Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp Việt làm điện thoại Việt

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp Việt làm điện thoại Việt

Tuyết Ân

Viettel đang sử dụng chính lợi thế của một mạng viễn thông vào việc phát triển thương hiệu điện thoại Việt. Ảnh: Lê Toàn.

(TBVTSG) – Dù còn nhiều bàn cãi về cách xây dựng thương hiệu, kinh doanh và đầu tư phát triển các dòng điện thoại di động như thế nào để có một thương hiệu Việt thật sự, nhưng trên thực tế những thiết bị này đã tạo được sự đột phá quan trọng trên thị trường.

Trên thị trường hiện nay có ít nhất 10 doanh nghiệp đang kinh doanh các dòng máy điện thoại di động theo thương hiệu riêng của mình. Những thương hiệu đã nhanh chóng trở nên quen thuộc như Q-Mobile của ABTel, F-Mobile của FPT, Mobistar của P&T, Avio của VinaPhone, Zik 3G của Viettel… Hoặc như Công ty Vũ Huy Hoàng sở hữu ba thương hiệu “Việt hóa” là Mobell, Cayon và K-Touch từ ba nhà cung cấp Thái Lan, Singapore và Trung Quốc. Sự quen thuộc của các sản phẩm này làm người tiêu dùng khi chọn mua có tâm lý không cần biết sản phẩm xuất xứ từ đâu mà tin rằng đó là sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam bán trên thị trường.

Từ nhà phân phối sang nhà phát triển thương hiệu

Sự thành công nhất định của một số nhà cung cấp đã thu hút nhiều doanh nghiệp khác bước chân vào khiến phân khúc thị trường này trở nên sôi động. Chỉ riêng trong năm ngoái đã có tới bốn nhà cung cấp mới cùng đầu tư vào lĩnh vực điện thoại di động là HiPT với Hi-Mobile, CMC với Bluefone, Hanel với thiết bị cùng tên và Digiworld góp vốn vào sản xuất Mobistar bên cạnh nhà đầu tư ban đầu là P&T.

Một trường hợp đặc biệt có thể kể đến là tập đoàn Thuận Phát với dự án xây dựng nhà máy sản xuất bo mạch điện tử và điện thoại di động với vốn đầu tư được công bố 70 triệu đô-la Mỹ. Từ giữa năm ngoái thương hiệu P-Phone của Thuận Phát đã ra mắt thị trường. Mặc dù cần phải có thời gian để nhận định việc đầu tư của doanh nghiệp này sẽ mang lại kết quả thành công hay không nhưng động thái kể trên cũng đã phản ánh kỳ vọng của họ vào thị trường trong nước là đủ lớn để đi đến quyết định đầu tư dài hạn. Đây cũng là bước chuyển của Thuận Phát nhằm tận dụng hàng chục năm kinh nghiệm trên thị trường với vai trò là nhà phân phối của hầu hết các thương hiệu điện thoại tên tuổi như Nokia, Motorola, Sony Ericssons…

Còn nhớ sau thời gian dài các thương hiệu lớn “thống trị” thị trường và việc chỉ định nhà phân phối mang tính chọn lọc khắt khe, các thương hiệu Trung Quốc bắt đầu tràn vào thị trường và chiếm lĩnh thị phần nhanh chóng. Tuy nhiên, do thiếu các chế độ hậu mãi và dịch vụ thân thiện nên người tiêu dùng đã quay lưng với các dòng máy Trung Quốc. Đó cũng là thời điểm các doanh nghiệp trong nước nhìn ra cơ hội và nhanh chóng chuyển từ hoạt động mua bán thuần túy sang chọn lọc sản phẩm, tìm kiếm đối tác uy tín từ Trung Quốc để đưa hàng vào thị trường bằng thương hiệu của mình. Bên cạnh lợi thế là mẫu mã đa dạng và giá rẻ, các thương hiệu “Việt hóa” này còn cung cấp các dịch vụ hậu mãi linh hoạt và kịp thời và đã nhanh chóng thiết lập vị trí trên thị trường.

Nhìn chung, các doanh nghiệp phát triển thương hiệu điện thoại riêng ở trong nước xuất phát từ hai phân khúc: là các nhà phân phối sản phẩm cho các hãng nước ngoài và có khá nhiều kinh nghiệm về thị trường nội địa; hoặc là các nhà cung cấp dịch vụ và hạ tầng trong lĩnh vực viễn thông, CNTT đang nỗ lực tận dụng lợi thế của mình để cung cấp các giải pháp, dịch vụ ứng dụng di động đang là xu hướng chứ không đơn thuần là thiết bị.

Q-Mobile là một trong những thương hiệu điện thoại Việt được đánh giá có phương thức kinh doanh khá nhạy bén. Ảnh: Thu Hiền.

Chọn lựa hướng đi

Theo số liệu của Trung tâm Thông tin thương mại, Bộ Công Thương, trong năm 2010, thị trường Việt Nam nhập khẩu hơn 17 triệu chiếc điện thoại di động với kim ngạch gần 1 tỷ đô-la Mỹ. Trong đó, 80% máy điện thoại bán ra trong năm ngoái nằm ở phân khúc từ 2 triệu đồng trở xuống. Những dự báo cho thấy thị trường năm 2011 sẽ tăng trưởng khoảng 10%, trong đó phân khúc giá thấp nói trên vẫn chiếm ưu thế. Điều này đồng nghĩa với việc cơ hội kinh doanh vẫn đang rộng mở cho các doanh nghiệp cạnh tranh trong phân khúc này để tiếp tục khẳng định vị trí trên thị trường.

Điểm lại trong quá khứ, cho đến năm 2007 vẫn chưa có thương hiệu Việt nào thành công nổi bật, nhiều doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức này đã bỏ cuộc vì vị trí thống lĩnh của Nokia và các hãng nước ngoài khác trên thị trường. Tuy nhiên, việc chuyển hướng đúng thời điểm đã giúp ABTel – vốn là nhà phân phối các thương hiệu Dopod, HTC – đưa Q-Mobile ra thị trường thành công. Từ năm 2009, Q-Mobile bắt đầu vươn lên vị trí thứ hai về thị phần, chỉ xếp sau Nokia và năm ngoái đã chiếm đến 20% thị phần về số lượng máy bán ra.

Có thể nói, thương hiệu Q-Mobile thành công nhờ sự đột phá và phương thức kinh doanh khá nhạy bén, với các dòng máy nhắm đến khách hàng có thu nhập thấp (giá máy từ 500.000 đến 1 triệu đồng), mẫu mã máy đa dạng và có nhiều tính năng, sử dụng được hai thẻ SIM cho hai sóng điện thoại khác nhau. Bên cạnh đó là chiến lược tiếp thị nhắm đến phân khúc hẹp phù hợp với khả năng của một doanh nghiệp chưa có nhiều thâm niên trên thị trường công nghệ.

Nếu xét ở phân khúc máy có giá nhập khẩu dưới 50 đô-la Mỹ thì vào năm ngoái Việt Nam đã nhập 12,3 triệu chiếc, trong đó Nokia dẫn đầu với hơn 19%, Q-Mobile với gần 10%, các thương hiệu Việt khác cùng nhau chia sẻ thị phần còn lại. Đến nay Q-Mobile bắt đầu nhắm vào khai thác dòng máy có tính năng cao cấp hơn và cũng khá thành công trong phân khúc máy có giá từ 1,5-2 triệu đồng. Cách thức cạnh tranh của Q-Mobile là tránh đối đầu với các thương hiệu lớn, kế đó là tìm kiếm thị phần ở phân khúc có đông đảo người sử dụng trước khi đủ khả năng phát triển ở tầm cao hơn. Hầu hết các nhà cung cấp trong nước khác hiện cũng đang đưa sản phẩm ra thị trường xoay quanh mức giá này và góp phần vào độ rộng của thị trường “điện thoại Việt”.

Kỳ vọng một thị trường sôi động hơn

Nếu tính trên toàn thị trường, tổng số lượng điện thoại các thương hiệu Việt được tiêu thụ trong năm ngoái chiếm khoảng 50% thị phần và tỷ lệ này đang tăng lên. Trong các dòng máy có giá nhập khẩu từ 50-100 đô-la Mỹ/chiếc thì Việt Nam đã nhập khẩu hơn 2,6 triệu máy. Các thương hiệu Việt cũng khai thác khá thành công phân khúc sản phẩm này, mặc dù có sự cạnh tranh gay gắt từ LG và Alcatel. Đây là phân khúc thị trường có mức tăng trưởng cao nhất, hơn 60% trong năm ngoái và dự kiến tiếp tục đột phá trong năm nay. Các doanh nghiệp đều đang kỳ vọng vào cơ sở trên để thúc đầy các giải pháp giúp tăng doanh thu. Dự báo, đây cũng là phân khúc có mức độ cạnh tranh sôi nổi nhất.

Một gương mặt khác là F-Mobile cũng có tốc độ tăng trưởng đáng kể, với số lượng nhập khẩu tăng từ 320.000 máy của năm 2009 lên 1,2 triệu máy trong năm qua, chiếm 7% thị phần. Nhà cung cấp này sau thời gian ngắn tung sản phẩm ra thị trường cũng gặt hái những kết quả nhất định. Đáng chú ý là sự tập trung đầu tư vào kho dịch vụ phần mềm trên điện thoại di động F-Store của FPT, dù chưa mang tính đột phá nhưng cũng đặt nền tảng cho xu hướng ứng dụng hiện nay.

Nhìn thấy tiềm năng của thị trường, các mạng viễn thông như Viettel, VinaPhone cũng đã nỗ lực tạo ra sản phẩm riêng của mình. Hai doanh nghiệp này đã sử dụng chính lợi thế của mình để vươn lên. Cả hai đã đưa ra thị trường một số dòng máy riêng biệt. Cụ thể, Viettel với Zik 3G có màn hình cảm ứng, chạy các hệ điều hành phổ biến như Android, Brew, dịch vụ tốc độ cao, có thể truy cập kho ứng dụng Mstore.vn kèm theo gói cước khuyến mãi. VinaPhone trước đây kết hợp với các nhà cung cấp như Nokia, Samsung, Western Telecom thì nay kết hợp với người anh em Vinacap (cùng trực thuộc VNPT) cho ra dòng máy Avio với số lượng nhập khẩu năm 2010 là hơn 750.000 chiếc. Chỉ riêng dòng máy sử dụng hai thẻ SIM cho bộ hòa mạng Alo, VinaPhone đã nhập về đến 700.000 điện thoại hồi năm ngoái.

Nói đi cũng phải nói lại, Nokia vẫn là nhà cung ứng đáp ứng được nhiều phân khúc thị trường, những dòng máy như Nokia 1202, 1280 vẫn đang có thị phần dẫn đầu với khoảng cách khá lớn với nhà cung ứng kế tiếp. Điều này cho thấy phân khúc sản phẩm giá thấp vẫn sẽ là “mảnh đất” có sự cạnh tranh sôi nổi trong năm nay. Trong giai đoạn ngắn hạn, đây vẫn là thị trường chính của các thương hiệu trong nước trước khi họ có đủ thời gian và năng lực đầu tư vào các dòng máy mang hàm lượng chất xám cao.

Trong chính sách phát triển ngành viễn thông và CNTT, Việt Nam đang có chủ trương thúc đẩy các doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển thiết bị đầu cuối cho thị trường trong nước. Điều này còn tùy thuộc vào năng lực và khát vọng của chính doanh nghiệp. Tuy nhiên, những kết quả ban đầu trong việc làm thương hiệu cho thấy doanh nghiệp nội địa có thể đặt ra những kỳ vọng cao hơn, dựa vào nhu cầu và cả áp lực khi khai thác thị trường.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới