Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp tự bình ổn lúa gạo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp tự bình ổn lúa gạo

Hồng Văn

Doanh nghiệp tự trích lập quỹ bình ổn tại doanh nghiệp khi xuất khẩu gạo, sau đó dùng khoản trích này để hỗ trợ chính mình trong mua lúa tạm trữ-Ảnh: KL.

(TBKTSG Online) – Đầu tháng 8 năm ngoái, khi nông dân vựa lúa ĐBSCL thu hoạch rộ lúa hè thu, giá lúa trên thị trường giảm ở mức thấp nhất trong năm, xuống dưới 4.000 đồng/kg, có loại lúa chỉ bán được 3.000-3.500 đồng/kg. Lúc đó, Chính phủ kêu gọi các doanh nghiệp xuất khẩu mua lúa gạo dự trữ để hỗ trợ giá lúa cho nông dân.

Các nhà xuất khẩu gạo trong nước sau đó đã mua 500.000 tấn gạo, rồi mua thêm gần 500.000 tấn nữa đã đưa giá lúa tăng dần. Cũng may mắn là bây giờ, các doanh nghiệp mua lúa gạo tạm trữ từ tháng 8 tới tháng 10 đã trúng to nhờ xuất khẩu thuận lợi.

Đây là cách làm trong nhiều năm qua và luôn hàm chứa nhiều bất ổn, bởi nếu sau đó giá gạo xuất khẩu không tăng thì doanh nghiệp bị lỗ nặng. Và thực tế trong hơn chục năm qua, đã từng nhiều năm xảy ra cảnh doanh nghiệp mua lúa gạo theo vận động của Chính phủ và sau đó nợ ngân hàng chồng chất, để rồi kêu gọi Chính phủ hỗ trợ, ngân hàng khoanh nợ xấu.

Nghịch cảnh mùa vụ  

Năm ngoái, sản lượng lúa cả nước đạt 38,93 triệu tấn, trong đó có hơn 10 triệu tấn lúa hàng hóa dành cho xuất khẩu chủ yếu được sản xuất ở ĐBSCL và thực tế, Việt Nam đã xuất khẩu gạo đạt 6 triệu tấn trong năm 2009, cao nhất trong hai chục năm qua. 

Trong 3 vụ lúa ở vùng ĐBSCL thì vụ đông xuân chất lượng lúa tốt, năng suất cao. Trong thời gian gieo trồng và thu hoạch lúa đông xuân thì nhu cầu thế giới thường tăng cao (giao dịch gạo thường xảy ra vào cuối năm trước và đầu năm sau), nên giá bán lúa thường đạt cao nhất trong năm và tất nhiên, lợi nhuận của nông dân cũng cao hơn 2 vụ lúa còn lại.  

Giá lúa gạo xuống thấp chủ yếu rơi vào vụ lúa hè thu (tháng 8, 9 và 10), một phần do chất lượng lúa kém hơn vụ đông xuân, nhu cầu nhập khẩu của thế giới thời điểm này giảm so với đầu năm nên mức lãi của người sản xuất đạt thấp, nhiều vùng không đạt tỷ lệ 30% so với giá thành. Thường mọi năm, Chính phủ kêu gọi doanh nghiệp mua lúa gạo cho nông dân chủ yếu vào thời gian thu hoạch lúa hè thu.  

Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá thành vụ lúa hè thu năm 2008 ở mức 3.184 – 3.901 đồng/kg, với giá bán 4.200 – 5.000 đồng/kg, tỷ lệ lãi cao nhất ở An Giang với 44,5%, thấp nhất là Tiền Giang chỉ có 7,7%, còn lại nhiều tỉnh có tỷ lệ lãi dưới 30%, mức lãi theo định hướng của Chính phủ nhiều năm qua đối với sản xuất lúa.

Vụ hè thu năm ngoái, giá thành thấp hơn, 2.012 – 3.190 đồng/kg nhưng giá bán cũng giảm mạnh, 3.026 – 4.108 đồng/kg thì hơn một nửa số tỉnh sản xuất lúa ở ĐBSCL, tỷ lệ lãi của nông dân trồng lúa dưới 30%.  

Doanh nghiệp tự bình ổn  

Trích phương thức quản lý quỹ theo dự thảo:

– Hội đồng quản trị công ty hoặc giám đốc (đối với công ty không có hội đồng quản trị) chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ bình ổn giá lúa gạo. Quỹ chỉ sử dụng cho mục tiêu bình ổn giá thóc, gạo không sử dụng cho mục đích khác.

– Hàng năm doanh nghiệp báo cáo tình hình sử dụng quỹ năm trước và lập dự toán thu chi quỹ năm kế hoạch, đồng thời đề xuất mức trích lập quỹ của năm kế hoạch gửi Bộ Tài chính.

– Sau mỗi đợt sử dụng quỹ, doanh nghiệp phải lập báo cáo quyết toán về việc trích lập và sử dụng Quỹ hỗ trợ bình ổn giá lúa gạo. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm xem xét thẩm định việc trích lập và sử dụng Quỹ hỗ trợ bình ổn giá lúa gạo của doanh nghiệp.

– Doanh nghiệp được trừ khoảng trích từ Quỹ bình ổn giá khi xác định thu nhập chịu thuế. 

Trong dự thảo đề án chính sách hỗ trợ của nhà nước để bình ổn giá thị trường lúa gạo Việt Nam mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến của doanh nghiệp và cộng đồng, đã đề xuất hình thành Quỹ bình ổn lúa gạo theo hướng nhà nước không bao cấp, không bù lỗ cho doanh nghiệp và nông dân, mà tự thân các nhà sản xuất lúa và xuất khẩu gạo hình thành nên quỹ này để bình ổn cho chính mình.

Theo đó, quỹ bình ổn được hình thành từ nguồn thu một phần lợi nhuận trước thuế của lượng gạo xuất khẩu của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia xuất khẩu gạo.

Lấy vụ hè thu năm ngoái làm chuẩn thì giá sàn định hướng của Chính phủ công bố 3.800 đồng/kg lúa ở ĐBSCL, trong khi giá lúa trên thị trường dao động quanh mức 3.400 đồng/kg. Như vậy, nếu bình ổn giá lúa cho nông dân thì năm ngoái, quỹ phải có 800 tỉ đồng để bù cho doanh nghiệp mua 2 triệu tấn lúa tạm trữ trong 3 tháng. Bộ Tài chính cho rằng vùng ĐBSCL để bình ổn giá lúa vụ hè thu cho nông dân thì cần tạm trữ tối thiểu 2 triệu tấn.  

Do vậy, phương án thành lập quỹ có số tiền 1.000 tỉ đồng/năm. Bình quân Việt Nam mỗi năm xuất khẩu 5 triệu tấn gạo với lợi nhuận trước thuế quy ra tiền đồng thì 1 kg gạo khoảng 300 đồng. Mức trích lập quỹ bình ổn, theo đề xuất của Bộ Tài chính, là thu 30% lợi nhuận trước thuế của xuất khẩu gạo, có nghĩa nếu xuất 5 triệu tấn thì thu được 450 tỉ đồng/năm, còn như năm ngoái, xuất 6 triệu tấn gạo thì thu cho quỹ được 540 tỉ đồng.  

Nếu vụ hè thu năm đầu tiên hình thành quỹ mà tiền chi ra hỗ trợ cho doanh nghiệp lớn hơn mức 450 hay 540 tỉ đồng thì phần hụt được ngân sách nhà nước cho vay tạm, sau đó quỹ hoàn trả.  

Doanh nghiệp cứ hễ xuất gạo là tự trích thu quỹ bình ổn cho doanh nghiệp mình. Khi chi ra hỗ trợ cho khoản mua tạm trữ phải qua xét duyệt và sau đó là quyết toán với Bộ Tài chính và chỉ có doanh nghiệp thu mua lúa hàng hóa để chế biến gạo xuất khẩu được sử dụng quỹ để hỗ trợ tạm trữ lúa hàng hoá và bù đắp sau khi xuất khẩu.

Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo bình luận rằng ưu điểm của quỹ bình ổn là nông dân trực tiếp sản xuất được thụ hưởng ngay chính sách hỗ trợ của nhà nước. Việc mua bán sẽ diễn ra nhanh gọn và có tác dụng kéo ngay thị trường tăng, nhanh chóng thực hiện được mục tiêu mua hết lúa hàng hóa và có lãi cho người sản xuất tối thiểu 30%.

Còn ở khía cạnh doanh nghiệp thì thực chất của phương án này là bản thân doanh nghiệp sử dụng một phần lợi nhuận khi xuất khẩu gạo “tích tụ” lại để tự xử lý khoản thâm hụt khi xuất khẩu không có lợi, không phải sử dụng ngân sách nhà nước để trợ cấp cho doanh nghiệp. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới