Thứ Năm, 10/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp sốc vì thuế chống bán phá giá cá tra

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp sốc vì thuế chống bán phá giá cá tra

Thái Hằng

Doanh nghiệp sốc vì thuế chống bán phá giá cá tra
Chế biến cá tra tại nhà máy công ty Agifish. Ảnh: Thái Hằng.

(TBKTSG Online) - Theo quyết định vừa được Bộ Thương mại Mỹ công bố, thuế suất thuế chống bán phá giá (CBPG) trung bình đánh vào mặt hàng cá tra philê đông lạnh của các doanh nghiệp Việt Nam đều tăng mạnh so với mức thuế của đợt xem xét hành chính trước đó (POR 7)

>> Lợi nhuận ngành cá tra giảm mạnh

Khó khăn cho doanh nghiệp

Ngày 14-3-2013, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 8 (POR8) đối với mặt hàng cá tra philê đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong giai đoạn từ 1-8-2010 đến 31-7-2011.

Theo đó, Vĩnh Hoàn chịu mức thuế 0,19 đô la Mỹ/kg. Mười ba doanh nghiệp của Việt Nam, trong đó có Bình An, Hùng Vương, Cadovimex II, Nam Việt… chịu thuế 0,77 đô la Mỹ/kg. Mức thuế đối với các doanh nghiệp cá tra khác là 2,11 đô la Mỹ/kg

Đối với những công ty mới xuất khẩu vào thị trường Mỹ, như Công ty cổ phần Thủy Hải sản An Phú, thuế suất trung bình là 1,37 đô la Mỹ/kg, trong khi Công ty cổ phần Docifish phải nộp 3,87 đô la Mỹ/kg, Công ty xuất nhập khẩu Thủy sản An Phát thuộc Công ty cổ phần Gò Đàng phải nộp thuế 1,81 đô la Mỹ/kg.

Trong trường hợp của Công ty Vĩnh Hoàn, doanh nghiệp dẫn đầu về xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ, thì quyết định trên rất bất lợi, vì trong hai đợt rà soát hành chính trước đó Vĩnh Hoàn đã được hưởng thuế suất 0%, tức là chỉ cần kết quả POR 8 lần này vẫn giữ 0% thì công ty sẽ chính thức được rút khỏi vụ kiện chống bán phá giá, theo quy định của Mỹ.

Ông Lê Trường Sơn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Docimexco (Đồng Tháp), công ty mẹ của Docifish, công ty phải chịu thuế suất 3,87 đô la Mỹ/kg, cho biết trong đợt xem xét hành chính vừa qua có xuất khẩu một số lượng nhỏ sản phẩm cá tra sang thị trường Mỹ, vốn không phải là thị trường truyền thống của công ty.

“Xuất khẩu thử nghiệm vào Mỹ mà phải chịu mức thuế cao như vậy thì chúng tôi không có cơ hội để cạnh tranh. Mức thuế này đồng nghĩa với Mỹ không muốn có thêm doanh nghiệp mới chen chân vào thị trường”, ông bức xúc.

Còn ông Nguyễn Văn Ký, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần XNK Thủy sản An Giang (Agifish), cho rằng thuế suất 0,77 đô la Mỹ/kg áp dụng đối với công ty ông là không đúng và ông sẽ yêu cầu điều chỉnh.

“Mức thuế đúng đối với Agifish phải là 0,02 đô la Mỹ/kg như công ty vẫn nộp nhiều năm qua, vì công ty không thuộc  nhóm doanh nghiệp bị điều tra kiện chống bán phá giá”, ông nói.

Theo đánh giá của ông Ký, thông tin trên là cú sốc lớn đối với các doanh nghiệp cá tra trong bối cảnh thị trường khó khăn.

“Nếu như các doanh nghiệp có mức thuế 0,77 đô la Mỹ/kg còn có thể cầm cự, bán được, thì những doanh nghiệp phải đóng 1,34 đô la Mỹ/kg trở lên sẽ rơi vào tình trạng khó khăn vì phải tốn một số tiền rất lớn cho việc nộp thuế”, ông nói.

Có thể kháng kiện

Theo nhận định của ông Andrew B. Schroth, luật sư của các công ty luật Grunfeld, Desiderio, Lebowitz, Silverman & Klestadt LLP đại diện cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, việc DOC chuyển qua sử dụng Indonesia là nước thay thế là kết quả của quá trình vận động hành lang của Hiệp hội Cá da trơn Mỹ (CFA). CFA cho rằng cá tra nhập khẩu từ Việt Nam cạnh tranh thiếu lành mạnh, gây ảnh hưởng thị phần cá da trơn của Mỹ, ông Schroth cho biết như vậy trong một thông báo gửi đến Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep).

Bên cạnh đó, ông lưu ý kết quả tính toán mức thuế chống bán phá giá đối với các bị đơn bắt buộc có thể có sai sót và có thể được điều chỉnh trong vài ngày tới, trước khi được đăng chính thức trên Công báo Liên bang Mỹ.

Theo ông, các doanh nghiệp cá tra trong Vasep cũng có thể nộp hồ sơ lên Tòa án Thương mại quốc tế (CIT) để tạm hoãn việc áp dụng mức thuế cho đến khi vụ kiện kết thúc.

DOC sử dụng các số liệu về chi phí sản xuất cá tại Indonesia (thay vì Bangladesh), vốn không phải là một nước có điều kiện kinh tế tương tự như Việt Nam, để tính toán biên độ phá giá và mức thuế chống bán phá giá đối với cá tra Việt Nam. (Việc sử dụng số liệu tại một nước khác mà không phải là của chính Việt Nam là cách mà Mỹ vẫn sử dụng với lý do Việt Nam không phải nền kinh tế thị trường - PV)

Do vậy, ông Schroth cho hay thông số về do Indonesia cung cấp có chất lượng rất thấp và không đáng tin cậy. Đây là những lập luận có thể giúp Việt Nam bảo vệ quan điểm tại tòa.

Cuối cùng, luật sư cũng lưu ý Indonesia không được chọn làm nước thay thế trong đợt xem xét hành chính lần thứ 9 (POR 9), do vậy nhiều khả năng DOC sẽ trở về với phương án sử dụng Bangladesh làm nước thay thế và do vậy mức thuế của POR 9 sẽ trở về mức thấp như các đợt xem xét hành chính trước.

Trong năm 2012, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu cá tra, cá ba sa phi lê đông lạnh trị giá 358 triệu đô la Mỹ vào thị trường Mỹ, biến nước này trở thành thị trường lớn thứ hai của Việt Nam.

Từ đầu năm đến 15-2-2013, kim ngạch xuất khẩu cá tra vào Mỹ đạt 33,764 triệu đô la Mỹ. Mỹ vẫn là thị trường lớn thứ 2 của con cá tra Việt Nam với 17,14% tổng giá trị xuất khẩu.

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới