Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp trong nước vẫn có ưu thế thị phần bán lẻ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp trong nước vẫn có ưu thế thị phần bán lẻ

Thu Nguyệt thực hiện

Ông Jeffrey Bahar.

(TBKTSG Online) – Ông Jeffrey Bahar, giám đốc khu vực Đông Nam Á của công ty nghiên cứu thị trường Spire Research and Consulting, đã có cuộc trao đổi với TBKTSG Online xoay quanh triển vọng ngành bán lẻ Việt Nam, nhân dịp ông Bahar đến TPHCM tuần rồi để thuyết trình báo cáo của công ty về vấn đề này.

TBKTSG Online: Báo cáo của Spire Research and Consulting có nhắc đến việc các tập đoàn bán lẻ lớn, như Wal-Mart, Carrefour, đã thông báo kế hoạch vào thị trường Việt Nam. Theo ông tại sao bây giờ vẫn chưa thấy bóng dáng của họ?

– Ông Jeffrey Bahar: Thường thì các nhà bán lẻ lớn, như Carrefour, Wal-Mart, gặp nhiều thách thức lớn hơn khi muốn mở các đại siêu thị (Hypermarket) vì việc này đòi hỏi nhiều thời gian mới có được giấy phép cũng như tìm một vị trí tốt và đủ rộng với diện tích ít nhất là 10.000 mét vuông. Các cửa hàng tạp phẩm đại chúng (Mass Grocery Store) được xếp vào loại đại siêu thị nếu chúng có chứa trên 25.000 mặt hàng (Store-keeping Unit), do đó đòi hỏi một diện tích mặt bằng lớn.

Các đại siêu thị sẽ tập trung ở TPHCM vốn có dân số đông và sức mua lớn. Tuy nhiên, không gian dành cho bán lẻ ở trung tâm TPHCM lại hạn chế và đắt đỏ. Do đó, nếu có ý định vào TPHCM, họ sẽ bỏ ý định mở các đại siêu thị, và thay vào đó là các cửa hàng tiện lợi và siêu thị. Hai loại cửa hàng này được dự đoán là mô hình bán lẻ hiện đại phát triển nhanh ở Việt Nam trong tương lai gần.

Chúng tôi không có câu trả lời về việc khi nào Carrefour và Wal-Mart sẽ mở cơ sở đầu tiên (ở Việt Nam). Những gì chúng tôi nghe thấy và biết là cả hai công ty này đã ra quyết định và họ đã xác nhận và cam kết sẽ mở cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam, nhưng không có thông tin là khi nào họ sẽ vào.

Có ý kiến cho rằng nhu cầu tiêu dùng của Việt Nam hiện nay chưa cao và yếu kém về hạ tầng logistics có thể là điều khiến các nhà bán lẻ lớn ngần ngại. Ý kiến của ông thế nào?

Tôi không nghĩ rằng sức mua yếu hay nhu cầu chưa cao, và yếu kém về cơ sở hạ tầng logistics là nguyên nhân đang ngăn trở họ vào Việt Nam.

Các nhà bán lẻ trong nước liệu có yếu thế nếu các nhà bán lẻ tiềm năng vào thị trường Việt Nam?

Các nhà bán lẻ Việt Nam đang bị các nhà bán lẻ nước ngoài cạnh tranh. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là họ sẽ thua hoàn toàn. Đối với thị trường bán lẻ tạp phẩm đại chúng (Mass Grocery Retail), không phải tất cả các phân khúc thị trường đều bị các nhà bán lẻ nước ngoài chi phối.

Theo chúng tôi thấy, các đại siêu thị thường là của các nhà bán lẻ nước ngoài. Còn đối với phân khúc cửa hàng tiện lợi, ở Indonesia, tôi thấy các nhà bán lẻ nội địa chiếm ưu thế. Ở Việt Nam cũng sẽ như thế mặc dù hiện chúng tôi đã thấy một số các nhà bán lẻ nước ngoài đang xâm nhập phân khúc này ở đây.

Hiện các nhà bán lẻ Việt Nam cũng đang nắm phần lớn thị phần trong phân khúc siêu thị, trong khi các nhà bán lẻ nước ngoài vẫn còn hạn chế trong phân khúc này. Do đó, các công ty bán lẻ trong nước có thể giữ thị phần của họ ở phân khúc siêu thị và cửa hàng tiện lợi.

Đối với phân khúc không thuộc bán lẻ tạp phẩm đại chúng, mà chuyên về thời trang, thực phẩm hay đồ uống, thức ăn nhanh, chúng tôi đã thấy nhiều công ty nước ngoài vào Việt Nam, như KFC, Pizza Huts. Đúng là tại phân khúc này, các nhà bán lẻ nước ngoài đã chiếm ưu thế.

Theo ông, các công ty bán lẻ trong nước phải chuẩn bị gì để tăng khả năng cạnh tranh?

Các nhà bán lẻ trong nước cần phải đáp lại sự cạnh tranh bằng cách nâng cao giá trị dich vụ mà họ đưa đến cho khách hàng. Ví dụ như hiện đại hoá cách sắp xếp hàng hoá trong các cửa hiệu để ít ra cũng tạo ra được giá trị (thuận tiện) ngang bằng với các chuỗi cửa hàng của nước ngoài.

Xin cảm ơn ông.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới