Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp và văn hóa nước nhà

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp và văn hóa nước nhà

Hoàng Đình

(TBKTSG) – Mới đây, người viết bài này đã tham dự lễ khai trương của một doanh nghiệp Việt Nam là đối tác của một thương hiệu toàn cầu đến từ Nhật Bản. Tiếc thay, nét đặc trưng văn hóa Nhật Bản với những cô gái kiều diễm xúng xính trong những bộ kimono lại là chủ điểm của chương trình, trong khi chương trình được tổ chức tại Việt Nam.

Dẫu biết doanh nghiệp Việt Nam muốn thể hiện thành ý của mình dành cho phía đối tác Nhật Bản, nhưng nếu có sự xuất hiện của tà áo dài Việt Nam bên cạnh những bộ trang phục kimono thì có lẽ sẽ vẹn toàn hơn. Khi đó, không chỉ cả văn hóa Nhật Bản và Việt Nam đều được tôn vinh, góp phần thể hiện sự kết hợp hài hòa văn hóa hai nước, mà còn thể hiện cả sự tự hào dân tộc của doanh nghiệp Việt Nam.

Có người cho rằng đó chỉ là một thiếu sót nhỏ, nhưng thiết nghĩ, việc giữ vững những giá trị văn hóa nước nhà lại bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt nhất. Có câu chuyện nói rằng, chỉ vì người chăn ngựa quên thay móng cho ngựa mà con ngựa đã quỵ dọc đường, làm cho tin chiến trận không về đến kinh thành kịp lúc, kết quả là nước mất nhà tan. Cho nên, chỉ cần buông lỏng những giá trị văn hóa dân tộc cơ bản là chúng ta sẽ bị văn hóa nước ngoài xâm thực mạnh mẽ. Hiện nay, hòa trong sự hiện diện của các sản phẩm, doanh nghiệp, thương hiệu quốc tế, văn hóa ngoại quốc đang ngày càng xuất hiện tràn lan trong nước.

Vì vậy, chính những doanh nghiệp Việt Nam, là đối tác của các doanh nghiệp nước ngoài, ngay từ đầu cần có ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa Việt Nam. Hơn thế, với những doanh nghiệp có nhiều cơ hội tiếp xúc với nước ngoài, sẽ là lực lượng góp phần giữ vững văn hóa truyền thống của nước nhà.

Trở lại sự kiện khai trương doanh nghiệp nêu trên, trong khi phía đối tác Nhật Bản nỗ lực thể hiện sự thân thiện bằng bài hát chủ đề cho thương hiệu của họ có nội dung thể hiện tình yêu đối với nước Việt, thì phía doanh nghiệp của chúng ta lại không thể hiện rõ lòng tự hào đối với văn hóa nước nhà, cũng như chưa biết kết hợp hài hòa văn hóa dân tộc mình với văn hóa của đối tác! Thiết nghĩ, đó cũng là cách để các đối tác tôn trọng chúng ta.

Nhìn vào các doanh nghiệp Nhật Bản, họ luôn ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa của mình và biến thành một sức mạnh mềm trong quan hệ với các đối tác trên toàn cầu. Cũng nhờ đó, họ được doanh nghiệp trên toàn thế giới đánh giá cao. Cho nên, những nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam cũng cần hiểu rằng văn hóa nước nhà là yếu tố có thể tạo nên sức mạnh vô hình cho doanh nghiệp, nếu biết cách gìn giữ và phát huy.

Một quốc gia dù có phát triển đến đâu, hội nhập đến mức nào thì sự phát triển chỉ bền vững khi có những giá trị riêng. Ngay cả Hoa Kỳ là một quốc gia đa sắc tộc nhưng vẫn cố tạo cho mình một nét văn hóa riêng mang tên “Giấc mơ Mỹ” để kêu gọi mọi người nỗ lực làm việc thì cơ hội luôn có cho những ai chịu phấn đấu. Cũng vậy, Việt Nam muốn vững mạnh thì phải biết cách gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bởi đó là giá trị tinh thần trọng yếu.

Sự quan trọng của văn hóa truyền thống nước nhà là điều không có gì phải bàn cãi. Thế nên, trong thời đại hội nhập như hiện nay, văn hóa nước nhà cần phải được giữ gìn, khi mà những làn sóng văn hóa ngoại quốc đang xâm nhập mạnh mẽ. Trong đó, lực lượng doanh nhân đóng vai trò quan trọng không kém bất cứ thành phần nào.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới