Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp tích cực hợp tác người nuôi cá tra

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp tích cực hợp tác người nuôi cá tra

Thu hoạch cá ở ĐBSCL – Ảnh minh họa: HỒNG VĂN.

Các doanh nghiệp lớn ở An Giang và ĐBSCL về chế biến xuất khẩu cá tra đã có động thái tích cực liên kết với người nuôi nhằm tạo nguồn cá nguyên liệu ổn định cho sản xuất những tháng cuối năm 2008 và đầu năm 2009.

Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đa quốc gia (IDI) trực thuộc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Sao Mai đã tổ chức hội thảo thiết lập cơ chế liên kết nuôi trồng và chế biến thủy sản với nông dân nuôi cá tra ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, thành phố Cần Thơ. Các ngư dân và IDI đã thống nhất cao hai phương án liên kết nuôi trồng và chế biến thủy sản do lãnh đạo IDI đề ra.

Theo đó, cuối tháng 7-2008 doanh nghiệp triển khai phương án hỗ trợ đầu tư cho các hội viên và ngư dân tham gia dự án ổn định sản xuất và tiêu thụ, IDI cung cấp 20-50% thức ăn trong suốt vụ nuôi, hỗ trợ vay vốn ngân hàng phục vụ sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật, thông tin thị trường, xác định vùng nuôi theo các tiêu chuẩn quốc tế. Phương án thứ hai là nuôi gia công: IDI hỗ trợ 100% con giống thức ăn, thuốc thú y, kỹ thuật, người nuôi hưởng 1.000 đồng/kg và được thưởng 30% sản lượng vượt, ngược lại, nếu hụt định mức sẽ bị phạt 30% sản lượng hụt.

Còn Công ty cổ phần Hùng Vương (Tiền Giang) đã tiến hành ký kết hợp đồng bao tiêu cá tra với nông dân Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre. Riêng tại Cần Thơ, công ty đã ký hợp đồng bao tiêu 11.000 tấn cá tra với hợp tác xã nông nghiệp Thới An, huyện Ô Môn từ tháng 12-2008 đến tháng 3-2009.

Phương thức này đã tạo điều kiện cho nông dân chọn con giống tốt, sử dụng thận trọng thức ăn, thuốc trị bệnh… để giảm giá thành, nâng cao lợi nhuận. Nếu nông dân chủ động góp tiền mua thức ăn cho cá, phần vốn này sẽ được chia lợi nhuận 5%, nếu giá cá trên thị trường tăng nông dân sẽ được chia lợi nhuận tùy theo số vốn góp mua thức ăn cho cá.

Hàng tuần công ty Hùng Vương đều chi tiền để các xã viên mua thức ăn cho cá. Công ty đã thẩm tra tay nghề các hộ nuôi nên gần 4 năm thực hiện hợp đồng bao tiêu cá tra, chưa có nông dân nào bị lỗ.

Về phía Công ty cổ phần xuất khẩu thủy sản Nam Việt – có 4 nhà máy chế biến cá tra công suất 1.600 tấn cá nguyên liệu /ngày cũng đang gấp rút lập dự án liên kết với hộ nuôi mang tính ổn định và bền vững để trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thời gian sớm nhất. Dự án này mang tính khoa học phục vụ cho chiến lược phát triển bền vững ngành nuôi và chế biến xuất khẩu cá tra vùng ĐBSCL trong tương lai.

Theo TTXVN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới