Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp Việt ứng phó với chiến tranh thương mại

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp Việt ứng phó với chiến tranh thương mại

Thùy Dung

(SGTT) – Doanh nghiệp nội có thể được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung trong ngắn hạn nhưng trong dài hạn có rất nhiều rủi ro nếu không có những kế hoạch chuẩn bị bài bản.

Để tận dụng được cơ hội của chiến tranh thương mại

Chiến tranh thương mại: Không nên tận dụng cơ hội chỉ để “kiếm ăn vặt”

Doanh nghiệp Việt ứng phó với chiến tranh thương mại
Công nhân một nhà máy sản xuất gỗ tại tỉnh Bình Dương gấp rút hoàn tất đơn hàng xuất đi Mỹ. Ảnh: Thuỳ Dung

Một số tác động tích cực

Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương, giám đốc một công ty chế biến gỗ tại tỉnh Đồng Nai, cho hay cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang tác động khá tích cực tới hoạt động của công ty.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam không chỉ trong ngành chế biến gỗ, mà hầu hết các mặt hàng xuất khẩu khác. Trong khi Việt Nam lại nhập khẩu lớn từ thị trường Trung Quốc, phần lớn là nguyên liệu. “Do đó, đây là thời điểm thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam nói chung. Năm nay, dự kiến doanh thu của công ty sẽ tăng khoảng 10%”, ông nói.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết cuộc chiến tranh thương mại sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam khi hàng hóa của Trung Quốc bị áp thuế cao tại thị trường này. Đây là khoảng trống cho những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh. Cơ hội có thể đến với các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang sản xuất các sản phẩm sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc khi chi phí đầu vào rẻ hơn.

Song, bà Trang nhấn mạnh, Trung Quốc sẽ không bỏ trống thị trường Mỹ và nếu bị áp thuế cao, hàng hóa của họ chỉ đắt hơn chứ không có nghĩa là không thể cạnh tranh với hàng hóa của các nước khác. “Đây là cơ hội tốt cho Việt Nam, nhưng cơ hội cũng chỉ dừng ở mức nhất định”, bà Trang nói.

Theo quan sát của bà, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ trong 2017-2018 tăng nhanh hơn bao giờ hết, kể cả khi đã bị áp thuế trong thời gian gần đây. Theo số liệu của cơ quan hải quan Trung Quốc công bố ngày 8-11, trong tháng 10/2018, lượng hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ tăng 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng so với mức 14,5% ghi nhận trong một tháng trước đó.

Tác động tích cực khó kéo dài

Đối với ngành thép, ông Võ Minh Nhựt, Tổng giám đốc NS BlueScope Việt Nam, cho hay Mỹ hàng năm vẫn phải nhập khẩu khoảng 29 tỉ đô la Mỹ thép nhưng không phải chủ yếu từ thị trường Trung Quốc, mà từ Canada, Hàn Quốc…

Trung Quốc chủ yếu xuất khẩu thép sang các thị trường như Hàn Quốc, Việt Nam, Philippines, Ấn Độ và Thái Lan. Theo ông Nhựt, lý do Trung Quốc là nước xuất khẩu thép lớn nhất thế giới nhưng lại không chú trọng xuất khẩu thép vào Hoa Kỳ là do năm 2015 chính phủ Hoa Kỳ đã áp dụng hai mức thuế vào hàng thép Trung Quốc là thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với tổng mức lên tới khoảng 450%.

Thực tế, trong hai năm qua đã có khoảng 100 vụ kiện thương mại liên quan tới ngành thép. Và điều này rất có thể gây ảnh hưởng tới ngành thép Việt Nam trong thời gian tới. Các mặt hàng thép xuất khẩu từ Việt Nam vào Mỹ có thể bị chính phủ nước này đặt nghi vấn và điều tra xuất xứ liệu có phải là thép từ Trung Quốc. Không chỉ có Mỹ, hiện nay Liên minh châu Âu cũng đang điều tra phá giá đối với thép nhập vào liên minh này. Malaysia, Canada cũng đang điều tra chống bán phá giá thép từ Trung Quốc và Việt Nam.

Đồng tình với lo ngại trên, bà Trang cho hay, cuộc chiến tranh thương mại này không chỉ tác động đến Trung Quốc mà còn ảnh hưởng các nước khác, trong đó “có thể có” Việt Nam.

Giải pháp cho doanh nghiệp

Hiện nay, Mỹ là thị trường lớn và còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp Việt Nam tăng xuất khẩu hàng hóa. Để tăng cường xuất khẩu sang thị trường này, theo ông Điền Quang Hiệp, doanh nghiệp cần đảm bảo ba nguyên tắc: tính hệ thống, tính nguyên tắc, sự tuân thủ.

Mỹ buộc tất cả các quốc gia xuất khẩu vào nước họ phải tuân thủ tất cả quy định của họ và của nước xuất khẩu. Hàng năm, các doanh nghiệp Mỹ tới kiểm tra nhà máy, các quy định liên quan tới lao động như doanh nghiệp không được dùng lao động trẻ em dưới 17 tuổi, tiêu chuẩn quản lý, tiêu chuẩn vệ sinh…

Bên cạnh đó, theo ông Hiệp, điểm yếu của doanh nghiệp gỗ nói riêng và doanh nghiệp Việt Nam nói chung là thiếu sự liên kết. Ví dụ, riêng với ngành gỗ, nếu doanh nghiệp vừa làm bàn, ghế, giường, tủ sẽ không hiệu quả bằng việc mỗi doanh nghiệp làm một công đoạn khác nhau. Và dù ngành gỗ đã xin được giấy phép thành lập khu công nghiệp chuyên cho ngành gỗ để các doanh nghiệp trong nội khu có thể liên kết được với nhau nhưng vẫn còn vướng mắc liên quan tới quỹ đất sạch để xây khu công nghiệp.

Ông Võ Minh Nhựt cho biết công ty của ông đang cố gắng tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm bằng cách giới thiệu công nghệ đột phá và các dòng sản phẩm mới. Trong đó, sản phẩm sẽ tập trung vào xu hướng công nghệ xanh để có hướng đi khác biệt. Để tránh bị ảnh hưởng bởi các quy định áp thuế, công ty cũng đa dạng các sản phẩm xuất khẩu, tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới và tiềm năng như châu Phi, Caribê và Nam Mỹ.

Đưa ra lời khuyên trong bối cảnh mới, bà Trang cho rằng doanh nghiệp sản xuất nên theo dõi tình hình để có ứng xử kịp thời với từng biến động. Doanh nghiệp cũng nên tìm hiểu rõ cơ hội ở đâu, dành cho mặt hàng nào, cơ hội ra sao, đồng thời chú trọng thị trường ngách.

Vị trí đặt bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới