Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp phá sản, nước thải ai lo?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp phá sản, nước thải ai lo?

Văn Nam

Công ty  thuộc da Hào Dương đang nợ trên 600 triệu đồng tiền xử lý nước thải – Ảnh: Cát Linh.

(TBKTSG Online) – Công ty cổ phần thuộc da Hào Dương đang nợ Công ty đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Hiệp Phước tiền xử lý nước thải lên đến 600 triệu đồng. Sau nhiều lần đòi nợ nhưng công ty Hào Dương cứ hẹn dần và xin được trả chậm.

Từ trường hợp “nợ khó đòi” về xử lý nước thải của công ty Hào Dương, một số chuyên gia môi trường đặt ra vấn đề trong trường hợp các doanh nghiệp có lượng nước thải lớn như thuộc da, dệt nhuộm hay các công ty đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (chủ đầu tư khu công nghiệp) đang vận hành các nhà máy, hệ thống xử lý nước thải tập trung trong các khu công nghiệp, vì thua lỗ, không có khả năng duy trì sản xuất kinh doanh hay giải thể, phá sản thì lượng nước thải tồn đọng sẽ được xử lý ra sao, chế tài nào ràng buộc việc xử lý nước thải khi đơn vị đầu tư hạ tầng khu công nghiệp phá sản?

Từ chuyện Hào Dương

Hiện nay tại công ty Hào Dương còn tồn trên 7.000 m3 nước thải thuộc da chưa qua xử lý và chưa biết phải xử lý ra sao bởi công ty Hào Dương hiện đang bị đình chỉ sản xuất và cắt nguồn nước cấp sau khi bị cảnh sát môi trường phát hiện xả thải gây ô nhiễm môi trường vào tháng 10-2013 vừa qua. Đây là thông tin được ông Tích Lan, Giám đốc Môi trường Công ty đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Hiệp Phước (đơn vị đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung Khu công nghiệp Hiệp Phước) tại huyện Nhà Bè, TPHCM cho biết hôm 18-12.

Nhìn rộng hơn, đây có thể là vấn đề đáng lo ngại bởi theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì hiện nay trong số 179 khu công nghiệp đang hoạt động trên cả nước thì chỉ có 143 khu công nghiệp đang vận hành hoặc đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Ước tính lượng nước thải trung bình mỗi ngày các khu công nghiệp xả thẳng ra môi trường chưa qua xử lý khoảng 240.000 m3, gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là các khu dân cư quanh khu công nghiệp. 

Qua trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online về trường hợp đơn vị đầu tư hạ tầng mất khả năng xử lý nước thải, ông Tích Lan của Khu công nghiệp Hiệp Phước giải thích thêm rằng về trách nhiệm môi trường, đơn vị đầu tư hạ tầng phải xử lý triệt để nước thải khi thải ra môi trường trước khi làm thủ tục phá sản theo luật, trừ trường hợp doanh nghiệp bỏ trốn.

“Trường hợp của công ty Hào Dương hiện nay cũng gần giống như vấn đề đang đặt ra, nhưng có điều xảy ra ngược lại. Hiện nay công ty này đang nợ tiền xử lý nước thải đến 600 triệu đồng và còn tồn 7.000 m3 nước thải chưa xử lý. Theo Luật Bảo vệ môi trường thì doanh nghiệp phải xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường, cho dù doanh nghiệp có bị phá sản”, ông Tích Lan phân tích.

Thiếu quy định về nước thải khi doanh nghiệp phá sản

Trong khi đó, theo luật sư Phạm Văn Võ, một chuyên gia về Luật Bảo vệ môi trường, thì công trình xử lý nước thải tập trung tại khu công nghiệp thuộc sở hữu của đơn vị đầu tư hạ tầng khu công nghiệp. Do vậy, trong trường hợp đơn vị đầu tư hạ tầng thua lỗ, phá sản theo luật phá sản, có nghĩa là có chuyển giao khu công nghiệp cho một đơn vị mới tiếp quản khu công nghiệp thì đơn vị nhận chuyển nhượng tiếp tục xử lý nước thải tồn đọng.

Về nguyên tắc, do việc xử lý nước thải thu gom từ các doanh nghiệp trong khu công nghiệp được thực hiện dựa trên hợp đồng kinh tế nên khi đơn vị đầu tư khu công nghiệp mất khả năng xử lý, không tiếp nhận nước thải của doanh nghiệp thì xem như đã vi phạm hợp đồng. Trường hợp này đã có các quy định ràng buộc trong hợp đồng chi phối.

Ông Võ cho biết thêm hiện nay các hoạt động xử lý nước thải các khu đô thị, khu công nghiệp được chi phối bởi Nghị định 88/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2007 được Chính phủ ban hành.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online thì Nghị định 88/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2007 chỉ nêu các quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động thoát nước, quy định về quy chuẩn nước thải và các quy định về thoát nước chứ chưa thấy nêu cụ thể quy định về xử lý nước thải các đơn vị đầu tư hạ tầng khu công nghiệp ra sao trong trường hợp thua lỗ, phá sản.

Theo ông Phạm Tiến Dũng, nghiên cứu viên cao cấp của Phân viện Bảo hộ lao động và Bảo vệ môi trường miền Nam, hiện nay dường như chưa có quy định nào rõ ràng về ràng buộc trách nhiệm pháp lý đối với việc xử lý nước thải khi chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp bị thua lỗ, phá sản, mất khả năng chi trả tiền duy trì hoạt động hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Theo ông Dũng, đến nay vẫn chưa thấy ai tính đến khả năng này và nếu trong tương lai xảy ra trường hợp một khu công nghiệp tồn đọng hàng trăm ngàn mét khối nước thải nhưng doanh nghiệp thua lỗ, mất khả năng xử lý thì quả là chuyện rất “ghê gớm”.     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới