng cho lãnh đạo trước khi nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Các giám đốc điều hành tại hãng cho thuê xe Hertz cũng đã được thanh toán tới 16,2 triệu đô la chỉ ba ngày trước khi doanh nghiệp nộp đơn phá sản.

Theo thống kê, mức tiền lương thưởng trung bình cho các giám đốc điều hành tại Mỹ là hơn 12,3 triệu đô la Mỹ, tăng 940% kể từ năm 1978. Một sự đối lập hoàn toàn với hơn 40 triệu lao động vừa bị mất việc do đại dịch Covid-19.

Các công ty giải thích rằng, những khoản thưởng khổng lồ này nhằm giúp họ giữ lại các giám đốc điều hành có năng lực trong giai đoạn suy thoái và phá sản. Vấn đề là ở chỗ, vì sao các CEO đã đưa các doanh nghiệp đến chỗ phá sản lại cần phải được giữ lại?

Thông thường, khi một doanh nghiệp rơi vào cảnh khó khăn, thậm chí là phá sản, các giám đốc điều hành sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất việc.

Tuy nhiên, hội đồng quản trị của nhiều doanh nghiệp khác, lại tỏ ra khoan dung hơn với các giám đốc điều hành cấp cao mà họ thuê. Theo họ, các giám đốc điều hành dù có năng lực đến đâu cũng khó có thể ngăn chặn những thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19 hay các biện pháp phong tỏa. Với các công ty năng lượng, việc giá dầu giảm mạnh một cách bất thường trong năm nay cũng là một tai họa bất khả kháng.

Trước đây, phần lớn các khoản tiền thưởng cho ban lãnh đạo doanh nghiệp được chi trả dưới dạng cổ phiếu. Tuy nhiên, với một công ty phá sản, cổ phiếu sẽ có giá trị rất thấp, hoặc thậm chí là vô giá trị. Thế là, các hội đồng quản trị đã nhanh chóng thay đổi hình thức trả thưởng cho các lãnh đạo cấp cao, từ cổ phiếu sang tiền mặt.

Một số công ty cho biết, khoản thưởng tiền mặt của họ nhỏ hơn nhiều so với những khoản thưởng bằng cổ phiếu mà các giám đốc điều hành nhận được trước đó. Chesapeake cho biết, giám đốc điều hành của hãng nhận được số tiền thưởng thấp hơn 34% so với khoản thưởng 13,5 triệu đô la hồi năm 2019. Tuy vậy đây vẫn là con số khổng lồ.

Theo New York Times, với việc giá cổ phiếu của các công ty gặp khó khăn đã sụt giảm mạnh về giá trị, thậm chí ngay cả trước khi đại dịch diễn ra, có thể thấy những khoản thưởng bằng tiền mặt đã giúp các giám đốc điều hành bù đắp phần nào thiệt hại, thậm chí còn đạt được nhiều lợi ích hơn.

Nếu doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi, các khoản tiền thưởng lớn dành cho giám đốc điều hành sẽ được coi là chuyện hợp lý. Tuy nhiên, ngay khi việc làm của người lao động bị đe dọa, việc trả thưởng bằng tiền mặt cho các lãnh đạo doanh nghiệp sẽ vấp phải làn sóng chỉ trích dữ dội.

Chuyên gia Brett Miller tại công ty tư vấn Institutional Shareholder Services nhận định: “Các công ty đang tạo ra sự chắc chắn cho các giám đốc điều hành của mình, ngay trong thời điểm nhân viên và chính bản thân doanh nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng bất ổn nhất”.

Nhiều ý kiến cho rằng, những khoản tiền khổng lồ này tốt hơn nên được chi trả cho các nhân viên. Liz Marin, một cựu nhân viên tại hãng đồ chơi Toys “R” Us và giờ là người tổ chức đào tạo tại United for Respect, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên giúp đỡ người lao động trong ngành bán lẻ, cho biết: “Điều này khiến tôi tức giận bởi họ không hề quan tâm tới những người đang thực sự tạo ra doanh thu”. Toys “R” Us cũng là doanh nghiệp đã trả những khoản thưởng lớn cho ban lãnh đạo trước khi phá sản.

Sau khi đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động. Và về mặt lý thuyết, hội đồng quản trị vẫn có quyền yêu cầu các giám đốc điều hành phải đạt được các mục tiêu về mặt doanh số và một số yêu cầu khác. Nếu không, các khoản tiền thưởng có thể sẽ bị cắt giảm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng công cụ này tỏ ra quá yếu và không hiệu quả. Các công ty năng lượng như Hertz và Whiting thậm chí còn không gắn tiền thưởng của lãnh đạo với các mục tiêu về hiệu suất.

Theo tạp chí Forbes, trong đại dịch Covid-19, một số giám đốc điều hành tại Mỹ đã có động thái cắt giảm các khoản lương thưởng của mình để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Chủ tịch Disney Bob Iger đã từ bỏ mức lương 3 triệu đô la của năm 2020, trong khi giám đốc điều hành hãng hàng không United Airlines Oscar Munoz cũng thông báo sẽ không nhận 100% mức lương cơ bản cho tới hết tháng 6.

Tuy nhiên, những con số này vẫn là quá nhỏ so với thu nhập khổng lồ mà họ có thể nhận được. Theo thống kê, Bob Iger đã kiếm được 65,6 triệu đô la trong năm 2018 và 47 triệu đô la trong năm ngoái, cao gấp 900 lần mức thu nhập trung bình của một nhân viên Disney.

Disney cũng cho biết, mặc dù từ bỏ mức lương, các giám đốc điều hành của hãng vẫn sẽ nhận được tiền thưởng và nhiều ưu đãi khác dựa trên những đóng góp trong quá khứ. Còn trong trường hợp của Oscar Munoz, mức lương cơ bản của ông này trong năm 2019 dù khá cao, lên tới 1,25 triệu đô la, cũng chỉ chiếm vỏn vẹn 10% tổng thu nhập.

Vậy còn về mặt luật pháp thì sao? Liệu một thẩm phán tại tòa án có thể ngăn các công ty chuẩn bị nộp đơn xin phá sản trao đi những khoản tiền thưởng lớn?

Theo các chuyên gia pháp lý, nhiều khoản chi nhất định mà một công ty thực hiện ngay trước thời điểm phá sản, ví dụ như thanh toán cho nhà cung cấp, có thể phải đối mặt với nguy cơ bị chính phủ thu hồi. Tuy nhiên, tiền thưởng lại không nằm trong nhóm này.

Thông thường, một công ty đã nộp đơn lên tòa án phá sản cần phải được sự chấp thuận của thẩm phán trước khi đưa ra các quyết định quan trọng, đặc biệt là việc chi hàng triệu đô la. Nếu một giám đốc điều hành nhận được gói đền bù mới trong giai đoạn phá sản, một thẩm phán sẽ quyết định xem liệu điều này có hợp lý hay không sau khi tham vấn với các chủ nợ, cổ đông và nhóm liên quan khác.

Đây có thể là một quá trình kéo dài, đầy tốn kém và là lý do chính khiến các doanh nghiệp thường cố gắng trả tiền thưởng trước khi nộp đơn xin bảo hộ phá sản.

Hồi năm 2005, Quốc hội Mỹ đã thông qua một đạo luật nhằm hạn chế số tiền thưởng cho giới lãnh đạo những doanh nghiệp phá sản. Theo luật này, các công ty được phép trả tiền thưởng, nhưng chi phí pháp lý cho việc xây dựng và thông qua các khoản thưởng đó tại tòa án về phá sản đã tăng mạnh sau năm 2005.

Giáo sư Jared Ellias tại trường Cao đẳng Luật Hastings, Đại học California nhận định, để giải quyết vấn đề này, Quốc hội Mỹ cũng có thể thay đổi luật phá sản nhằm cho phép thu hồi những khoản thưởng khổng lồ được trao trước thời điểm doanh nghiệp phá sản. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới