Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng bị giới đầu tư ‘hắt hủi’

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Giới đầu tư đang tháo chạy khỏi các ngành kinh doanh sử dụng nhiều năng lượng trong bối cảnh giá dầu tăng lên cao nhất trong hơn một thập niên. Chi phí nhiên liệu đắt đỏ làm dấy lên nỗi lo cho tăng trưởng toàn cầu và giáng đòn vào một số lĩnh vực kinh doanh chỉ vừa mới hồi sinh sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19, bao gồm hàng không.

Hàng không là một trong những ngành bị tác động nặng nề nhất khi giá dầu tăng cao. Ảnh: Getty

Cuộc tấn công quân sự của Nga vào Ukraine đã gây cơn chấn động khắp các thị trường hàng hóa nguyên liệu thô, đẩy giá dầu chuẩn quốc tế Brent lên mức cao chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng kinh toàn cầu năm 2008 và khiến giá khí đốt ở châu Âu leo lên các mức cao kỷ lục mới.

Viễn cảnh giá năng lượng có thể tăng cao hơn nữa nếu các đồng minh phương Tây khác theo chân Mỹ áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Nga, và Điện Kremlin sẽ trả đũa bằng cách tắt nguồn cung cấp dầu khí, đã khiến các thị trường tài chính gặp khó khăn.

Giới đầu tư đang “hắt hủi” các doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng từ các hãng hàng không đến những công ty phụ thuộc vào dầu trong quy trình sản xuất của họ. Hãng hàng không American Airlines (Mỹ) là một trong số doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, với giá cổ phiếu giảm gần 1/5 trong tháng này và nợ của hãng nằm trong số những khoản đầu tư kém hiệu suất nhất trên thị trường trái phiếu “rác”.

Lợi suất của lô trái phiếu trị giá 600 triệu đô la của hãng hàng không Delta Air Lines (Mỹ) đáo hạn vào năm 2029 đã tăng lên mức chưa từng thấy kể từ khi đại dịch Covid-19 tàn phá ngành hàng không. Lợi suất trái phiếu tăng mạnh, thể hiện hiện mức rủi ro cao.

Trong khi đó, hãng hàng không giá rẻ Wizz Air là một trong những hãng hàng không châu Âu bị các nhà đầu tư xa lánh nhất. Kể từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu của Wizz Air giảm hơn 40%.

Chi phí nhiên liệu chiếm khoảng từ 15-20% tổng chi phí hoạt động của các hãng hàng không. Giá nhiên liệu máy bay giao ngay ở Mỹ đã tăng hơn 70% trong năm nay, lên mức cao nhất kể từ năm 2008. Một số hãng hàng không ở Mỹ bắt đầu cắt giảm lịch trình bay để ứng phó với chi phí nhiên liệu tăng vọt.

Cổ phiếu và trái phiếu của nhà sản xuất lốp xe Goodyear Tire & Rubber (Mỹ) cũng đã bị giới đầu tư “trừng phạt” với mức giảm hơn 41% kể từ đầu năm.

Giá dầu Brent đã hạ nhiệt trong những ngày gần đây sau khi tăng vọt lên mức gần 140 đô la/thùng vào ngày 7-3, chỉ kém vài đô la so với mức giá kỷ lục của nó được thiết lập vào tháng 7-2008.

“Với vai trò quan trọng của Nga trong dòng chảy năng lượng toàn cầu, nền kinh tế thế giới có thể sớm phải đối mặt với một trong những cú sốc năng lượng lớn nhất từ ​​trước đến nay”, các nhà kinh tế tại Goldman Sachs lưu ý, và cảnh báo giá dầu Brent có thể lên tới 175 đô la/thùng trong năm nay nếu chiến sự ở Ukraine làm gián đoạn 2/3 lượng dầu xuất khẩu của Nga bằng đường biển.

Dù tốc độ tăng giá của hàng hóa đã dịu lại vào cuối tuần trước, các nhà kinh tế và phân tích nhận định mối đe dọa đối với sức khỏe của các công ty và các nền kinh tế lớn sẽ tăng lên nếu giá năng lượng vẫn ở mức cao như hiện nay.

Giá xăng dầu ở Mỹ, thị trường xăng dầu lớn nhất thế giới, đã lập mức cao kỷ lục và các nhà phân tích nhận định giá của chúng sẽ tiếp tục tăng.

Tuần trước, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), Christine Lagarde cảnh báo chiến sự ở Ukraine sẽ tạo ra “một cú sốc lớn” cho nền kinh tế khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) khi ngân hàng này dự đoán lạm phát sẽ cao hơn và tăng trưởng kinh tế ở khu vực này sẽ thấp hơn trong ba năm tới.

Các công ty châu Âu đang bị ảnh hưởng bởi đà tăng giá phi mã của khí đốt, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nga. Tập đoàn Draslovka ở Cộng hòa Czech, nhà sản xuất Natri cyanide lớn nhất thế giới, tiết lộ vào cuối tuần qua rằng công ty đã buộc phải tạm ngừng sản xuất ở châu Âu vì giá khí đốt tăng.

Natri cyanide được sử dụng để chiết vàng và các kim loại quý khác từ quặng, sản xuất hóa chất và mạ điện. Giá dầu cao cũng khiến mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang phải đối mặt đối mặt thách thức lớn hơn. Fed đang cố gắng kiềm chế lạm phát và dự kiến ​​ tăng lãi suất trong tuần này bất chấp tình hình hỗn loạn trên thị trường hàng hóa sau cuộc tấn công Ukraine của Nga.

Phố Wall ngày càng lo ngại chi phí năng lượng cao hơn cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng và bóp nghẹt các doanh nghiệp Mỹ. Các nhà kinh tế của hai ngân hàng Goldman Sachs và Wells Fargo tuần trước cắt giảm dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ trong năm nay.

Oleg Melentyev, nhà phân tích tín dụng ở Ngân hàng Bank of America, nói rằng giá dầu, nếu duy trì ở mức trên 125 đô la / thùng sẽ gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế. Ông nói: “Căng thẳng tín dụng có thể gia tăng, chênh suất lợi suất trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp có thể mở rộng, thậm chí, có thể xảy ra cuộc khủng hoảng tín dụng nếu chúng ta chứng kiến giá dầu vượt qua mức 150 đô la/thùng”.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới