Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp Singapore chuyển hướng kinh doanh để sống sót trong đại dịch

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp Singapore chuyển hướng kinh doanh để sống sót trong đại dịch

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Nhiều doanh nghiệp Singapore bắt đầu tìm kiếm và nắm bắt cơ hội chuyển đổi kinh doanh, giúp họ sống sót và vượt qua đại dịch Covid-19, thay vì chờ đợi tình hình tươi sáng hơn ở mảng kinh doanh cốt lõi của họ.

Doanh nghiệp Singapore chuyển hướng kinh doanh để sống sót trong đại dịch
Công ty cơ khí chính xác Certact Engineering kiếm được nhiều đơn hàng mới nhờ nhanh chóng chuyển trọng tâm kinh doanh sang mảng kỹ thuật nhựa. Ảnh: CAN

Thoát hiểm nhờ chuyển đổi kinh doanh

Sau khi chứng kiến doanh thu sụt giảm 40% trong năm 2019 do các căng thẳng thương mại quốc tế kéo dài, Công ty cơ khí chính xác Certact Engineering (Singapore) tiếp tục chịu tổn thương doanh thu thậm chí còn lớn hơn trong năm nay do tác động của đại dịch Covid-19

Nhưng nhờ chuyển hướng để tập trung vào mảng kỹ thuật nhựa, công ty này này nhận được nhiều đơn hàng mới trong những tháng vừa qua. Giờ đây, Certact Engineering có thể tự tin dự báo doanh thu trong năm này sẽ gấp đôi so với năm ngoái, lên con số khoảng 8 triệu đô la Singapore.

Công ty này đã có bước đi liều lĩnh khi được một khách hàng tiếp cận và hỏi mua các linh kiện nhựa để sản xuất máy giải trình tự DNA. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức cho Certact Engineering, vốn có mảng kinh doanh cốt lõi là sản xuất linh kiện kim loại cho các nhà sản xuất bán dẫn. Dù công ty cũng đang sản xuất linh kiện nhựa nhưng chúng chỉ chiếm một phần nhỏ trong hoạt động kinh doanh, đóng góp chỉ khoảng 10% tổng doanh thu hàng năm.

Ellis Eng, Giám đốc Certact Engineering, nói: “Vì doanh thu đang giảm, chúng tôi biết chúng tôi sẽ đối mặt nhiều thách thức hơn nếu chúng tôi không liều tập trung vào mảng kỹ thuật nhựa”. Certact Engineering đã nhanh chóng hành động bằng cách tái triển khai nhân lực nhưng thử thách thực sự xảy ra vào tháng 4 khi lệnh giãn cách xã hội được áp đặt ở Singapore.

“Đó là khi chúng tôi phải tăng sản lượng nhưng một trong những nhà cung cấp đảm trách một quy trình sản xuất phụ cho chúng tôi không được phép hoạt động. Vì vậy, chúng tôi phải bắt tay tự thực hiện quy trình này và lắp đặt dây chuyền sản xuất”.

Certact Engineering đã mua máy móc mới và yêu cầu công nhân vận hàng thử để làm quen với quy trình mới trong vòng một tuần.Certact Engineering đã đầu tư tổng cộng 150.000 đô la Singapore để chuyển hướng kinh doanh, một khoản chi tiêu khá lớn đối với một doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nhưng nỗ lực này mang đến thành quả khi công ty được khách hàng tin tưởng. Certact Engineering đã nhận được các hợp đồng mới từ một công ty sản xuất thiết bị kiểm tra  bằng X quang và một đơn hàng trị giá 2 triệu đô la từ một công ty sản xuất thiết bị lưu trữ dữ liệu.

Ellis Eng nói: “Covid-19 là chất xúc tác để chúng tôi chuyển đổi và chúng tôi vui mừng vì đã làm như vậy”.
Trong thời gian tới,  Certact Engineering đặt mục tiêu đưa doanh thu mảng kinh doanh kỹ thuật nhựa lên mức 60% tổng doanh thu.

Tìm kiếm các cơ hội mới

Công ty lữ hành Nam Ho Travel khai trương thử nghiệm gian hàng trực tuyến có tên gọi Buy Beyond Borders để bán đồ ăn nhanh và nông sản ngoại nhập cho người dân Singapore. Ảnh: Nam Ho Travel

Ở các ngành bán lẻ, lữ hành, nhiều doanh nghiệp Singapore cũng tìm cách đa dạng hóa kinh doanh khi dịch Covid-19 tàn phá mảng kinh doanh cốt lõi của họ. Khi hoạt động du lịch tê liệt trong thời kỳ dịch bệnh, Công ty lữ hành Nam Ho Travel chứng kiến doanh thu mất hút. Công ty này buộc phải sáng tạo và chuẩn bị ra mắt các tour du lịch ảo và khai trương một cửa hàng trực tuyến để bán các món ăn nhanh đang được yêu thích và nông sản ngoại nhập.

“Khi hoạt động du lịch nội địa giờ đây đã khôi phục ở nhiều nước, chúng tôi đang lên kế hoạch phát sóng trực tiếp những địa điểm du lịch tuyệt đẹp chưa được nhiều người biết tới ở nước ngoài với sự hỗ trợ của những người dẫn chương trình của chúng tôi. Họ không chỉ giới thiệu danh lam thắng cảnh ở nước ngoài mà còn giúp người xem trực tuyến ở Singapore mua những mặt hàng có bán ở những nơi này”, Marshall Ooi, Giám đốc Nam Ho Travel, nói.

Hồi đầu tháng này, Nam Ho Travel khai trương thí điểm một cửa hàng trực tuyến có tên gọi Buy Beyond Borders trên các nền tảng thương mại điện tử để bán đồ ăn nhanh và nông sản ngoại nhập cho người dân Singapore. Trong khi đó, Nam Ho DMC, đơn vị lữ hành phụ trách tổ chức tour cho du khách quốc tế của Nam Ho Travel, đã triển khai đội xe du lịch 16 chiếc, vốn được sử dụng để chở du khách, sang hoạt động đưa đón đón học sinh và giao hàng cho các nền tảng như Lazada, Shopee kể từ tháng 3.

Mahesh Pawanaskar, người đồng sáng lập Nam Ho Travel, cho biết công ty ông dự định tiến sâu hơn vào mảng dịch vụ logistics và nhà kho vì nhận thấy nhu cầu khổng lồ trong dài hạn ở mảng này. Pawanaskar tiết lộ Nam Ho Travel đang đang lên kế hoạch xây dựng một đội xe tải hạng nặng để vận chuyển hàng hóa vào tháng 10. Những mảng kinh doanh mới này đòi hỏi nhân viên của Nam Ho Travel phải đảm nhận các nhiệm vụ rất khác nhau, do vậy, gần đây, họ được gửi đến các khóa học đào tạo kỹ năng mới.

“Tài xế đưa đón du khách của chúng tôi chuyển sang đưa đón học sinh và giao hàng cho các công ty thương mại điện tử và logistics. Nhân viên tiếp thị của chúng tôi giờ đây thu mua những mặt hàng đang hút khách để rao bán trên gian hàng trực tuyến của chúng tôi đồng thời làm cả công việc gói hàng và giao hàng. Thay đổi là không dễ dàng nhưng mọi người đều hiểu rằng chúng tôi cần phải làm điều gì đó”, Marshall Ooi nói.

Doanh thu của Nam Ho Travel lao dốc mạnh kể từ đại dịch Covid-19 ập đến Singapore. Trước đây, doanh thu hàng năm của công ty này là hơn 55 triệu đô la Singapore. Cho đến nay, Nam Ho Travel đã đầu tư 20.000 đô la Singapore để mua thực phẩm nước ngoài và bán lại chúng trên cửa hàng trực tuyến. Công ty ước tính việc nhảy sang kinh doanh vĩnh vực nhà kho và logistics sẽ đòi hỏi khoản đầu tư hơn một triệu đô la Singapore.

Trong khi đó, vào tuần trước, Công ty bán lẻ thời trang FJ Benjamin quyết định tiến vào mảng chăm sóc sức khỏe, bắt đầu với việc ký hợp đồng phân phối độc quyền với hãng sản xuất máy lọc không khí Airfree (Bồ Đào Nha). Xem mảng chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần là một ngành kinh doanh có tiềm năng tăng trưởng dài hạn, FJ Benjamin cho biết đang tìm kiếm cơ hội hợp tác các nhãn hàng trong lĩnh vực này để mở rộng danh mục sản phẩm đang chào bán.

“Dù đại dịch Covid-19 giúp bước thay đổi này trở nên kịp thời và phù hợp trong bối cảnh sự quan tâm của người tiêu dùng đối với sức khỏe tăng lên, đa dọa hóa kinh doanh vốn là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn mà chúng tôi theo đuổi để bảo đảm tăng trưởng dài hạn bên ngoài mảng kinh doanh thời trang cốt lõi của chúng tôi”, Nash Benjamin, Giám đốc điều hành FJ Benjamin, nói.

Ông cho biết công ty ông quyết định hợp tác với Airfree vì đây là thương hiệu uy tín với mạng lưới phân phối hiện diện ở hơn 60 nước. FJ Benjamin sẽ nỗ lực thâm nhập vào thị trường mới bằng cách quảng bá các tính năng độc đáo của máy lọc nước Airfree cũng như chào bán sản phẩm này ở các kênh bán hàng trực tiếp lẫn trực tuyến.

‘Không thể cứ cố đẩy chiếc xe đã hỏng động cơ’

Khi đại dịch Covid-19 đang tiếp tục tàn phá các nền kinh tế trên thế giới bao gồm Singapore, giới lãnh đạo Singapore kêu gọi các doanh nghiệp phải kiên trì chuyển đổi kinh doanh. Trong bài phát biểu hôm 17-8, Phó Thủ tướng Singapore, Heng Swee Keat, cho rằng sự linh hoạt trong kinh doanh và đầu tư sáng tạo sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt các cơ hội mới. Ông dẫn ra trường hợp Certact Engineering như là một ví dụ đáng học hỏi trong nỗ lực xoay chuyển hoạt động kinh doanh.

Ông cam kết chính phủ sẽ gia hạn chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh Singapore phải tiếp tục chuyển đổi kinh tế vì tình hình kinh doanh sẽ không còn giống như trước đây ở một thế giới hậu Covid-19.

Tan Chee Wei, Giám đốc phụ trách mảng bán lẻ và thuế tiêu dùng của hãng kiểm toán KPMG Singapore, cho rằng trong tình hình hiện nay, doanh nghiệp cần khẩn cấp xác định các xu hướng mới, cơ hội mới và phát triển các chiến lược đúng đắn vì thế giới sẽ chưa thể sớm quay trở lại bình thường.

Ellis Eng, Giám đốc Certact Engineering, chia sẻ: “Nếu động cơ xe đã hỏng, bạn không thể cứ cố đẩy nó. Bạn cần phải thay động cơ. Chúng ta cần cầm cự, vượt qua đại dịch này bằng cách tìm các phương hướng mới để chuyển đổi, cải thiện hoặc cắt giảm chi phí kinh doanh. Chỉ sau khi làm như vậy, các cơ hội mới xuất hiện”.

Theo Channel News Asia

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới