Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp Việt ‘bơm’ thêm nhiều vốn cho các dự án ở nước ngoài giữa dịch

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp Việt ‘bơm’ thêm nhiều vốn cho các dự án ở nước ngoài giữa dịch

Lê Hoàng

(TBKTSG Online) – Có đến hàng chục lượt dự án đầu tư ở các nước trên thế giới được các doanh nghiệp Việt Nam "bơm" thêm vốn đầu tư giữa dịch bệnh với tổng số vốn tăng thêm tăng hơn 65% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh nghiệp Việt 'bơm' thêm nhiều vốn cho các dự án ở nước ngoài giữa dịch
Masan Resources đã hoàn tất mua lại nền tảng kinh doanh vonfram của H.C. Starck

Dù tình hình dịch bệnh Covid-19, nhưng theo cập nhật số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trong 11 tháng, tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài (gồm cấp mới và điều chỉnh tăng vốn) đạt 490,4 triệu đô la Mỹ, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý việc vốn của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài tăng giữa dịch này lại nhờ vào những dự án đã đầu tư trước đó tăng thêm vốn đầu tư nhiều.

Cụ thể trong 11 tháng qua, cả nước có 114 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới ở nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt gần 316,4 triệu đô la, chỉ bằng 89,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên cùng thời gian này, còn có đến 30 lượt dự án đang hoạt động ở nước ngoài được các chủ đầu tư là doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh rót thêm vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm là gần 174 triệu đo la, tăng đến 65,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giới quan sát cho rằng đây là một hiện tượng lạ bởi lẽ trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng khắp thể giới nguồn vốn đầu tư nước ngoài trên toàn cầu bị sụt giảm nhiều mà trong lúc này doanh nghiệp Việt Nam lại tăng thêm vốn cho các dự án đầu tư ở nước ngoài để mở rộng sản xuất.

Tuy nhiên, cũng có ý cho rằng việc tiếp tục "bơm" vốn này cũng cho thấy doanh nghiệp Việt đánh giá thị trường các nước có nhiều tiềm năng vàdịch bệnh cũng là cơ hội để tăng tốc để phát triển theo lộ trình đề ra.

Một trong những doanh nghiệp rót thêm vốn ở nước ngoài trong thời gian dịch bệnh này là Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, HoSE: VNM). Vào trung tuần tháng 8 vừa qua, Vinamilk đã nhận được giấy đăng ký đầu tư ra nước ngoài điều chỉnh lần 1, để rót thêm 41 triệu đô la đầu tư vào Công ty Lao-Jagro Development Xiengkhouang Co., Ltd (Lao-Jagro) tại Lào.

Với khoản rót thêm này, vốn đầu tư tại Lao-Jagro của Vinamilk sẽ tăng lên 66,4 triệu đô la (hơn 1.530 tỉ đồng). Mục đích của đợt tăng vốn là nhằm hoàn thiện một số hạng mục bổ sung của trang trại 4.000 con bò hữu cơ (organics) thứ nhất và đầu tư trang trại bò sữa công nghệ cao quy mô 4.000 con bò cao sản (HF) thứ hai.

Mạng di động Natcom do Viettel đầu tư tại Haiti tổ chức lễ hội đường phố để quảng bá dịch vụ tại quốc gia Châu Phi này. Ảnh minh họa: Viettel.

Tổ hợp này còn được biết đến với tên gọi "resort" bò sữa Organic, nằm trong chiến lược dài hạn của Vinamilk về phát triển vùng nguyên liệu sữa tươi cả trong và ngoài nước. Được biết, dự án này được chia làm 2 giai đoạn với tổng mức đầu tư dự kiến là 500 triệu đô la. Vinamilk nắm giữ 51% cổ phần của Lao-Jagro, cùng các đối tác từ Nhật Bản và Lào, công ty này được thành lập từ năm 2015.

Vinamilk chỉ là một trong số 30 dự án tiếp tục bơm thêm vốn cho các dự án đầu tư đang thực hiện ở nước ngoài trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đối với các dự án đầu tư mới ở nước ngoài, trong 11 tháng đầu năm nay, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư 13 lĩnh vực. Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu, với 11 dự án cấp mới và 7 lượt điều chỉnh vốn, tổng vốn đăng ký 228,2 triệu đô la, chiếm 46,5% tổng vốn đầu tư.

Trong số này đáng chú ý là dự án của Công ty TNHH Vonfram Masan với số vốn đăng ký lên đến 91,5 triệu đô la ở thị trường Đức. Đây là công ty con do Công ty cổ phần Tài nguyên Masan (MSR) sở hữu 100% vốn.

Lĩnh vực tài chính ngân hàng đứng thứ 2, với tổng vốn đầu tư 68,2 triệu đô la, chiếm 13,9%; tiếp theo là các lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ và bán buôn, bán lẻ.

Có 28 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2020. Dẫn đầu là Úc với 13 dự án đầu tư mới và 2 dự án điều chỉnh, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 101,8 triệu đô la, chiếm 20,8% tổng vốn đầu tư. Đức đứng thứ hai, với 92,6 triệu đô la, chiếm 18,9%. Tiếp theo là Lào, Hoa Kỳ….

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới