Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp thắng kiện hải quan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp thắng kiện hải quan

Minh Tâm

(TBKTS Online) – Một công ty tại TPHCM vừa được Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân tối cao tại TPHCM tuyên thắng trong vụ kiện Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Cảng, thuộc Cục Hải quan TPHCM, và kết thúc cuộc tranh chấp kéo dài gần 2 năm về việc áp thuế suất thuế nhập khẩu với mặt hàng chân máy camera.

Phiên tòa phúc thẩm lần 2 vừa diễn ra sáng 16-2 ở Tòa án Nhân dân tối cao tại TPHCM với sự tham gia của các bên liên quan là đại diện Công ty cổ phần Máy quay phim Phước (nguyên đơn, từ đây xin gọi tắt là Công ty Phước) và đại diện Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Cảng (bị đơn, gọi tắt là Hải quan Tân Cảng). Sau gần 3 giờ tranh luận tại tòa, hội đồng xét xử đã tuyên hủy án sơ thẩm do Tòa án Nhân dân TPHCM đã tuyên ngày 3-8-2011, chấp nhận kháng cáo của Công ty Phước về việc hủy hai quyết định áp thuế 15% đối với các sản phẩm nhập khẩu của công ty này do Hải quan Tân Cảng ban hành, buộc Hải quan Tân Cảng phải hoàn số tiền thuế trên 140 triệu đồng mà doanh nghiệp đã đóng trước đó.

Vụ việc đã kết thúc sau gần 2 năm tranh cãi. Tuy nhiên, đằng sau nó còn có những vấn đề đáng để suy nghĩ.

Bất đồng về mã hàng hóa

Theo nội dung vụ kiện, vào năm 2010, Công ty Phước nhập khẩu các loại hàng hóa là chân camera các loại, ba nhánh bánh xe để gắn vào chân máy và túi đựng máy. Trong quá trình làm thủ tục tại cửa khẩu Tân Cảng, công ty này đã làm hai tờ khai hải quan số 20304 và 22888, tự áp mã hàng hóa là 8525, 8529 để được hưởng mức thuế suất thuế nhập khẩu 0% theo Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm Thông tư số 216/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Ngày 2-9-2010 và ngày 2-11-2010, Hải quan Tân Cảng ban hành quyết định 20304 và 22888 áp thuế 15% cho các sản phẩm nhập khẩu của Công ty Phước, với cơ sở hàng hóa này thuộc mã hàng 7616 (mã áp cho loại hàng hóa bằng nhôm, chưa được định danh, không áp được vào mã nào khác). Hải quan Tân Cảng phân tích, mặt hàng Công ty Phước nhập khẩu là phụ tùng máy quay phim camera, túi đựng chân máy và tự áp mã hàng 8525. Nhưng theo quy định thì chỉ các loại bộ phận của camera truyền hình, kỹ thuật số mới được áp mã 8525 hay 8529 với thuế suất 0%.

Công ty Phước không đồng ý với quyết định này, vì cho rằng hàng hóa của doanh nghiệp đã được định danh ở chương 85 về máy móc thiết bị điện của Biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm Thông tư 126 là “máy ghi, tái tạo ghi âm, máy ghi, máy tái tạo hình ảnh, truyền hình và âm thanh, bộ phận phụ tùng các loại máy trên”.  Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan trong văn bản 7501/TCHQ-TXNK ban hành ngày 14-12-2010 cũng hướng dẫn “trường hợp chân máy quay phim dùng được mã hàng 8525 và mã hàng 9007 thì xếp loại 9007 thuế suất cũng là 0%”. Công ty Phước cho rằng thực tế hàng hóa họ nhập là thuộc mã hàng 9007.

Hải quan Tân Cảng lại cho rằng, theo chương 90 của  Biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi, trong nhóm 90 (có mã hàng 9007) không  áp dụng đối với nhiều loại hàng hóa trong đó có camera ghi hình, kỹ thuật số và video. Theo đó, mã 9007 áp vào các loại hàng hóa là máy quay phim và máy chiếu, kể cả bộ phận phụ tùng. Máy quay phim ở đây là loại máy quay phim nhựa (Cinamatograpfic), còn hàng hóa của Công ty Phước là phụ tùng cho chân camera kỹ thuật số, video, không phải cho máy quay phim nhựa.

Để làm rõ sự không thống nhất của hai bên, Hải quan Tân Cảng cũng đã đem mẫu hàng hóa giám định tại Trung tâm Phân tích phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu Tổng cục Hải quan – chi nhánh TPHCM. Kết quả giám định cho thấy hàng hóa của Công ty Phước là chân quay camera, túi bảo vệ, ba nhánh xe gắn chân và áp mã hàng hóa 7616, thuế suất thuế nhập khẩu 15%.

Không đồng tình với quyết định của Hải quan Tân Cảng, Công ty Phước khởi kiện Chi cục Hải quân Tân Cảng ra Tòa án Nhân dân TPHCM. Tại phiên sơ thẩm, hội đồng xét xử căn cứ trên nhiều tài liệu hai bên cung cấp, đã tuyên xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Phước về việc đòi hủy hai quyết định áp thuế 15% của Hải quan Tân Cảng. Hội đồng xét xử khẳng định phía bị đơn là Hải quan Tân Cảng đã ban hành quyết định đúng theo quy định pháp luật và thực tế hàng hóa.

Không đồng tình với án sơ thẩm, Công ty Phước đã có đơn kháng cáo và vụ kiện được Tòa án Nhân dân Tối cao tại TPHCM xét phúc thẩm vào ngày 16-2 như đã nói ở trên. Tại phiên phúc thẩm, trên cơ sở của các công văn trả lời về trường hợp này của Cục Hải quan TPHCM, Vụ chính sách – những cơ quan cấp trên mà Hải quan Tân Cảng trực thuộc, hội đồng xét xử cho rằng quyết định do Hải quan Tân Cảng ban hành không phù hợp với quyết định, văn bản hướng dẫn của cơ quan cấp trên. Các quyết định 20304 và 22888 áp thuế 15% đối với hàng hóa nhập khẩu của Công ty Phước là không phù hợp với quy định của pháp luật, cụ thể ở đây là Thông tư 49/2010/TT-BTC. Do vậy tuyên Công ty Phước thắng kiện.

Những điều đọng lại sau vụ án

Tại phiên tòa phúc thẩm sáng 16-2, hai bên nguyên đơn và bị đơn tiếp tục tranh luận về việc áp dụng mã hàng hóa để áp thuế đối với các sản phẩm Công ty Phước nhập khẩu và đều giữ quan điểm ban đầu.

Chủ tọa phiên tòa nhận định, vấn đề ở đây chính là hai khái niệm bộ phận và phụ tùng mà hai bên đưa ra làm lý lẽ. Và vấn đề này khi được đưa ra bàn thảo giữa các bên, hỏi ý kiến của các cơ quan cấp trên lại chưa ngã ngũ. Ví dụ như tại công văn trả lời số 7501 của Tổng cục Hải quan thì cơ quan này lại trả lời nước đôi, tức việc phân loại được áp dụng theo nguyên tắc nếu là chân máy camera, chân máy ảnh dùng cho máy kỹ thuật số thì áp dụng theo mã 8525 để áp thuế 0%; nếu phân loại theo bảng biểu cấu thành thì áp theo 7616 (vật liệu sử dụng bằng nhôm). Bên cạnh đó, Vụ Chính sách thuế của Tổng cục Hải quan, khi được hỏi ý kiến, thì trả lời rằng khoa học hiện nay chưa phân loại được trong trường hợp này. Vấn đề được báo cáo lên Bộ Tài chính, cơ quan quản lý cao nhất, nhưng cho đến thời điểm phiên phúc thẩm diễn ra cũng chưa có văn bản trả lời. “Hải quan và doanh nghiệp đều có cái lý của mình. Lẽ ra các bên nên ngồi lại với nhau, đối thoại để tự giải quyết là tốt nhất”, chủ tọa phiên tòa nêu ý kiến.

Đại diện Hải quan Tân Cảng thừa nhận, mặt hàng Công ty Phước nhập khẩu là mặt hàng khó phân loại. Hải quan Tân Cảng khi ra quyết định áp mã hàng đã dựa trên các văn bản quy phạm pháp luật đang có hiệu lực. Cơ quan hải quan Việt Nam, cũng như nhiều nước trên thế giới, đều nhận thấy việc áp dụng mã hàng như vậy là chưa hợp lý, chưa phù hợp thực tế. Nhưng đến thời điểm này, quy định của Việt Nam và các nước vẫn chưa sửa đổi. Do vậy, khi quy định chưa sửa đổi thì cần áp dụng theo những văn bản hiện hành.

Đại diện Viện kiểm sát Nhân dân trong phiên phúc thẩm cũng nhận định, có sự không rõ ràng trong quy định hiện hành khiến việc áp thuế gặp khó khăn. Các cơ quan quản lý cần có những quy định mà "một là một, hai là hai" để những người thực thi "biết đường mà xử xự".

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online sau phiên xử, đại diện Hải quan Tân Cảng nói rằng, hiện tại có không ít quy định bất hợp lý, câu chữ không rõ ràng mà không phải ai cũng hiểu hết được. Ví dụ như nguyên tắc phân loại HS. Nếu cơ quan thực thi không áp dụng đúng các quy định hiện hành thì khi có vấn đề, bị cơ quan cấp trên thanh tra sẽ bị kỷ luật.

Bên cạnh đó, với bản án này của Tòa án, Hải quan Tân Cảng không biết là áp dụng theo văn bản nào: quy định pháp luật hiện hành hay bản án vừa tuyên của tòa. Tức với các loại hàng hóa tương tự sẽ áp dụng theo mã hàng hóa nào, 8525 hay 7616?

Có lẽ, câu hỏi này cần sớm được các cơ quan chức năng trả lời để cơ quan thực thi lẫn doanh nghiệp không tốn thời gian vào một vụ kiện như đã xảy ra.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới