Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp phải là người hiến kế chủ chốt

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp phải là người hiến kế chủ chốt

Yên Minh

(TBKTSG Online) – Trong giai đoạn phát triển kinh tế thị trường, doanh nghiệp và nhà đầu tư luôn là đối tượng điều chỉnh của pháp luật kinh tế, đồng thời là tấm gương phản chiếu chất lượng của các văn bản pháp luật. Luật pháp chính sách càng minh bạch, cụ thể, rõ ràng, dễ tiên liệu thì càng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, nhà đầu tư và ngược lại. Chính vì vậy, sự góp ý mang tính chất xây dựng để hoàn thiện chính sách pháp luật của doanh nhân, doanh nghiệp là yếu tố rất quan trọng trong hoạt động của nền kinh tế.

Trên thực tế, do nhiều nguyên nhân, chất lượng nhiều văn bản pháp luật về kinh tế của nước ta còn hạn chế, chưa phù hợp với thực tiễn, chồng chéo, chưa rõ ràng, cụ thể, khó tiên liệu và còn những "vùng trống". Do vậy, góp ý và phản biện chính sách là những yếu tố cần thiết trong quá trình xây dựng chính sách. Trong cuộc hành trình đó, bên cạnh các nhà hoạch định chính sách cần có các doanh nhân, nhà đầu tư và chuyên gia nhiệt huyết, có trình độ lý luận và thực tiễn, có góc nhìn khoa học về các vấn đề lớn của đất nước.

Doanh nghiệp phải là người hiến kế chủ chốt
Cuộc vận động doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế nhằm lắng nghe ý kiến từ mọi khu vực doanh nghiệp với tinh thần xóa bỏ mọi rào cản bất hợp lý trong phát triển sản xuất kinh doanh. Ảnh minh họa: Thành Hoa

Từ phản ánh của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước thường lựa chọn những vấn đề lớn, có tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh để nghiên cứu, phân tích và đề xuất giải pháp hoàn chỉnh chính sách. Thực tế cũng đang đòi hỏi doanh nhân, doanh nghiệp phải tích cực tham gia góp ý, phản biện chính sách ngay từ khi chính sách đó đang trong quá trình dự thảo.

Doanh nghiệp hiểu rõ hơn ai hết đời sống kinh doanh và mình cần gì. Do đó, tham gia xây dựng, điều chỉnh cơ chế, chính sách và cải thiện môi trường kinh doanh là quyền lợi và trách nhiệm của doanh nghiệp. Đảng và Nhà nước luôn không ngừng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển. Đây là chủ trương nhất quán và tinh thần cốt lõi được nhiều doanh nghiệp đồng tình trong "Cuộc vận động doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế". Sau gần một tháng phát động, hiện đã có một số doanh nghiệp đầu tiên chủ động nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách để tham gia cuộc vận động. Bởi đây là cơ hội mà ý kiến của họ được Đảng và Nhà nước trực tiếp lắng nghe, thay vì phải qua nhiều tầng nấc như các diễn đàn, hội thảo trước đây.

Một trong số những khó khăn thường được các doanh nghiệp, nhà đầu tư nêu ra đó chính là gánh nặng về thủ tục hành chính khi thực hiện dự án. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, để thực hiện một dự án phát triển nhà ở, chủ đầu tư phải làm đủ các loại thủ tục hành chính phức tạp, rườm rà từ xin chủ trương đầu tư, thỏa thuận quy hoạch, giải phóng mặt bằng, thẩm duyệt thiết kế cơ sở, xin giấy phép xây dựng, xác định giá đất và nộp tiền sử dụng đất, xin giấy chứng nhận công trình đủ điều kiện đưa vào sử dụng, thông báo với Sở Xây dựng trước khi bán nhà… Để thực hiện một dự án, doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian để lo các giấy tờ, thủ tục hành chính gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ và hiệu quả của hoạt động kinh doanh.

Một doanh nghiệp bán lẻ cho biết công ty từng phải chờ 3-5 năm để xin mặt bằng mở một trung tâm bán lẻ. Có lần xin được thì cơ hội thị trường qua mất. Nhưng có lần chờ đợi cũng như không có hy vọng. Đây là vấn đề trọng tâm doanh nghiệp dự kiến nêu ra trong cuộc vận động lần này.

Đơn cử, ông Phạm Đình Toàn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Thái, cho biết theo quy định thì các tỉnh đều yêu cầu doanh nghiệp phải đấu thầu khi muốn mở trung tâm bán lẻ. Việc đấu thầu như vậy thì các doanh nghiệp phân phối bán lẻ lại phải dồn rất nhiều nguồn lực, tiền để mà mua đất.  Vô tình các công ty bán lẻ lại trở thành công ty bất động sản. Điều này khiến doanh nghiệp rất mệt mỏi và mất nhiều thời gian, chưa kể những chi phí không chính thức.

"Mệt mỏi với tầng nấc quy trình chẳng phải là chuyện của riêng doanh nghiệp nào. Số điều kiện kinh doanh có chủ trương cắt giảm 50% để hỗ trợ doanh nghiệp. Nhưng dù là giảm 50-60% hay nhiều hơn thế cũng khó có hiệu quả nếu thời gian cho mỗi thủ tục vẫn cứ lê thê", ông Toàn cảm thán.

Trong khi đó, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, góp ý rằng quy trình nội bộ của các cơ quan quản lý nhà nước hiện không được đưa vào thành thủ tục hành chính. Chính vì vậy, thời gian thực hiện các quy trình nội bộ này gần như thiếu sự kiểm soát và kéo dài. Ví dụ, khi doanh nghiệp hỏi ý kiến một bộ ngành về một vấn đề cụ thể thì mất vài tháng mới có văn bản trả lời.

Đồng cảm với những khó khăn của doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung cho rằng hệ thống pháp luật của chúng ta chưa rõ ràng, chưa cụ thể, chưa tiên liệu trước được nên các công chức từ trung ương đến địa phương có những quyền rất lớn can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. "Đến nay đã là hơn hai năm Nghị quyết 10 hội nghị trung ương 5 có hiệu lực. Kinh tế tư nhân không chỉ còn là “một trong những động lực”, mà đã được nâng lên là “một động lực quan trọng” của nền kinh tế. Sự thay đổi nhận thức đó phải đánh đổi bằng nhiều chục năm. Nhưng khi đã có nghị quyết, thì thời gian để đi vào thực tiễn sẽ không thể đánh đổi lâu hơn nữa. Doanh nghiệp phải là người hiến kế chủ chốt và lực lượng quan trọng để thúc đẩy quá trình thể chế hóa Nghị quyết 10", ông Cung kỳ vọng.

Trong khi đó, PGS.TS. Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết Đảng và Nhà nước ta đang tiến hành nghiên cứu để xây dựng văn kiện Đại hội 13. Doanh nghiệp có thể đóng góp nhiều hơn vào những nội dung mà hiện tại các văn bản pháp lý, thể chế đang gây cản trở khó khăn cho mình để có căn cứ trong việc đánh gía lại chất lượng văn bản pháp luật và đặc biệt là hướng tháo gỡ cho giai đoạn 10 năm tới.

Ông Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mong muốn các ý kiến góp ý của doanh nghiệp phải được phản ánh, đưa vào so sánh kiểm tra giữa các cơ quan với nhau. Và từ đó quay trở lại hành động chung của Chính phủ, Nhà nước với các bộ ngành, từ đó có thể rút ra nhiều việc có thể thực hiện được.

Cuộc vận động doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế lần đầu tiên được Đảng và Nhà nước tổ chức với quy mô lớn và rộng khắp để lắng nghe ý kiến từ mọi  khu vực doanh nghiệp với tinh thần xóa bỏ mọi rào cản bất hợp lý trong phát triển sản xuất kinh doanh và lấy doanh nghiệp là mục tiêu, là trung tâm của các cơ chế, chính sách. Cuộc vận động do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì phối hợp với một số cơ quan liên quan tổ chức, kéo dài từ nay đến hết 31-12-2019.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình khẳng định, cuộc vận động khẳng định sự coi trọng của Đảng và Nhà nước đối với vai trò, vị trí của doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước nhằm phát huy trí tuệ, dân chủ, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và tinh thần trách nhiệm, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế; nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII và góp phần đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.

Cuộc vận động này cũng nhằm tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa Đảng và Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên tinh thần doanh nghiệp, doanh nhân hết lòng vì Đảng, Nhà nước và phụng sự tổ quốc, nhân dân; Đảng và Nhà nước trân trọng lắng nghe các ý kiến góp ý, tiếp thu các đề xuất, sáng kiến hay của doanh nghiệp, doanh nhân để lãnh đạo, điều hành đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Cuộc vận động này hết sức có ý nghĩa khi được tổ chức trong bối cảnh cả nước ta đang tiến hành kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh với doanh nghiệp, doanh nhân được đề ra từ 74 năm trước.

Ban Kinh tế Trung ương và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Đài Truyền hình Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đồng chủ trì chỉ đạo và tổ chức Cuộc vận động “Doanh nhân, doanh nghiệp đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế”.

Mọi góp ý, đề xuất, sáng kiến của doanh nghiệp, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đều được Ban Tổ chức cuộc vận động trân trọng tiếp nhận, tổng hợp, xem xét, chuyển tới các cơ quan của Đảng và Nhà nước liên quan để nghiên cứu, phục vụ cho việc xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế và góp phần xây dựng văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Để tham gia, mỗi doanh nghiệp, doanh nhân gửi tối đa một (01) tác phẩm tham dự với một hoặc một số nội dung góp ý, đề xuất phù hợp với mục tiêu và thể lệ của cuộc vận động.
Các doanh nghiệp, doanh nhân, các cá nhân, tập thể thuộc đối tượng tham gia cuộc vận động gửi tác phẩm góp ý, đề xuất qua bưu điện hoặc thư điện tử.

Địa chỉ nhận bài dự thi: Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo Kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, Nhà A4, đường Nguyễn Cảnh Chân, phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội.
Email: cuocvandong@kinhtetrunguong.vn

Thời gian tiếp nhận góp ý, đề xuất: Từ sau ngày tổ chức Lễ phát động 3-9-2019 đến 31-12-2019 (theo dấu Bưu điện/ngày gửi thư điện tử).

Thời gian xét chọn những góp ý, đề xuất tiêu biểu, xuất sắc: Từ tháng 1 đến tháng 3-2020.
Lễ Tôn vinh và Trao giải dự kiến: Tổ chức vào tháng 4-2020.

Bài dự thi xuất sắc nhất sẽ nhận được giải Đặc biệt, trị giá 300 triệu đồng kèm theo Biểu trưng của cuộc vận động và Chứng nhận của Ban Tổ chức. Ngoài ra, Ban tổ chức sẽ chọn ra 2 giải Nhất, mỗi giải trị giá 100 triệu đồng; 5 giải Nhì, mỗi giải trị giá 50 triệu đồng; 10 giải Ba, mỗi giải trị giá 20 triệu đồng; 20 giải Khuyến khích, mỗi giải trị giá 5 triệu đồng.

 

 

Mời đọc thêm:

Khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoàn thiện cơ chế, chính sách kinh tế

Mời doanh nhân hiến kế cho phát triển kinh tế

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới