Doanh nghiệp Thái mua tiếp công ty xi măng ở miền Trung
Hùng Lê
![]() |
SCG đang tăng cường mở rộng đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam. Trong ảnh: SCG giới thiệu sản phẩm vật liệu xây dựng tại một triển lãm chuyên ngành ở TPHCM – Ảnh minh họa: Hùng Lê |
(TBKTSG Online) – Tập đoàn SCG của Thái Lan vừa tiếp tục mua lại 100% vốn cổ phần của một công ty xi măng tại miền Trung Việt Nam, sau khi đã thâu tóm nhiều doanh nghiệp khác ở trong nước trước đó.
Tối nay, 7-3, Tập đoàn SCG đã công bố rằng một thành viên của tập đoàn này là Công ty TNHH SCG Xi măng – Vật liệu xây dựng, vừa mua lại 100% vốn cổ phần (tương đương 156 triệu đô la Mỹ) từ các cổ đông hiện tại của Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Việt Nam (VCM) tại miền Trung.
Nếu tính cả phần phải trả nợ ròng cho VCM cũng như các chi phí đầu tư cải tiến hiệu quả đối với tài sản mua lại này thì tổng số tiền (giá trị doanh nghiệp – enterprise value) mà SCG đầu tư cho doanh nghiệp này lên đến 440 triệu đô la Mỹ.
Dây chuyền sản xuất của VCM có công suất 3,1 triệu tấn/năm (quy ra xi măng Portland) tại miền Trung Việt Nam. Theo thông cáo báo chí của tập đoàn SCG, dự án có tiềm năng hoạt động với hiệu quả cao hơn, giúp cải thiện tổng công suất nhà máy. Đáng chú ý, miền Trung có đặc điểm nổi bật với sự cân bằng cả cung và cầu trong lĩnh vực xi măng.
Sau khi thực hiện giao dịch này, tổng công xuất xi măng của tập đoàn SCG trong khối ASEAN (không bao gồm Thái Lan) tăng lên 10,5 triệu tấn, cùng với 23 triệu tấn ở Thái Lan.
Qua thương vụ này cho thấy các doanh nghiệp Thái Lan đang dần lấn lướt trên thị trường vật liệu xây dựng tại Việt Nam thông qua những thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A). Trước SCG, Tập đoàn Siam City Cement (SCCC) của Thái Lan cũng đã chi hàng trăm triệu đô la Mỹ để được quyền nắm giữ toàn bộ 65% phần vốn pháp định của Tập đoàn LafargeHolcim tại Holcim Việt Nam.
Holcim Vietnam cũng là doanh nghiệp sản xuất xi măng lớn ở thị trường trong nước với 5 nhà máy xi măng, bên cạnh sản xuất bê tông ướt. Và sau khoảng 23 năm hoạt động, LafargeHolcim Việt Nam được đánh giá là một trong những liên doanh thành công ở Việt Nam. Và đầu tháng này, Holcim Việt Nam chính thức công bố đổi tên thành Công ty TNHH Siam City Cement Việt Nam.
Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Việt Nam (VCM) là cái tên tiếp theo trong số hàng loạt doanh nghiệp trong nước mà SCG đã thâu tóm, trong đó nổi bật là thương vụ mua 85% cổ phần của nhà sản xuất vật liệu xây dựng trong nước – Công ty cổ phần Prime Group – với giá trị khoảng 240 triệu đô la Mỹ, đưa SCG trở thành đơn vị sản xuất gạch men lớn nhất thế giới vào năm 2012. Ba năm sau đó, SCG lên kế hoạch mua tiếp 15% cổ phần còn lại của Prime Group. Liên quan đến mảng vật liệu xây dựng, năm 2011, SCG cũng đã mua lại Công ty sản xuất xi măng Bửu Long tại Đồng Nai và đầu tư thêm 5,5 triệu đô la Mỹ để nâng công suất lên 200.000 tấn xi măng/năm. Còn ở thị trường ống nhựa xây dựng, các công ty trực thuộc của SCG đã mua lại hơn 20% cổ phần của Công ty cổ phần nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (NTP) và gần 17% của Công ty cổ phần nhựa Bình Minh (BMP). Về chiến lược và định hướng tại thị trường Việt Nam, lãnh đạo tập đoàn Thái Lan này cho biết đến nay SCG đã đầu hàng trăm triệu đô la Mỹ vào Việt Nam với nhiều dự án khác nhau và công ty đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư các dự án khác để nâng số tiền đầu tư lên đến 1 tỉ đô la Mỹ trong năm nay. Ngoài việc rót vốn đầu tư trực tiếp, trong những năm gần đây, SCG còn mở rộng đầu tư vào Việt Nam qua con đường mua bán và sáp nhập (M&A). SCG bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1992 và dần mở rộng đầu tư đa ngành, bao gồm các lĩnh vực xi măng – vật liệu xây dựng, hóa dầu và bao bì. Hiện nay, tại Việt Nam, SCG có 22 công ty đang hoạt động kinh doanh với hơn 6.900 nhân viên. |
Mời đọc thêm: