Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp trả giá vì ‘nợ’ của Nhà nước!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp trả giá vì ‘nợ’ của Nhà nước!

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

(TBKTSG) – Mỗi luật mới được Quốc hội ban hành thường mang đến cho người dân và doanh nghiệp niềm hy vọng rằng những khó khăn và ách tắc trong hoạt động kinh doanh sẽ được giải tỏa khi luật bắt đầu có hiệu lực thi hành. Nhưng hy vọng nhiều khi lại trở thành thất vọng chỉ vì lý do rất đơn giản – luật chờ văn bản hướng dẫn. Có những trường hợp tình trạng “chờ” kéo dài đến 2-3 năm, thậm chí trên sáu năm.

Doanh nghiệp trả giá vì 'nợ' của Nhà nước!
Vấn đề nợ văn bản pháp luật đã được Quốc hội nêu ra nhiều lần trong các kỳ họp. Ảnh minh họa: TTXVN

Nợ đọng văn bản hướng dẫn dưới luật là tình trạng phổ biến và hiện vẫn là một thách thức trong việc sớm đưa luật pháp vào cuộc sống. Tại cuộc họp của Tổ công tác của Thủ tướng với các bộ, cơ quan về tình hình xây dựng, trình ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh… vào ngày 3-12 vừa qua, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác, cho biết các văn bản hướng dẫn cho các luật có hiệu lực từ ngày 1-1-2021, văn bản trong chương trình công tác của Chính phủ, còn nợ tới 174 văn bản, trong khi theo quy định nhiều văn bản phải ban hành chậm nhất là ngày 15-11-2020.

Hậu quả của tình trạng nợ văn bản hướng dẫn luật là rất rõ ràng. Đó không chỉ đơn giản là những quy định mới khó đi vào cuộc sống, mà đáng ngại hơn là nó còn tạo ra “khoảng trống” pháp lý tạm thời khi mà luật cũ đã hết hiệu lực, còn luật mới thì không thể áp dụng.

Một vấn đề nữa là tình trạng một luật nhưng có rất nhiều văn bản hướng dẫn lại không được ban hành cùng lúc, dẫn đến tình trạng luật chỉ thực thi được một phần, ở những nội dung có hướng dẫn. Đó là chưa kể nội dung hướng dẫn giữa các văn bản nhiều khi mâu thuẫn nhau và kết quả là lại phải chờ hướng dẫn lại.

Điều đáng nói là, Chính phủ mổ xẻ không ít và giải pháp cũng đã được đưa ra. Cụ thể, ngày cuối cùng của năm 2017 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 138/NQ-CP trong đó Chính phủ yêu cầu trong quá trình soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, nghị định cần lưu ý: cân nhắc hạn chế đưa vào các dự án luật, pháp lệnh những vấn đề cần quy định chi tiết; chủ động xây dựng dự thảo nghị định quy định chi tiết đảm bảo có hiệu lực thi hành cùng với dự án luật, pháp lệnh.

Nếu những lưu ý của Chính phủ được các cơ quan thừa hành thực hiện nghiêm túc, thì chắc sẽ chẳng cần đến cuộc họp vào ngày 3-12 vừa qua của Tổ công tác của Thủ tướng.

Với tình trạng luật có quá nhiều văn bản hướng dẫn, Chính phủ đã chỉ đạo cắt giảm theo hướng một luật chỉ ban hành tối đa hai nghị định quy định chi tiết, một nghị định chỉ ban hành một thông tư hướng dẫn. Thế nhưng, ngay trong cuộc họp ngày 3-12 của Tổ công tác đại diện Bộ Tài chính cho biết Luật Chứng khoán sửa đổi do Bộ Tài chính chủ trì có sáu nghị định, và ông Mai Tiến Dũng đã nói ngay “một luật mà có sáu nghị định là không ổn”, phải gom lại theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Nợ văn bản hướng dẫn luật là nợ của các cơ quan hành pháp, nhưng người phải trả giá cho những “món nợ” này lại là người dân và doanh nghiệp và có khi cái giá phải trả không hề nhỏ. Vì với doanh nghiệp, thời gian là tiền bạc, là yếu tố quyết định đến việc có nắm bắt được cơ hội kinh doanh hay để vuột mất. Thế nên, đừng để nợ của Nhà nước mà người dân và doanh nghiệp phải trả giá.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới