(KTSG Online) – Các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài ở nhiều nơi khắp Trung Quốc đã được lệnh tạm dừng sản xuất từ 5-10 ngày, giảm đến 30% lượng điện tiêu thụ. Nguy cơ đứt đoạn chuỗi cung ứng hàng tiêu dùng cho các dịp lễ mua sắm lớn cuối năm trên toàn cầu đang hiện ra.
Giá than và xăng dầu tăng vọt, nỗ lực cắt giảm khí thải, và nhu cầu năng lượng gia tăng tạo nên khủng hoảng năng lượng hiện nay tại Trung Quốc.

Các hãng công nghệ bị ảnh hưởng
Eson Precision Engineering cho biết đã tạm dừng sản xuất từ hôm 26-9 tới cuối tuần này tại các nhà máy ở Côn Sơn để tuân thủ chính sách dừng sử dụng điện cho mục đích công nghiệp của thành phố.
Eson là hãng con của Foxconn – đối tác lắp ráp iPhone lớn nhất thế giới – kiêm nhà cung ứng linh kiện cơ khí quan trọng cho Apple và Tesla. Eson nói sẽ tận dụng lượng hàng tồn kho để duy trì hoạt động trong khi tạm dừng sản xuất. Họ sẽ phân bổ lại sản xuất vào cuối tuần hoặc các ngày lễ tháng sau để đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Unimicron Technology, một nhà sản xuất bo mạch in lớn và đối tác của Apple, cũng báo rằng đã dừng sản xuất tại nhà máy ở Tô Châu và Côn Sơn từ 26-9 đến hết tháng 9 này. Công ty Đài Loan nói sẽ tăng cường sản xuất tại các cơ sở khác để giảm thiểu tác động. Concraft Holding, hãng cung ứng linh kiện loa iPhone, nói sẽ tạm dừng hoạt động 5 ngày đến trưa 30-9 và tận dụng hàng tồn kho để hỗ trợ nhu cầu.
Hãng Pegatron chuyên lắp ráp iPhone cho biết nhà máy tại Côn Sơn và Tô Châu vẫn hoạt động bình thường, song đã chuẩn bị máy phát điện, đề phòng công ty nhận thông báo từ chính quyền thành phố.
Riêng các nhà máy của Foxconn tại Long Hoa, Quán Lan, Thái Nguyên, Trịnh Châu – khu phức hợp sản xuất iPhone lớn nhất thế giới – chưa bị ảnh hưởng bởi quy định hạn chế nguồn cung năng lượng.
Các đối tác cung ứng dịch vụ đóng gói và kiểm định chip cho Intel, Nvidia và Qualcomm cũng nhận được thông báo tạm dừng hoạt động tại Giang Tô trong vài ngày. Chang Wah Technology, nhà sản xuất vật liệu đóng gói chip cho NXP, Infineon, ASE Tech Holding, cho biết phải tuân thủ lời kêu gọi của thành phố, dừng sản xuất từ chiều 26-9.
Điều này gây áp lực lớn lên chuỗi cung ứng xe hơi và công nghệ toàn cầu, vốn đã trải qua cuộc khủng hoảng linh kiện và chip chưa từng có và chưa có hồi kết.
Theo một nhà cung ứng điện tử tại Đông Quan, do chính quyền cắt điện từ 8 giờ sáng đến nửa đêm, công nhân của họ phải làm từ khuya về sáng.
Một vài công ty đã chuẩn bị cho công nhân làm thêm ca nhân kỳ nghỉ lễ Quốc khách từ 1-10 để bù đắp cho việc dừng sản xuất trong tháng 9. Nhưng điều này không đồng nghĩa là doanh nghiệp sẽ “an toàn” sản xuất bởi lượng điện tiêu thụ trong kỳ nghỉ lễ có thể gia tăng, điện lưới sẽ có thể bị quá tải.

Ảnh hưởng thị trường toàn cầu
“Cắt giảm năng lượng diễn ra khi các điều chỉnh chính sách của Trung Quốc đã va chạm dữ dội với bùng nổ phát triển Trung Quốc giữa đại dịch. Việc suy giảm sản xuất, nếu kéo dài, có thể làm giảm 1 điểm phần trăm GDP trong quí 4”, báo cáo của ngân hàng Morgan Stanley công bố hôm 27-9 viết.
Ngành thép, nhôm và xi măng đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh giảm tiêu thụ điện, với 7% năng lực sản xuất nhôm bị đình hoãn, riêng xi măng bị ảnh hưởng đến 29%. Các nhà phân tích của Morgan Stanley nói rằng ngành công nghiệp giấy và thủy tinh có thể sẽ là những “nạn nhân” kế tiếp.
Trong khi đó, tập đoàn tài chính Nomura của Nhật Bản trong báo cáo gửi khách hàng tuần rồi đã viết: “Cú sốc cung ứng năng lượng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và công xưởng lớn nhất của thế giới có thể xé toạc và ảnh hưởng đến các thị trường toàn cầu. Tình trạng này buộc chúng tôi phải cắt giảm dự báo tăng trưởng trong quí 3 từ 5,1% xuống còn 4,7%, và quí 4 từ 4,4% xuống còn 3%”.
Nomura cũng cắt dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2021 của Trung Quốc từ 8,2% xuống còn 7,7%. Trong khi đó, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay là trên 6%.