Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp trên toàn cầu ‘đau đầu’ với chi phí vận chuyển hàng hóa

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chi phí vận chuyển hàng hóa đắt đỏ đang len lỏi vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, buộc các nhà sản xuất trên thế giới phải nâng giá bán sản phẩm, từ lốp xe Michelin cho đến tã Pampers.

Trong năm nay, Tập đoàn hàng tiêu dùng nhanh Procter & Gamble (Mỹ) nhiều lần tăng giá bán sản phẩm, bao gồm tã thương hiệu Pampers để bù đắp cho chi phí vận tải đang tăng vọt. Ảnh: Bloomberg

Chi phí vận tải biển cao hơn cả chi phí sản xuất sản phẩm

Chi phí vận chuyển, thường chỉ chiếm một phần nhỏ trong giá bán của sản phẩm, đang trở thành một trở ngại khác cho chuỗi cung ứng, gây áp lực lên nhiều doanh nghiệp khi họ vốn đã phải chi trả nhiều hơn cho nguyên vật liệu thô và nhân công.

Chuỗi cửa hàng bán lẻ hàng thủ công mỹ nghệ và sợi Jo-Ann Stores, có trụ sở ở bang Ohio (Mỹ), cho biết đã chi trả cao gấp 10 lần so với trước đây trong một số trường hợp để vận chuyển sản phẩm.

“Đôi khi, chi phí vận tải biển giờ đây thực sự cao hơn cả chi phí sản xuất sản phẩm”, Wade Miquelon, Giám đốc điều hành Jo-Ann Stores, cho hay. Công ty này vẫn chưa nâng giá bán cơ sở vì hy vọng chi phí tăng thêm trong chuỗi cung ứng chỉ là tạm thời.

Miquelon nói: “Tôi nghĩ chi phí vận chuyển hàng tăng thêm chỉ là tạm thời nhưng vấn đề là tình trạng này sẽ kéo dài 6 tháng hay 24 tháng?”

Đại dịch Covid-19 đã khiến chi phí vận tải tăng cao trong thời gian dài, gây sức ép lên nhiều doanh nghiệp Mỹ. Một số giám đốc doanh nghiệp dự báo chi phí vận tải sẽ duy trì ở mức cao đến tận năm 2023.

Chi phí vận chuyển hàng hóa là một thành tố gắn liền trong mọi hoạt động ở chuỗi cung ứng của một doanh nghiệp. Mọi thứ từ quặng sắt, thép, linh kiện và thành phẩm đều cần phải vận chuyển. Chi phí vận chuyển container bằng đường biển đang ở mức cao ngất ngưỡng, trong khi đó, lực lượng tài xế xe tải lại thiếu và giá xăng đắt hơn so với dự báo hồi đầu năm.

“Chúng tôi không trông chờ chi phí vận chuyển sẽ giảm đáng kể trong năm 2022”, Michael Witynski, Giám đốc điều hành chuỗi cửa hàng giảm giá Dollar Tree (Mỹ), nói hồi tháng trước. Ông lưu ý rằng các chuyên gia dự báo công suất vận tải biển sẽ còn căng thẳng cho đến năm 2023.

Giá cước vận chuyển container giao ngay đi từ châu Á sang bờ Tây nước Mỹ đang cao hơn 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 14 lần so với cùng kỳ năm 2019, theo chỉ số Freightos Baltic.

Tháng trước, Dollar Tree cảnh báo các nhà đầu tư rằng tình hình thị trường vận tải tiếp tục xấu và chi phí sẽ cao hơn nhiều so với dự báo ban đầu. Trước đây, chuỗi cửa hàng giảm giá này kỳ vọng các đối tác vận tải sẽ đáp ứng 85% cam kết cước phí theo hợp đồng, phần còn lại sẽ tính theo giá cước thị trường.

“Tuy nhiên, giờ đây chúng tôi dự báo các hãng vận tải chỉ thực hiện 60-65% cam kết của họ, vì vậy giá cước thị trường giao ngay sẽ chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều so với dự tính trước đây”,  Witynski nói.

Dollar Tree cho biết vấn đề bắt nguồn từ tình trạng thiếu container rỗng, lượng đơn hàng tồn đọng cao, các cảng bị tắc nghẽn và thiếu lao động cũng như các tác động liên quan đến đại dịch Covid-19.

Gần đây, một tàu container mà Dollar Tree thuê đã bị từ chối cập cảng ở Trung Quốc vì một thuyền viên dương tính với Covid-19, khiến chuyến hàng bị trễ 2 tháng do tàu phải quay trở về để thay thế thuyền viên.

Lạm phát tăng do chi phí vận tải tăng vọt

Tuần trước, Tập đoàn thực phẩm và bánh kẹo Mondelez International (Mỹ) cho biết lạm phát toàn cầu đang cao hơn so với dự báo, do chi phí vận tải và nguyên vật liệu thô tăng mạnh.

Hãng đồ uống Molson Coors Beverage (Canada) cũng cho rằng phần lớn lạm phát đến từ chi phí vận chuyển hàng hóa. Hôm 13-9, Tập đoàn hàng tiêu dùng, thiết bị y tế, vật liệu xây dựng 3M Co. cũng thừa nhận chi phí logistics đang gây sức sức ép rất lớn.

Michelin, hãng sản xuất lốp xe của Pháp, đã chi thêm hàng chục triệu đô la để vận chuyển cao su tự nhiên từ những nước nhiệt đới đến các cơ sở sản xuất. Thiếu tài xế xe tải và thiếu container rỗng đã đẩy tăng chi phí vận chuyển sản phẩm của Michelin vì có nhiều tháng, hãng này buộc phải vận chuyển hàng bằng máy bay. Gần đây, Michelin đã cắt giảm việc sử dụng vận chuyển hàng không vì quá tốn kém và cho biết các đội ngũ trong chuỗi cung ứng của công ty liên tục trao đổi với công ty vận tải đường bộ và vận tải biển để bảo đảm hàng hóa được vận chuyển

“Đó là lý do tại sao chúng tôi phải nâng giá bán lốp”, Florent Menegaux, Giám đốc điều hành Michelin, nói trong cuộc trả lời phỏng vấn gần đây.

Tập đoàn hàng tiêu dùng nhanh Procter & Gamble (Mỹ) đã nhiều lần tăng giá bán sản phẩm, bao gồm tã thương hiệu Pampers, trong năm nhưng các lãnh đạo của tập đoàn này cho biết tốc độ và quy mô tăng giá nguyên liệu, cộng thêm giá cước vận tải quá lớn đến nỗi không đủ bù đắp chi phí bằng cách tăng giá bán sản phẩm. Tập đoàn này dự báo chi phí sau thuế sẽ tăng thêm 1,9 tỉ đô la trong năm tài chính hiện nay, kết thúc vào tháng 6-2022.

“Nhu cầu xe tải tiếp tục tăng ở mọi khâu trong chuỗi cung ứng và cả công đoạn giao hàng đến nhà người tiêu dùng. Chi phí nhiên liệu diesel đã tăng hơn 25% so với tháng 4-2020”, Jon Moeller, Giám đốc điều hành Procter & Gamble, cho biết tại một hội nghị nhà đầu tư hồi tháng 6.

Sau một thập kỷ sáp nhập giữa các hãng vận tải biển, giờ đây, chỉ vài hãng kiểm soát các tuyến vận chuyển đường biển quan trọng. Điều này có nghĩa là có ít tàu hơn đi lại giữa các cảng, khiến các chủ hàng phải trả thêm để được đặt chỗ container.

Trong năm nay, cả chuỗi siêu thị thực phẩm Walmart lẫn chuỗi siêu thị nội thất Home Depot của Mỹ quyết định thuê tàu riêng để vận chuyển hàng hóa.

“Tôi nghĩ sức ép lạm phát bị thúc đẩy bởi chi phí vận tải tăng vọt”, Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng ở Công ty Moody’s Analytics, nhận định. Zandi ước tính giá cả tiêu dùng tăng 5,3% trong năm qua và chi phí vận tải đóng góp khoảng 10% cho mức tăng đó.

Gần đây, hãng thực phẩm J.M. Smucker, nổi tiếng với các loại mứt trái cây, cảnh báo chi phí vận tải là một trong những lý do chính khiến lợi nhuận suy giảm.

Tucker Marshall, Giám đốc tài chính J.M. Smucker, cho biết chi phí vận tải là một thách thức lớn trong năm ngoái và cả trong năm nay.

Tuy nhiên, Steven Blitz, nhà kinh tế trưởng ở hãng tư vấn TS Lombard, cho rằng chi phí vận tải tăng chỉ là diễn biến tạm thời vì tàu lửa có thể nối thêm toa, tàu biển có thể đóng thêm và tài xế xe tải có thể thuê. Tuy nhiên, phải mất thời gian để thực hiện những điều này. Cũng như nhiều nhà kinh tế khác, Blitz cho rằng sức ép lạm phát rốt cục sẽ lắng xuống. Lạm phát có thể giảm nếu nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại. Thực tế cho thấy, đà lây lan nhanh chóng của biến thể Delta đang khiến người tiêu dùng Mỹ thắt chặt chi tiêu và các doanh nghiệp giảm thuê nhân công.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới