Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp và nguy cơ ‘chết oan vì ung thư thông tin’

Song Nghi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – “Sản phẩm A của doanh nghiệp XYZ có chứa chất gây ung thư”. Khi những tin tức kiểu này xuất hiện trên báo chí, chỉ vài giờ sau thông tin sẽ tràn ngập mạng xã hội. Kèm theo đó là không biết bao nhiêu thông tin thêm mắm dặm muối vô tội vạ khiến cho doanh nghiệp biến thành kẻ tội đồ xấu xa.

Thực hư sản phẩm có chất gây ung thư hay không chưa kịp xác minh thì thương hiệu doanh nghiệp đã đứng trước nguy cơ tổn hại nặng nề khi bị loại “ung thư thông tin” này tấn công.

Trong hơn mười năm gần đây, đã có hàng chục vụ tai tiếng liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Thông tin đầu nguồn – và chưa đầy đủ – xuất phát đầu tiên từ một vài tờ báo và nhanh chóng lan ra khắp mạng xã hội. Hậu quả là doanh nghiệp trong vụ việc hứng đủ búa rìu dư luận đến tối tăm mặt mũi mà không thể thanh minh. Một số trường hợp doanh nghiệp bị oan nhưng các thông tin sai lệch ban đầu vẫn còn tồn tại khắp nơi trong bối cảnh mạng xã hội phổ biến từ vài năm gần đây.

Cụm từ “chất gây ung thư” được dùng thiếu trách nhiệm

An toàn thực phẩm là vấn đề luôn được xã hội chú ý vì nó liên quan mật thiết đến sức khỏe người dân. Việc đưa tin về các sản phẩm có hóa chất độc hại là điều cần thiết nhưng mặt khác, đây là dạng thông tin cần kiểm chứng cẩn thận từ nhiều nguồn trước khi đăng tải.

Một chi tiết đặc biệt quan trọng là các thông tin, chứng cứ khoa học liên quan đến “chất gây ung thư” lại thường bị bỏ qua trong các bản tin đầu tiên. Cụm từ “chất gây ung thư” thường được dùng ngay trên tựa bản tin để thu hút người đọc một cách chủ ý – và đôi khi là ác ý – là một kiểu lập lờ vì “một nửa chiếc bánh mì vẫn là bánh mì nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật”.

Bản chất chính của vấn đề thường bị bỏ qua hay viết lấp lửng trong những bản tin câu view để thu hút đông người xem bằng mọi giá. Loại “ung thư thông tin” này như một khối u đeo bám dai dẳng và có sức tàn phá rất lớn đối với thương hiệu doanh nghiệp.

Lẽ ra, đối với một thông tin nhạy cảm về thực phẩm có chất độc, cần một quy trình phối kiểm thông tin chặt chẽ và đa chiều. Bước đầu tiên là tìm hiểu đối với chất được ghi nhận là có trong thực phẩm thì quy định pháp luật của Việt Nam và thế giới như thế nào. Bước thứ nhì theo là tìm hiểu các văn bản pháp lý có liên quan như luật, quy định, quy chuẩn… cả trong nước và thế giới, đặc biệt là quy định pháp luật của nước công bố thu hồi sản phẩm như trường hợp mới đây Ireland thu hồi mì ăn liền Hảo Hảo (*).

Qua hai bước đầu tiên thì người viết có gần như đầy đủ thông tin về “chất cấm” cho thông tin ban đầu như: Chất này tác hại ra sao; nước nào cấm, nước nào cho phép; hàm lượng cho phép ra sao; quy định pháp luật của Việt Nam với chất này ra sao; mức độ gây độc hại cho sức khỏe hay gây ung thư ở mức hàm lượng nào?

Khi đã có đủ thông tin ban đầu về chất có trong thực phẩm, bước thứ ba là cần có thêm thông tin từ cơ quan chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với chất có trong thực phẩm. Bước thứ tư là tìm thêm thông tin từ các chuyên gia y tế, an toàn thực phẩm. Với thông tin thu thập được qua bốn bước phối hợp kiểm thông tin nói trên, bước thứ năm là từ thông tin giải thích của doanh nghiệp có liên quan trong vụ việc.

Nhờ bốn bước kiểm tra thông tin đầu tiên, người viết có thể thẩm định doanh nghiệp giải thích hợp lý hay bao biện, trung thực hay quanh co lẩn tránh đối với “chất cấm” trong thực phẩm của họ.

Năm bước tìm hiểu, phối hợp kiểm thông tin này sẽ giúp người viết hiểu đúng bản chất vấn đề, từ đó cung cấp được những thông tin khách quan và trung thực cho bạn đọc, tránh gây thiệt hại oan uổng cho doanh nghiệp.

Trong quá khứ đã có hai vụ lùm xùm về “chất gây ung thư” gây thiệt hại nặng cho doanh nghiệp mà bản chất không đúng như thông tin báo chí đưa.

Bồn nước có Mangan và nước mắm chứa thạch tín: Khi sự thật bị đánh tráo

Cách đây hơn mười năm, vào tháng 7-2007, một tờ báo hàng đầu Việt Nam đăng bài với tựa đề ai cũng phải đọc “Bồn nước inox cũng gây ung thư?”. Sóng gió dư luận nổi lên vì đây là sản phẩm mà đa số nhà dân đều xài. Lập luận của bài báo là doanh nghiệp sản xuất bồn nước – vốn đang chiếm thị phần khá lớn – đã dùng loại inox 202 có “hàm lượng Mangan (Mn) cao hơn gấp 4 lần so với inox 304”. Theo suy đoán của tờ báo này, do hàm lượng cao, chất Mn trong bồn nước sẽ ngấm vào nước trong bình và có nguy cơ gây ung thư.

Trong khi đó, sự thật là inox 202 được dùng rất nhiều trong các dòng sản phẩm giá thấp và hoàn toàn không có chuyện “rò rỉ ra nước” như thông tin ban đầu (**). Mọi việc hạ màn sau một tuần nhưng doanh nghiệp trong vụ việc vẫn gánh chịu hậu quả năng nề kéo dài sau đó vì người tiêu dùng vẫn tin vào thông tin ban đầu. Chưa kể, tờ báo đưa tin đó không chịu đính chính một cách sòng phẳng mà chỉ đăng một bài viết kiểu nói lại cho rõ với tựa đề “Mangan trong bồn inox có đủ mức gây hại?”.

Một vụ việc khác gây sóng gió gần đây hơn là loạt bài trên một tờ báo lớn khác hồi tháng 10-2016 với các tựa đề rất sốc như “Đi tìm nước mắm sạch”, “Cẩn trọng với hàm lượng thạch tín”, “Lỗ hổng trong quy định về phụ gia thực phẩm”. Các bài báo này dẫn thông tin từ Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng (VINASTAS) công bố 67% nước mắm truyền thống có asen tổng (thạch tín) vượt ngưỡng cho phép.

Trong khi đó, bản chất vấn đề là một sự đánh tráo khái niệm: Chất asen được VINASTAS đề cập là asen hữu cơ hoàn toàn không gây hại vì có sẵn trong cá – nguyên liệu làm nước mắm – trong khi chất gây hại là asen vô cơ thì hoàn toàn không có trong nước mắm truyền thống (***).

Tờ báo đưa tin sai lệch này sau đó đã bị phạt hàng trăm triệu đồng, phải đăng bài đính chính, xin lỗi bạn đọc và tháo bỏ loạt bài báo nói trên.

Như vậy, để doanh nghiệp không chết oan vì “khối u ung thư thông tin”, khi tiếp nhận thông tin ban đầu, các cơ quan truyền thông cần phối kiểm thông tin từ nhiều nguồn, đặc biệt là các nguồn thông tin khoa học đáng tin cậy. Do tiêu chuẩn quy định của các nước khác nhau, có những nước rất khắt khe, chỉ cần có “vết” chất cấm là thu hồi sản phẩm trong khi có nước lại chấp nhận một mức nồng độ nhất định.

Về phía doanh nghiệp, nên lưu ý sau khi sóng gió đã qua, dù đã được minh oan thì các “khối u thông tin” vẫn còn tồn tại trên Internet. Vì vậy, nên tìm biện pháp hóa giải các thông tin sai lệch này bằng các công cụ dò tìm tự động và tận dụng cơ chế báo cáo nội dung sai lệch của mạng xã hội để gỡ bỏ các thông tin này.

————

(*) https://moit.gov.vn/khoa-hoc-va-cong-nghe/kiem-soat-du-luong-etylen-oxit-trong-thuc-pham-khi-xuat-khau.html

(**) https://thanhnien.vn/thoi-su/ve-chuyen-bon-nuoc-inox-cung-gay-ung-thu-196376.html

(***) https://suckhoedoisong.vn/thuc-hu-ve-asen-trong-nuoc-mam-169124025.htm

Vụ bồn nước Mangan:

https://tuoitre.vn/bon-nuoc-inox-cung-gay-ung-thu-208285.htm

https://tuoitre.vn/mangan-trong-bon-inox-co-du-muc-gay-hai-209371.htm

Vụ nước mắm Asen:

https://thanhnien.vn/thoi-su/thanh-nien-cao-loi-va-go-bo-bai-viet-ve-nuoc-mam-758049.html

2 BÌNH LUẬN

  1. Bấy lâu chúng ta chỉ để ý tới các loại thông tin chính trị xã hội, nhưng không mấy để ý đến thông tin sản xuất kinh doanh.. Đây là một lỗ hổng cơ bản.

  2. Đây là các doanh nghiệp đang cạnh tranh không lành mạnh, tung tin ra để tiêu diệt đối thủ cạnh tranh, mà tôi thấy có 4 vụ thì 3 vụ đều liên quan đến đối thủ của 1 doanh nghiệp. Báo còn nêu thiếu vụ nước tương từ cách đây mười mấy năm, sau đó vụ nước nắm truyền thống năm 2016 cũng định “bổn cũ soạn lại” nhưng dân mình đã không còn như xưa nên không lừa được nữa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới