Thứ Hai, 25/09/2023, 06:29
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Doanh nghiệp vẫn phàn nàn về môi trường kinh doanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp vẫn phàn nàn về môi trường kinh doanh

Minh Tâm

Doanh nghiệp vẫn phàn nàn về môi trường kinh doanh
Theo đánh giá của doanh nghiệp, những chuyển biến trong môi trường kinh doanh sau một năm Nghị quyết 35 được ban hành vẫn rất ít. Trong ảnh: ông Nguyễn Văn Bé phát biểu ý kiến tại buổi giao ban của HIệp hội Doanh nghiệp khu vực phía Nam. Ảnh: Minh Tâm

(TBKTSG Online)  – Đánh giá về môi trường kinh doanh sau một năm thực hiện Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, doanh nghiệp cho rằng chuyển biến thực tế rất ít.

Chia sẻ tại buổi giao ban Hiệp hội Doanh nghiệp khu vực phía Nam về kết quả thực hiện Nghị quyết 35 diễn ra hôm nay, 10-3-2017, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp khu công nghiệp – khu chế xuất – khu công nghệ cao TPHCM cho biết, Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 được ban hành, một vài bộ, ngành có thay đổi nhưng rất nhiều nghị định, thông tư dưới luật vẫn được giữ nguyên. Thậm chí, trong thời gian qua, có bộ, ngành còn tiếp tục “đẻ” ra nhiều thủ tục hành chính như giấy chứng nhận này, kiểm định kia. Đây thực chất là các giấy phép con hành doanh nghiệp. Đơn giản là vì không ai từ bỏ lợi ích của mình.

VCCI đang tiến hành tập hợp, ghi nhận ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp xung quanh việc thực hiện Nghị quyết 35 để báo cáo Chính phủ.

Dự kiến, vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 tới sẽ có Hội nghị gặp gỡ giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với cộng đồng doanh nghiệp.

Bà Trần Ngọc Hân, đại diện cho Ủy ban Thực phẩm và Đồ uống thuộc Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) dẫn chứng hàng loạt quy định vẫn đang tồn tại, đi ngược tinh thần của Nghị quyết 35.

Cụ thể, điều 3, Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định về việc thực phẩm đã qua chế biến và nguyên liệu sản xuất phải công bố hợp quy, hợp chuẩn trước khi lưu thông trên thị trường. Điều này không đồng nhất với Luật An toàn thực phẩm (mà nghị định này hướng dẫn), gây chồng chéo, khó khăn cho doanh nghiệp.

Hay Thông tư 50/2015/TT-BYT quy định các cơ sở cung cấp nước phải thực hiện xét nghiệm một số chỉ tiêu ít nhất một tuần một lần, trong khi Quy chuẩn Việt Nam chỉ buộc làm việc này một lần/một tháng. Vì quy định này, có doanh nghiệp đã tốn cả 500 triệu đồng/năm.

“Chúng tôi sẵn sàng cung cấp chứng từ chứng minh. Điều này là ngược với tinh thần cắt giảm chi phí doanh nghiệp trong Nghị quyết 35”, bà Hân nói.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) lý giải, với câu chuyện cải cách hành chính vừa qua, đúng là chính quyền cầu thị, thay đổi tư duy và hành vi với doanh nghiệp. Nhưng luật pháp Việt Nam “nhập nhằng”, nói A cũng được, nói B cũng xong nên những cán bộ thực thi vẫn phải nói theo hướng chắc chắn cho mình, tránh hậu quả về sau.

Ông Trần Ngọc Liêm, Phó giám đốc Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) chi nhánh TPHCM đánh giá, dù Chính phủ quyết tâm rất cao nhưng chuyển biến thực tế lại ít, khi một số bộ ngành vẫn thiếu chủ động, công tác giám sát, chỉ đạo việc thực hiện còn hạn chế.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Đại biểu Quốc hội TPHCM, trọng tài viên của VIAC, cho rằng có rất nhiều vấn đề đã được nói đi nói lại bao nhiêu năm qua và việc cần kíp bây giờ là biến thành hành động.

Theo ông Nghĩa, trong bối cảnh này, Hiệp hội Doanh nghiệp phải nâng cao vai trò trong việc phản biện chính sách, tham gia vào quá trình lập pháp. Bởi lẽ, có rất nhiều thứ, chỉ doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, những người trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực mới hiểu, mới nắm vấn đề và có góc nhìn khác hẳn cơ quan quản lý. “Luật tốt thì mới đấu tranh được”, ông Nghĩa nói.

Bên cạnh đó, bản thân doanh nghiệp cũng phải chuyển đổi tư duy, phương thức quan hệ với cơ quan nhà nước theo hướng công khai, minh bạch và sử dụng, tuân thủ luật pháp.

Băn khoăn về chỉ tiêu số lượng doanh nghiệp

Đại diện Hiệp hội Dừa Việt Nam bày tỏ ông lo ngại chỉ tiêu một triệu doanh nghiệp đến năm 2020 mà Chính phủ đề ra sẽ tạo sức ép chạy theo thành tích của các tỉnh, thành. Ông nói mình biết có những tỉnh giao chỉ tiêu xuống tỉnh đoàn, tỉnh đoàn lại áp con số cụ thể xuống từng huyện khiến "có những ông bán mấy trăm hột vịt cũng làm giám đốc doanh nghiệp".

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, nêu quan điểm cần đặt lên bàn cân để cân nhắc một cách nghiêm túc giữa hai việc. Một là, tạo môi trường kinh doanh tốt để các doanh nghiệp hiện có phát triển lên, tạo thương hiệu mạnh trên thương trường. Hai là bỏ công sức, tiền bạc để người khởi nghiệp, hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp.

Ông Dũng chia sẻ, theo số liệu ngành thuế TPHCM, đến hết 31-12-2016, trên địa bàn TPHCM có hơn 295.000 doanh nghiệp. Nhưng, trong số này chưa tới 180.000 doanh nghiệp có kê khai thuế và chỉ có 110.000 doanh nghiệp có giao dịch thuế.

Nghĩa là, chưa tới 35% doanh nghiệp thực sự hoạt động và đóng góp vào nền kinh tế. Cho nên, chuyện “làm gì để những ông chưa làm ra tiền đóng được thuế" hay "đẻ thêm những ông không làm ra tiền” phải cân nhắc kỹ. Cốt yếu là chất lượng doanh nghiệp, không phải số lượng.

Xem thêm:

Chính phủ ra nghị quyết về doanh nghiệp

32 tỉnh, thành phố ký cam kết hỗ trợ DN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới