Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp Trung Quốc: cải tổ để vươn lên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp Trung Quốc: cải tổ để vươn lên

Phi Tuấn

Nhà máy may của tập đoàn TAL Group ở Đông Quản, có thể sản xuất mỗi ngày 300.000 áo sơ mi. Ảnh: NYT.

(TBKTSG) – Các doanh nghiệp ở vùng Quảng Đông – trung tâm công nghiệp tiêu dùng của Trung Quốc – đang ra sức tái cơ cấu vì lo ngại lực lượng lao động giá rẻ, một thời giúp kinh tế nước này cất cánh – đang nhanh chóng cạn kiệt.

Tờ New York Times của Mỹ nêu trường hợp tập đoàn TAL, trụ sở ở Hồng Kông, nhưng có một nhà máy may rất lớn ở thành phố Đông Quản, Quảng Đông và chuyên cung cấp quần áo cho chuỗi siêu thị bán lẻ J.C. Penney (Mỹ), đang chuyển từ việc làm khoán theo sản phẩm sang giúp J.C. Penney áp dụng một hệ thống điện tử để quản lý sản phẩm từ khi còn ở trên sàn nhà máy cho đến các quầy hàng bán lẻ xa xôi ở tận tiểu bang Connecticut.

Một ví dụ khác là trường hợp Chicony, sản xuất bộ biến điện dùng trong máy Xbox của Microsoft, và là nhà cung cấp chính các bàn phím máy tính cho hãng Dell, đang đa dạng hóa hoạt động bằng việc mở thêm các siêu thị, hiện đã có ba siêu thị và sắp mở thêm bảy cái nữa.

Trường hợp thứ ba được nhắc đến là Công ty Kwonnie Electrical Products, sau nhiều năm gia công máy hút bụi, bàn chải răng chạy điện cho hãng Philips và các công ty phương Tây, nay đang lên kế hoạch cho ra đời thương hiệu hàng gia dụng của riêng mình.

Hãy còn quá sớm để biết những cuộc cải cách đó có thành công hay không, nhưng các nhà kinh tế đánh giá những nỗ lực đó là cần thiết tuy rằng đã muộn.

Bức bách vì thiếu lao động

Trong nhiều năm qua, các nhà máy ở vùng đồng bằng Châu Giang đóng vai trò những xưởng gia công giá rẻ cho các nhãn hiệu lớn trên thế giới và biến vùng đất này thành trung tâm xuất khẩu lớn nhất Trung Quốc. Thành phố Đông Quản, cách Hồng Kông khoảng 35 dặm về phía Tây Bắc, từ lâu đã là trung tâm sản xuất đồ chơi, hàng dệt may, đồ gỗ và giày thể thao; trong đó có hàng trăm triệu đôi giày mang nhãn hiệu Nike và Adidas.

Nhưng hiện nay, do chi phí sản xuất tăng lên và Trung Quốc đang tìm cách hình thành một tầng lớp tiêu thụ trung lưu, giới chuyên gia cho rằng tái cơ cấu ngành công nghiệp của khu vực này có thể giúp thu hẹp lại khoảng cách giàu nghèo khá lớn của nước này và kích thích sự tăng trưởng kinh tế cân bằng hơn, bền vững hơn.

Chi phí sản xuất tăng nhanh chóng là do lao động thiếu hụt trầm trọng và công nhân đòi tăng lương để bù lại giá cả lương thực và nhà ở tăng cao. Áp lực này lộ rõ vài tháng trước đây khi hàng loạt vụ đình công của công nhân miền Nam Trung Quốc làm gián đoạn sản xuất vài nhà máy xe hơi của Nhật và dẫn tới kết quả là tiền lương được tăng đáng kể.

Để giảm chi phí sản xuất rẻ, một số nhà máy vùng châu thổ Châu Giang đã di chuyển vào khu vực nội địa nghèo khó hơn của Trung Quốc, nơi tiền lương thấp hơn 30% so với các tỉnh ven biển; một số khác thì chuyển tới các nước có chi phí lao động rẻ hơn như Bangladesh và Việt Nam. Nhưng với những công ty đã trót đầu tư hàng tỉ đô la Mỹ vào các nhà máy ở đây, thì di dời là việc không thể làm được. Chính vì thế, nhiều nhà máy lớn ở Đông Quản phải tìm các giải pháp mới.

Trường hợp khu kinh tế Thanh Tây ở phía Đông Nam thành phố Đông Quản là một điển hình cho sự chuyển dịch này. Sự bùng nổ về xuất khẩu của Trung Quốc giúp biến cải những đồng ruộng mênh mông thành một khu công nghiệp rộng 145 ki lô mét vuông ken dày những nhà máy dệt may và sản xuất hàng điện tử, phần lớn thuộc sở hữu của các ông chủ Hồng Kông và Đài Loan, sản xuất hàng hóa mang các thương hiệu toàn cầu như Burberry, Hewlett-Packard và Sony. Cách đây nhiều năm, người lao động từ các tỉnh nghèo của Trung Quốc đổ về đây xếp hàng tìm việc, với mức lương phổ biến là 90 xu Mỹ mỗi giờ. Chín mươi phần trăm trong số 350.000 dân của quận Thanh Tây là công nhân nhập cư.

Cơ hội để đổi mới

Nhưng tình hình đã thay đổi nhanh chóng. Ngày càng ít người tìm đến đây, phần vì chính sách một con của chính phủ khiến lực lượng lao động giảm xuống, phần vì các tỉnh nội địa ngày càng phát triển, và lao động tìm cách quay về làm việc gần nhà hơn. Thiếu lao động, cộng với chính sách của nhà nước tăng lương tối thiểu để cải thiện đời sống dân nhập cư khiến cho tiền lương ở khu vực này đã tăng gấp đôi trong năm năm qua.

Thế nhưng, tình trạng thiếu lao động và tiền lương tăng cũng được coi là cơ hội để các doanh nghiệp phải đổi mới – một xu thế được chính quyền khuyến khích. Châu Quốc Vinh, Phó giám đốc phòng Hợp tác thương mại và kinh tế của khu công nghiệp Thanh Tây, cho biết: “Giờ đây mỗi công ty đều muốn trở thành một doanh nghiệp công nghệ cao và chúng tôi khuyến khích họ”.

Chính phủ Trung Quốc có chính sách ưu đãi thuế để khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ, và chính quyền quận Thanh Tây cũng lập một quỹ nghiên cứu và phát triển để hỗ trợ nỗ lực đó. Công ty Lite-On Technology, chuyên sản xuất card wi-fi cho các thiết bị truy cập Internet, đã nhận được tiền trợ cấp của nhà nước cho hoạt động nghiên cứu phát triển. “Chúng tôi quyết định rằng mình sẽ không tiếp tục làm hàng giá rẻ nữa”, ông Roger Lee, Giám đốc Nhà máy TAL Apparel thuộc tập đoàn TAL Group, khẳng định dù ông thừa nhận rằng, thành công hay không là điều chưa bảo đảm được. “Giá áo sơ mi thì giảm trong khi chi phí lại tăng không ngừng”, ông Lee than thở.

Việt Nam sẽ làm gì?

Khó khăn của các doanh nghiệp Trung Quốc cũng giống với những gì mà các nhà sản xuất, gia công ở Việt Nam đang đối mặt. Ở các thành phố lớn như TPHCM doanh nghiệp cũng đang loay hoay tìm nguồn lao động khi mà kinh tế phục hồi, các đơn hàng tới tấp lại về. Ngành dệt may chẳng hạn, một ngành sử dụng nhiều lao động, chưa kịp mừng trước các đơn hàng thì đã phải vừa tìm cách giữ chân lao động hiện có, vừa lo tuyển lao động mới.

Chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở các thành phố trong khi tiền lương không tăng kịp là nguyên nhân của những đợt hồi hương của công nhân: những chuyến xe ngày Tết đầy ắp công nhân về quê, nhưng các chuyến xe đưa công nhân trở lại các khu công nghiệp lại trống trải. Ở các tỉnh các khu công nghiệp cũng nối nhau mọc lên mời gọi đầu tư, vừa thu hút lực lượng lao động địa phương, vừa giữ chân những công nhân ở thành phố lớn về nhờ lợi thế giá rẻ cả về nhân công lẫn đất đai. Có doanh nghiệp ở TPHCM vừa mới treo tấm băng rôn tuyển 200 lao động hôm nay, hôm sau đã bị một công ty đối thủ tháo giấu mất, đủ thấy sự cuộc cạnh tranh giành giựt công nhân căng đến mức nào.

Tuy vậy, một số doanh nghiệp vẫn chưa thay đổi cung cách làm việc và đầu tư để vươn lên cao hơn trên bậc thang giá trị, mà vẫn giữ những kiểu hành xử như cũ: trả lương rẻ mạt, kiểm soát gắt gao trong việc làm như hạn chế đi vệ sinh, hạn chế thời gian nghỉ, trừ lương vì những lý do vô lý. Chắc chắn những công ty này sẽ phải đối mặt với làn sóng người lao động ồ ạt ra đi trong nay mai, và nhiều chuyên gia đang cảnh báo Việt Nam sẽ không thể dựa mãi vào lợi thế lao động giá rẻ.

Ứng phó với thực tế mới, doanh nghiệp Trung Quốc hoặc chuyển về vùng xa, hoặc đổi mới công nghệ để tham gia các ngành sản xuất sử dụng ít lao động nhưng tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, còn các doanh nghiệp ở nước ta sẽ làm thế nào? Đó là câu hỏi vẫn chưa có lời đáp.

(Tổng hợp)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới