Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp từ chối mua đường trong nước

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp từ chối mua đường trong nước

Ngọc Hùng

Doanh nghiệp từ chối mua đường trong nước
Công nhân một nhà máy sản xuất đường đang trên đường đi trồng mía. Ảnh: Cao Dương

(TBKTSG Online) – Mặc dù các nhà máy sản xuất đường đang gặp khó khăn đối với đầu ra nhưng doanh nghiệp tiêu thụ đường (sản xuất bánh kẹo, nước giải khát…) phải đề nghị Bộ Công Thương cho nhập gần 270.000 tấn đường vì không muốn mua đường sản xuất trong nước với giá cao.

Tại cuộc họp giữa Bộ Công Thương với doanh nghiệp sử dụng đường và các nhà máy sản xuất đường do Hiệp hội Mía đường Việt Nam tổ chức ngày 28-3 tại TPHCM, đại diện các nhà sản máy mía đường và doanh nghiệp tiêu thụ đường đã  trao đổi với nhau để tìm giải pháp tiêu thụ đường trong nước.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, sản lượng đường trong vụ mía đường 2011/12 vào khoảng 1,4 triệu tấn, tăng gần 300.000 tấn so với vụ trước. Trong vụ trước còn tồn kho 100.000 tấn, kèm theo đường nhập lậu nên hiện tại nhiều nhà máy đang lâm vào thế khó khăn.

Trong thời gian qua, những nhà máy sản xuất đường như Biên Hòa, Bourbon Tây Ninh có những hợp đồng bán đường cho các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo, nước giải khát. Nhưng đó chỉ là số ít.

“Hiện Vinamilk, Bánh kẹo Kinh Đô, Bibica hay Red Bull … đang xin Bộ Công Thương nhập khẩu gần 270.000 tấn đường, trong khi nhiều nhà máy có lượng đường cần bán với số lượng lớn nhưng không tiếp cận được với những doanh nghiệp nói trên”, ông Long nói.

Ông Trương Phú Chiến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bibica, cho biết công ty ông mỗi năm tiêu thụ 6.000 tấn đường. Sở dĩ Bibica muốn nhập khẩu là do hiện tại giá đường nhập khẩu chỉ 700 đô la Mỹ/tấn (khoảng 14.700 đồng/kg) trong khi mua từ các nhà máy đường trong nước là 17.000 đồng/kg.

“Nếu giá đường trong nước cao hơn giá đường nhập khẩu thì không lý gì chúng tôi phải mua đường trong nước”, ông Chiến cho hay.

Ông Mai Hoài Anh, phụ trách mua hàng và xuất nhập khẩu của Vinamilk cho biết, nhu cầu sử dụng đường của Vinamilk tăng trưởng 15- 20%/năm. Vinamilk muốn nguồn cung và giá cả ổn định nhưng trong 5 năm trở lại đây giá đường trên thị trường không ổn định khiến công ty không thể mua đường từ các doanh nghiệp trong nước với số lượng nhiều.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết, theo quy định khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thì năm 2012 hạn ngạch nhập khẩu đường là 70.000 tấn, trong khi nhu cầu nhập khẩu đường gần 270.000 tấn, tăng gần 200.000 tấn.

Do vậy, ông Biên nói giữa doanh nghiệp tiêu thu đường làm bánh kẹo, nước giải khát và nhà máy đường cần ngồi lại với nhau để thương lượng giá cả. Từ kết quả này, Bộ Công Thương sẽ quyết định hạn ngạch nhập khẩu đường của năm 2012, dự kiến vào cuối tháng 4, đầu tháng 5.

Hiện có 26 doanh nghiệp đề nghị Bộ Công Thương nhập khẩu đường, số lượng gần 268.000 tấn, trong đó, Vinamilk là 110.000 tấn, Tân Hiệp Phát 25.000 tấn, Coca Cola là 20.000 tấn, Pepsi là 20.000 tấn, Red Bull là 7.000 tấn….

 

Kiến nghị xuất khẩu đường dư thừa

Hiệp hội mía đường Việt Nam tiếp tục kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho xuất khẩu lượng đường dư thừa và cho phép tạm trữ 200.000 tấn đường như đối với gạo và cà phê.

Tại diễn đàn doanh nghiệp nông nghiệp diễn ra ngày 27-3 tại Hà Nội, ông Phạm Ngọc Thao, đại diện Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho hay, gần đây các doanh nghiệp mía đường đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng vào trang thiết bị sản xuất vụ ép năm 2012 nhưng hiện có khoảng 1/3 số doanh nghiệp mía đường đang có nguy cơ thua lỗ do tồn kho lớn và sản phẩm sản xuất ra không tiêu thụ được.

Hiệp hội mía đường đã tiếp tục kiến nghị Bộ NN&PTNT tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tạm trữ 200.000 tấn đường đồng thời cho phép doanh nghiệp xuất khẩu đường theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. “Hiện thị trường Trung Quốc đang là tia sáng duy nhất cứu ngành đường trong thời điểm hiện nay”, ông Thao nói.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Văn Nam, Cục trưởng Cục chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối, Bộ NN&PTNT, việc cân đối cung cầu bộ đã tính toán lại và con số không lớn như phía hiệp hội đưa ra mà chỉ khoảng 70.000 tấn.

Trước đề nghị của hiệp hội, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đã đồng ý cho xuất khẩu 30.000 tấn đường, và sắp tới sẽ tiếp tục cho xuất tiếp nếu Thủ tướng Chính phủ đồng ý.

Về vấn đề tạm trữ, ông Nam cho biết Bộ NN&PTNT đã đề nghị Chính phủ cho mua tạm trữ khoảng 100.000 đến 150.000 tấn đường để các doanh nghiệp đỡ khó khăn về vốn chứ không phải hoàn toàn là vấn đề mất cân đối cung cầu. 

Thùy Dung

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới