Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp viễn thông kêu khó vì phí

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp viễn thông kêu khó vì phí

Lan Nhi

Doanh nghiệp viễn thông kêu khó vì phí

Đưa Internet về vùng sâu, vùng xa là một hoạt động công ích sử dụng nguồn vốn từ Quỹ viễn thông công ích.

Ảnh:TL

(TBKTSG Online)- Tại các diễn đàn kinh tế tư nhân được tổ chức gần đây, đại diện các doanh nghiệp kinh doanh viễn thông, hạ tầng mạng đồng loạt cho rằng việc phải nộp Quỹ viễn thông công ích và trả phí thương quyền hoạt động viễn thông hàng năm là một hình thức phí chồng phí lên doanh nghiệp.

Lý lẽ của doanh nghiệp…

Tại cuộc họp của Nhóm kinh tế số ngày 22-9-2017 và nhiều cuộc họp sau đó của Diễn đàn kinh tế tư nhân (VPSF), nhiều doanh nghiệp đã đặt vấn đề về việc bỏ khoản đóng góp vào Quỹ viễn thông công ích hoặc chuyển qua hình thức đóng góp khác phù hợp hơn. Bên cạnh đó là đề xuất bỏ phí cấp quyền hoạt động viễn thông phải đóng hàng năm. Các doanh nghiệp kêu rằng việc thu hai loại phí này không khuyến khích các doanh nghiệp phát triển hạ tầng mạng, dịch vụ kinh tế số, làm tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp trong khi việc sử dụng quỹ chưa được công khai, minh bạch đầy đủ.

Thực tế là hai loại phí này đều đã được luật hóa và có quy định hướng dẫn đóng góp cụ thể. Luật Viễn thông năm 2009 đã quy định các doanh nghiệp viễn thông phải thực hiện nhiệm vụ viễn thông công ích do Nhà nước giao và đóng góp tài chính vào Quỹ dịch vụ viễn thông công ích. Quỹ này trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận để hỗ trợ thực hiện chính sách của Nhà nước về viễn thông công ích trên phạm vi cả nước.

Nghị định hướng dẫn luật này quy định tùy từng thời kỳ, Thủ tướng quy định cụ thể danh mục dịch vụ phải trích nộp doanh thu vào quỹ và mức đóng góp cụ thể (nhưng không quá 5% doanh thu dịch vụ đó). Hiện nay, mức đóng góp là 1,5% doanh thu đối với các doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng. Khoản đóng góp này được hạch toán vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải đóng phí quyền hoạt động viễn thông. Theo luật thì khoản này nhằm thi hành chính sách của Nhà nước về viễn thông từng thời kỳ, đảm bảo bù đắp chi phí cho công tác quản lý viễn thông. Khoản nộp cũng được hạch toán vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp. Loại phí này nộp hàng năm theo tỉ lệ phần trăm doanh thu của các dịch vụ viễn thông quy định tại giấy phép, mức nộp không quá 1% doanh thu của doanh nghiệp. Mức thực tế được Nhà nước áp là 0,5% doanh thu.

Như vậy, tổng hai khoản phí mà doanh nghiệp phải đóng là 2% doanh thu.

Quy định về việc thu phí đã được luật hóa, mức thu thực tế lại thấp hơn luật nhưng vì sao doanh nghiệp vẫn phản ứng?

Theo ông Nguyễn Trung Chính, Tổng giám đốc Tập đoàn CMC, việc “lấy” 1,5% doanh thu của doanh nghiệp vào Quỹ viễn thông công ích là không hợp lý vì khi giao nhiệm vụ, đặt hàng doanh nghiệp phát triển dịch vụ viễn thông công ích, Nhà nước còn phải hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp. Hơn nữa, cũng không rõ căn cứ để tính ra mức 1,5% doanh thu. Ông Chính đề nghị Chính phủ xem lại cách thu phí, đối tượng thu phí và việc sử dụng quỹ phải minh bạch, rõ ràng.

Quan điểm của đại diện FPT Telecom, được Diễn đàn kinh tế tư nhân tập hợp lại trong báo cáo của mình, cũng cho rằng các chính sách nói trên như “bẫy” doanh nghiệp. Theo đó, Chính phủ ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư hạ tầng cáp quang, mở băng thông rộng hơn, tốt hơn và doanh nghiệp như FPT Telecom đầu tư hàng ngàn tỉ đồng vào mở rộng hạ tầng, thay đổi công nghệ nhưng mới chỉ đầu tư được vài năm đã phải nộp phí dịch vụ viễn thông công ích 1,5% doanh thu khiến doanh nghiệp kéo dài thời gian khấu hao so với dự kiến, co cụm đầu tư.
Kế hoạch thu vào Quỹ viễn thông công ích năm 2016 với 26 doanh nghiệp viễn thông là 1.850 tỉ đồng, chưa bao gồm số dự thu của FPT Telecom và Công ty cổ phần viễn thông thế hệ mới NGT.

Diễn đàn VPSF chỉ ra rằng, thông thường các hoạt động công ích mang tính tự nguyện chứ không phải bắt buộc và mức đóng góp trên doanh thu mà không tính trên hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp là bất hợp lý. Thực tế, để được cấp phép thiết lập mạng, khi xin phép, các doanh nghiệp viễn thông phải đáp ứng rất nhiều điều kiện theo quy định của Luật Viễn thông, cả về điều kiện kinh doanh và điều kiện kỹ thuật, đầu tư vốn dài. Nếu tính như trên sẽ kéo dài thời gian hoàn vốn và ăn sâu vào lợi nhuận của doanh nghiệp.

 Nên minh bạch và thay đổi cách thu phí

VPSF đề nghị công khai, minh bạch cơ chế sử dụng quỹ. Theo quy định của Luật Thuế và phí thì phải niêm yết công khai trên trang thông tin điện tử của tổ chức thu phí, lệ phí, thực hiện chế độ kế toán, định kỳ báo cáo quyết toán thu, nộp, sử dụng phí, thực hiện công khai tài chính theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, trang thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ công khai số liệu tài chính của Quỹ viễn thông công ích từ năm 2008 đến năm 2014, được cập nhật vào tháng 8-2014. Tức là từ thời điểm đó đến nay, việc thu- chi thế nào cũng chưa được cập nhật. Ngay cả phần chi cho quỹ cũng chỉ được cập nhật vắn tắt là các khoản kinh phí cấp cho các doanh nghiệp để hỗ trợ duy trì và phát triển cung ứng dịch vụ viễn thông công ích, phát triển thuê bao điện thoại cá nhân và phát triển internet, phát triển các điểm viễn thông công cộng. Hơn nữa, số thu của quỹ luôn lớn hơn số chi với mức chênh lệch vài trăm tỉ đồng. Ví dụ năm 2009 thu vào là 1.595 tỉ đồng trong khi chi là 1.213 tỉ đồng. Kể cả số dư được nộp về ngân sách thì việc công khai cũng là cần thiết và công bằng cho người phải nộp.

Theo ông Hoàng Đức Trung, Giám đốc cấp cao về đầu tư mạo hiểm  của Vina Capital, việc minh bạch các quỹ công ích là yêu cầu của các quốc gia, không riêng gì Việt Nam. Việc thành lập Hội đồng quản lý quỹ cần có cả đại diện của các công ty viễn thông đóng góp vào quỹ. Cũng cần  tổ chức đấu thầu công khai minh bạch cho phần thực hiện từ nguồn ngân sách. Hoặc thay vì nộp vào quỹ này để Chính phủ đứng ra làm dự án thì hướng các công ty xin giấy phép phát triển hạ tầng đưa ra các cam kết về độ phủ, các địa bàn ưu tiên phủ sóng, số hóa dưới sự giám sát của Chính phủ. Chính phủ chỉ cần cập nhật danh sách các khu vực cần đầu tư hạ tầng để các công ty viễn thông đăng ký thực hiện và coi đây là khoản đầu tư hạ tầng công ích một cách thiết thực nhất.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới