Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp phải lãi ít nhất 5% vào năm trước mới được niêm yết

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp phải lãi ít nhất 5% vào năm trước mới được niêm yết

Lan Nhi

(TBKTSG Online) – Doanh nghiệp phải đạt tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm liền trước năm đăng ký niêm yết tối thiểu là 5% …mới được đăng ký niêm yết cổ phiếu. Quy định này là một trong số những điều khoản được bổ sung khi Chính phủ ban hành Nghị định 155/2020 về Luật Chứng khoán.

Muốn phát hành trái phiếu phải trả đủ nợ đến hạn 3 năm liên tiếp

Doanh nghiệp phải lãi ít nhất 5% vào năm trước mới được niêm yết
Các doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu lần đầu sẽ chịu điều kiện kiểm soát nghiêm ngặt hơn theo quy định mới. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo Nghị định 155/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chứng khoán, điều kiện niêm yết cổ phiếu theo Luật Chứng khoán (sửa đổi), có hiệu lực ngay từ 1-1-2021 thì điều kiện niêm yết cổ phiếu mới đối với các doanh nghiệp được siết chặt hơn trước. Cụ thể, điều kiện này quy định: doanh nghiệp phải là công ty cổ phần (CTCP) có vốn điều lệ tại thời điểm đăng ký niêm yết từ 30 tỉ đồng trở lên căn cứ trên báo cáo tài chính gần nhất được kiểm toán.

Đồng thời, giá trị vốn hóa đạt tối thiểu 30 tỉ đồng tính theo bình quân gia quyền giá thanh toán cổ phiếu trong đợt chào bán ra công chúng gần nhất hoặc giá tham chiếu cổ phiếu giao dịch trên hệ thống giao dịch UpCom trung bình 30 phiên gần nhất trước thời điểm nộp hồ sơ đăng ký niêm yết hoặc bình quân gia quyền giá thanh toán trong đợt bán cổ phần lần đầu của doanh nghiệp cổ phần hóa.

Doanh nghiệp  muốn niêm yết phải được Đại hội đồng cổ đông thông qua việc niêm yết; đã giao dịch trên hệ thống giao dịch UpCom tối thiểu 2 năm, trừ trường hợp tổ chức đăng ký niêm yết đã chào bán cổ phiếu ra công chúng, doanh nghiệp cổ phần hóa.

Đặc biệt, Nghị định mới quy định tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm liền trước năm đăng ký niêm yết tối thiểu là 5% và hoạt động kinh doanh của 2 năm liền trước năm đăng ký niêm yết phải có lãi; không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 1 năm tính đến thời điểm đăng ký niêm yết; không có lỗ lũy kế căn cứ trên báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên được soát xét trong trường hợp đăng ký niêm yết sau ngày kết thúc của kỳ lập báo cáo tài chính bán niên.

Trước đây, chỉ cần năm trước năm phát hành và niêm yết cổ phiếu, doanh nghiệp có lãi (không quy định cụ thể mức lãi bao nhiêu – PV) là được phát hành cổ phiếu. Vốn điều lệ đối với doanh nghiệp phát hành nay cũng tăng gấp 3 lần so với trước.

Trừ trường hợp doanh nghiệp cổ phần hóa, tổ chức đăng ký niêm yết phải có tối thiểu 15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 cổ đông không phải cổ đông lớn nắm giữ; trường hợp vốn điều lệ của tổ chức đăng ký niêm yết từ 1.000 tỉ đồng trở lên, tỷ lệ tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết.

Các cổ đông là cá nhân, tổ chức có đại diện sở hữu là Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Trưởng Ban kiểm soát và thành viên Ban Kiểm soát (Kiểm soát viên), Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc), Kế toán trưởng, Giám đốc tài chính và các chức danh quản lý tương đương do Đại hội đồng cổ đông bầu hoặc Hội đồng quản trị bổ nhiệm và cổ đông lớn là người có liên quan của các đối tượng trên phải cam kết tiếp tục nắm giữ 100% số cổ phiếu do mình sở hữu trong thời gian 6 tháng kể từ ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán và 50% số cổ phiếu này trong thời gian 6 tháng tiếp theo, không tính số cổ phiếu thuộc sở hữu nhà nước do các cá nhân trên đại diện nắm giữ.

Điều kiện phát hành cổ phiếu đối với doanh nghiệp niêm yết mới, như vậy được siết chặt hơn trước và chi tiết hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới