Doanh nghiệp phải tự lo trả nợ vay nước ngoài
Vân Ly
(TBKTSG Online) – Hiện nay nợ nước ngoài quốc gia đang tăng nhanh do nợ nước ngoài của doanh nghiệp tự vay tự trả tăng nhanh. Doanh nghiệp vay nợ nước ngoài phải tự lo trả nợ. Nếu không trả được nợ thì phải thực hiện phá sản theo quy định của pháp luật, theo ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Tài chính tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội diễn ra vào chiều ngày 30-10.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn trước Quốc hội. |
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội liên quan đến vấn đề nợ nước ngoài đang tăng nhanh, ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Tài chính cho biết, theo quy định của Luật quản lý nợ công, nợ nước ngoài quốc gia bao gồm nợ Chính phủ, nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh và nợ doanh nghiệp theo phương thức tự vay tự trả. Trong đó nợ Chính phủ, nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh thuộc phạm vi nợ công.
“Thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp để cơ cấu lại nợ công. Đối với nợ Chính phủ ta đã tích cực cơ cấu lại, giảm thiểu nợ vay nước ngoài từ 60% GDP năm 2011 xuống hiện còn 40% GDP. Trong đó tỉ lệ nợ nước ngoài của Chính phủ giảm từ 24% GDP vào cuối năm 2011 xuống còn 21% vào năm 2018. Đối với nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh, đã hạn chế cấp bảo lãnh Chính phủ nên giảm từ 10,9% GDP 2015 xuống còn 8,7% năm 2018. Trong đó bảo lãnh nước ngoài giảm từ 5,9% GDP cuối 2015 xuống còn 5% vào cuối năm nay", ông nói.
![]() |
Nhưng ông Dũng cho biết, riêng với nợ nước ngoài tự vay tự trả của doanh nghiệp thì đang tăng nhanh trong những năm gần đây. Năm 2016 tăng 25,7% so với 2015, 2017 tăng 39,6% so với năm 2016. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng nợ nước ngoài của quốc gia.
Các con số nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP trong các năm 2015, 2016 và 2017 tương ứng các con số là 42%, 44,8 % và 48,9%. Còn con số này hiện nay đang là 49,7%.
Trả lời câu hỏi của đại biểu về việc "khi các doanh nghiệp nhà nước vay nợ nước ngoài mà không có khả năng trả nợ thì sao, ai sẽ gánh nợ?", ông Dũng khẳng định: "Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội quán triệt là không dùng ngân sách nhà nước để tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời nợ nước ngoài của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước, tổ chức tín dụng theo cơ chế tự vay tự trả, bên vay có trách nhiệm trả nợ theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó doanh nghiệp nhà nước là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên phải chịu trách nhiệm hữu hạn trên tổng số vốn điều lệ được cấp. Doanh nghiệp không thực hiện được trả nợ thì có thể thực hiện phá sản theo quy định của pháp luật.
Ông Dũng cho hay, theo quy định của Chính phủ tại điều 9 nghị định 219 năm 2013, Ngân hành Nhà nước được giao quản lý các khoản nợ nước ngoài tự vay tự trả của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ và quản lý ngoại hối của nhà nước.
Để quản lý hoạt động vay nợ nước ngoài của các doanh nghiệp, ông Dũng cho biết: "Hiện Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chủ trì nghiên cứu đề xuất các giải pháp chặt chẽ kiểm soát hoạt động vay nước ngoài của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng nhằm đảm bảo chỉ tiêu nợ nước ngoài trong giới hạn được Quốc hội cho phép”, ông Dũng nói.
80% thị trường nội địa là mục tiêu của ngành dược vào năm 2020 Thị trường dược Việt Nam đạt doanh thu 5 tỉ đô la Mỹ vào năm ngoái trong đó sản xuất trong nước đáp ứng 50% nhu cầu nội địa. Ngành dược đang cố gắng đạt mục tiêu rất thách thức là đến năm 2020 sản xuất thuốc trong nước sẽ đáp ứng 80% thị trường nội địa. Đây là phát biểu trả lời chất vấn trước Quốc hội diễn ra vào chiều ngày 30-10 của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Bà Tiến cũng cho biết hiện Việt Nam đã sản xuất được 11/12 vắc xin. Trong đó vắc xin như sởi, rubella được y tế thế giới khuyến cáo nên cho xuất khẩu. Gần đây Việt Nam đã sản xuất thành công và sẽ cho cấp phép lưu hành vắc xin chống bệnh bệnh cúm mùa. Về chính sách phát triển ngành dược, bà Tiến cho biết Luật Dược đã ra đời năm 2006 và được điều chỉnh vào năm 2016. Nghị quyết đại hội 12 cũng như nghị quyết trung ương 20 đều muốn xây dựng công nghiệp dược. “Giai đoạn trước có ý kiến đề nghị cần phát triển ngành dược thành ngành công nghiệp mũi nhọn, nhưng chúng tôi thấy khiêm tốn, cố gắng phát triển công nghiệp dược theo nghị quyết Trung ương mà Chính phủ đã ban hành. Chiến lược phát triển ngành dược phấn đấu đến năm 2020 đạt 80% nhu cầu sử dụng thuốc trong nước. Đây là mục tiêu khó nhưng đang nỗ lực thực hiện”, bà Tiến nói. |