Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp và nhà trường: Cái bắt tay chưa chặt

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp và nhà trường: Cái bắt tay chưa chặt

Thoa Nguyễn

Doanh nghiệp và nhà trường: Cái bắt tay chưa chặt
Học viên trường Cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng đang thi tay nghề sửa chữa xe hơi. Ảnh: Thanh Tao.

(TBKTSG) – Doanh nghiệp nhỏ và vừa mong muốn tuyển dụng được nhân lực có kỹ năng, tay nghề nhưng lại không quan tâm tới công tác đào tạo, thiếu sự liên kết với các cơ sở dạy nghề. Đó là nghịch lý được chỉ ra tại hội thảo “Nâng cao vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giáo dục dạy nghề tại cộng đồng” diễn ra tại Hà Nội ngày 25-11.

Mô hình trường và doanh nghiệp

Trường Cao đẳng Công nghiệp Dệt may Hà Nội hiện đang đào tạo khoảng 11.000 sinh viên. Hàng năm, có khoảng 2.500-3.000 sinh viên, trong đó có khoảng 70% sinh viên chuyên ngành may mặc và 30% sinh viên từ các chuyên ngành phụ phục vụ cho chuyên ngành may mặc ra trường.

Theo khảo sát của nhà trường cho tới năm 2009, khoảng 94% sinh viên chuyên ngành may mặc và 70-75% sinh viên chuyên ngành khác tìm được việc làm theo đúng chuyên ngành được đào tạo sau ba tháng kể từ ngày tốt nghiệp, với mức lương thử việc từ 1-4 triệu đồng/người/tháng.

Kết quả trên mang lại từ hai mô hình “trường trong doanh nghiệp” và “doanh nghiệp trong trường” mà theo ông Hoàng Xuân Hiệp, Phó hiệu trưởng trường, là “đang tạo rất nhiều thuận lợi cho cả nhà trường và doanh nghiệp”.

Cụ thể, với việc xác định đào tạo gắn với sản xuất kinh doanh, trường đã tham gia sáng lập và giữ vai trò chi phối hai công ty cổ phần, gồm 700 lao động. Năm 2010 kim ngạch xuất khẩu từ hai công ty này đạt trên 300 tỉ đồng, thu nhập bình quân của nhân viên đạt 3.000.000 đồng/người/tháng. Và mỗi năm có khoảng 1.800-2.000 học sinh được thực tập tốt nghiệp cuối khóa tại tất cả các bộ phận của công ty như điều hành sản xuất, xuất nhập khẩu, kế toán, kỹ thuật, dây chuyền sản xuất

Một trường hợp khác về mô hình trường trong doanh nghiệp là Tổng công ty cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam. Tính tới năm 2011, trường Cao đẳng Công nghệ Viettrinics do công ty này thành lập đã hoạt động được tám năm, cung cấp cho thị trường lao động khoảng 4.000 sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành điện tử viễn thông. Qua khảo sát của nhà trường, có khoảng 70-90% trong tổng số từ 1.700-2.000 sinh viên tốt nghiệp mỗi năm có được việc làm theo đúng chuyên ngành của mình.

Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, Trưởng ban Kế hoạch và Đầu tư Công ty Điện tử và Tin học Việt Nam, phần lớn sinh viên ra trường có được việc làm ngay tại chính doanh nghiệp này. Điều đó đã giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm được khoản chi phí khá lớn dùng để đào tạo bổ sung nguồn nhân lực giai đoạn đầu của quá trình tuyển dụng.

Vẫn thiếu sự gắn kết

Theo Viện Nghiên cứu khoa học và dạy nghề, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, năm 2011, cả nước có khoảng 510.000 doanh nghiệp, 98% trong số này là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Với tốc độ tăng trưởng khoảng 22%/năm, gấp đôi tốc độ tăng của các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa đang góp phần tạo ra khoảng 40% GDP của cả nước (năm 2010).

Ông Mạc Văn Tiến, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề, cho rằng doanh nghiệp nhỏ và vừa đã thu hút khoảng 9,65 triệu lao động trên cả nước, chiếm 96% số lao động trong các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trung bình chỉ có khoảng 25% lao động trong doanh nghiệp nhỏ và vừa được đào tạo nghề, do đó khả năng làm việc, khả năng hợp tác theo tổ nhóm của đối tượng lao động này còn rất hạn chế.

“Doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được khoản chi phí đào tạo lại nhân lực, đồng thời có thể tuyển dụng được nguồn lao động thích ứng ngay với công nghệ sản xuất, yêu cầu của doanh nghiệp khi tham gia vào quá trình đào tạo nghề. Tuy nhiên, điểm yếu nhất hiện nay chính là sự liên kết giữa nhà trường và khối doanh nghiệp”, ông Tiến nói.

Ví dụ, ông Hiệp kể, doanh nghiệp luôn than vãn rằng nguồn nhân lực đào tạo tại các trường không đáp ứng được nhu cầu công việc. Nhưng khi trường gửi đi 1.000 phiếu điều tra về nhu cầu của doanh nghiệp trong thời gian hai năm sau đó, thì chỉ nhận về 50 câu trả lời từ phía doanh nghiệp. Khi được phía nhà trường đề nghị cho biết nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong thời gian ngắn, nhiều người chủ chốt của doanh nghiệp cũng không thể trả lời được mình cần gì nhất trong quá trình tuyển dụng.

Ông Hiệp cho rằng, mơ hồ về chiến lược nguồn nhân lực, không nắm được mình cần gì để cung cấp thông tin cho cơ sở đào tạo nghề thì khó có thể tạo sự liên kết trong đào tạo.

Sẽ có quỹ phát triển dạy nghề

Xã hội đang tồn tại một nghịch lý: dư thừa lao động có đầy đủ bằng cấp, chứng chỉ hành nghề trong khi số lao động đáp ứng yêu cầu chuyên môn của doanh nghiệp thì lại thiếu. Sự liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp sẽ giúp khắc phục được nghịch lý này. Có nhiều hình thức để liên kết như: doanh nghiệp đặt hàng các cơ sở đào tạo, nhận sinh viên vào thực tập, tham gia vào việc xây dựng chương trình đào tạo và đánh giá chất lượng đào tạo, cử chuyên gia doanh nghiệp tới giảng tại lớp…

Để có thể thúc đẩy sự liên kết này, Tổng cục Dạy nghề đang nghiên cứu xây dựng Quỹ phát triển dạy nghề. Theo như dự kiến, những doanh nghiệp không tổ chức dạy nghề hay không tham gia vào quá trình đào tạo mà nhận lao động do các cơ sở dạy nghề sẽ phải đóng góp một khoản phí cho quỹ. Ngược lại, những doanh nghiệp nào tự mở cơ sở dạy nghề thì sẽ nhận được sự hỗ trợ kinh phí của quỹ để duy trì hoạt động.

Theo ông Mạc Văn Tiến, quỹ này mang lại “lợi ích kép” cho doanh nghiệp. Đây được kỳ vọng sẽ là giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp chủ động tham gia liên kết đào tạo nghề.

Tuy nhiên, trước khi quỹ này đi vào hoạt động, ông Tiến cho rằng cần nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp để họ thấy rõ lợi ích khi tham gia công tác đào tạo nhân lực. Đây là một hình thức đầu tư vào nguồn lực con người, sẽ giúp doanh nhiệp có cơ hội tuyển chọn và nâng cấp nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng được yêu cầu công việc, giảm bớt thời gian và chi phí đào tạo lại.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới