Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp xã hội trỗi dậy ở châu Á

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp xã hội trỗi dậy ở châu Á

Chánh Tài

Doanh nghiệp xã hội trỗi dậy ở châu Á
Devi Shetty từng là bác sĩ riêng cho Mẹ Teresa, người đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 1979 đã xây dựng chuỗi bệnh viện hoạt động theo hướng doanh nghiệp xã hội.

(SGTT) – Xu hướng doanh nghiệp xã hội (social enterprise) đang trỗi dậy ở châu Á khi ngày càng có nhiều công ty trong khu vực hướng hoạt động kinh doanh đến các mục tiêu mang tính xã hội, thay vì tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông hoặc chủ sở hữu.

Phục vụ người nghèo

Ngoài vai trò là người sáng lập kiêm chủ tịch chuỗi bệnh viện Narayana Health có trụ sở thành phố Bangalore (Ấn Độ), bác sĩ Devi Shetty, 64 tuổi, còn trực tiếp thực hiện các ca phẫu thuật tim hàng ngày khoa tim mạch của bệnh viện này, theo tờ Nikkei Asian Review.

Bác sĩ Shetty từng làm bác sĩ riêng cho Mẹ Teresa, người đoạt giải Nobel Hòa Bình vào năm 1979 và nổi tiếng toàn cầu với các hoạt động nhân đạo trợ giúp người nghèo, bệnh nhân và những người lâm vào hoàn cảnh tuyệt vọng.

Quá trình làm việc với Mẹ Teresa đã truyền cảm hứng cho Shetty về ý tưởng xây dựng chuỗi bệnh viện riêng để điều trị những người dân Ấn Độ không có khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế cao cấp.

Shetty thành lập Narayana Health vào năm 2000 và kể từ đó, các bệnh viện của ông đã điều trị cho hàng trăm nghìn người nghèo bị bệnh tim. Các trung tâm tim mạch của Narayana Health giảm giá các ca phẫu thuật bắc cầu động mạch vành xuống mức rất thấp, chỉ 100.000 rupee (1.500 đô la Mỹ), chỉ bằng 1/10 so với chi phí ở Mỹ. Hợp tác với các chính quyền địa phương, Narayana Health tiên phong tham gia chương trình bảo hiểm y tế phí thấp, giúp những bệnh nhân nghèo.

Narayana Health giải quyết một lỗ hổng lớn trong dịch vụ chăm sóc y tế ở Ấn Độ, nơi hàng triệu bệnh nhân thu nhập thấp không được tiếp cận đầy đủ các ca điều trị đắt đỏ chẳng hạn phẫu thuật tim. Dịch vụ y tế cơ bản, giá rẻ của chuỗi bệnh viện này đã thu hút bệnh nhân trong nước lẫn nước ngoài. Narayana Health đang quản lý 24 bệnh viện với 7.000 giường ở Ấn Độ và quần đảo Cayman (lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh) và tính đến tháng 3-2017, đã thực hiện 16.000 ca phẫu thuật tim.

Tất cả thông tin trên khiến mọi người dễ lầm tưởng Narayana Health là một công ty y tế được sự hỗ trợ của nhà nước hoặc là một tổ chức từ thiện. Tuy nhiên, thực tế, Narayana Health là một công ty đại chúng được nhiều nhà đầu tư lớn rót vốn bao gồm ngân hàng JP Morgan (Mỹ).

Sau khi niêm yết cổ phiếu vào năm 2016, vốn hóa thị trường của Narayana Health đã chạm mốc một tỉ đô la Mỹ. Báo cáo tài chính của Narayana Health trong năm đầu tiên với tư cách là công ty niêm yết cho thấy lợi nhuận và doanh thu đều tăng trưởng.

Thành công của Narayana Health chủ yếu nhờ giảm thiểu chi phí hoạt động bằng nhiều cách chẳng hạn như xây dựng các phòng có sức chứa nhiều bệnh nhân và tăng hiệu quả của quy trình phẫu thuật để Shetty và các đồng nghiệp có thể thực hiện ít nhất một đến hai ca phẫu thuật tim mỗi ngày.

Bản thân bác sĩ Shetty nhiều khi thăm khám cho 100 bệnh nhân trong suốt 14-16 giờ mỗi ngày. Số lượng bệnh nhân đông cho phép các bác sĩ trẻ tích lũy kinh nghiệm và nâng cao kỹ năng nhanh chóng, khiến Narayana Health trở thành nơi được nhiều bác sĩ lựa chọn làm việc. Ngoài ra, Narayana Health cũng có các dịch vụ cao cấp phục vụ bệnh nhân giàu chẳng hạn như phòng bệnh có trang bị tivi.

Narayana Health chỉ là một ví dụ của các doanh nghiệp xã hội đang phát triển của châu Á, tức những công ty đo mức độ thành công của họ không chỉ bằng lợi nhuận kiếm được là còn những điều tốt họ mang lại cho xã hội.

Tạo lập giá trị chung

Chất xúc tác cho sự phát triển của tinh thần doanh nghiệp xã hội toàn cầu là sự trỗi dậy của khái niệm “tạo lập giá trị chung” (CSV- creating shared value) mà giáo sư Michael Porter của Đại học Harvard đưa ra vào năm 2011. Khái niệm này cho rằng, công ty nhắm đến mục đích cải thiện xã hội sẽ tồn tại bền vững và có lợi nhuận trong dài hạn hơn là những công ty chỉ chú trọng tạo ra lợi nhuận cho các cổ đông.

Ý tưởng này của ông dường dư quá cấp tiến nếu như không muốn nói là điều không tưởng đối với nhiều hội đồng quản trị của các công ty. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy khái niệm CSV đang lan tỏa ở châu Á dù chỉ mới ở quy mô nhỏ. Ashoka, một tổ chức hỗ trợ phát triển doanh nghiệp xã hội đang có 2.962 hội viên trên toàn cầu, trong đó có 800 hội viên đến từ châu Á.

Khái niệm doanh nghiệp xã hội không xa lạ ở châu Á. Tại Nhật Bản, mô hình doanh nghiệp hướng đến mục tiêu mang lợi ích đến cho ba bên: người bán, người mua và xã hội đã tồn tại từ thế kỷ 17. Tuy nhiên, liệu khái niệm này có thâm nhập sâu vào đời sống doanh nghiệp toàn cầu hay không vẫn còn là một câu hỏi. Một số học giả cho rằng khái niệm CSV quá lý tưởng và không chú trọng nhiều đến các vấn đề thực tế mà các doanh nghiệp đang đối mặt.

Song có một thực tế là ngày càng có nhiều các công ty, đặc biệt là các công ty lớn, vốn bị dư luận chú ý, đang nỗ lực thích ứng với khái niệm CSV và đang tạo ra sự thay đổi thực sự trên thế giới như giảm hiệu ứng khí nhà kính, tăng cơ hội kinh tế và nâng cao sức khỏe cho người dân. Châu Á có nhiều vấn đề cần sự chung tay giải quyết của doanh nghiệp xã hội như nghèo đói, phát triển nông thôn, cải thiện đời sống phụ nữ, quản lý chất thải vì một mình nhà nước không thể kham nổi.

Tại Việt Nam, Công ty chuyển giao công nghệ và dịch vụ y tế (MTTS) được nữ doanh nhân Trang Tuyết Ngà thành lập vào năm 2004 sau khi người phụ nữ này chứng kiến nhiều em bé mới sinh tử vong tại các bệnh viện chỉ vì thiếu các thiết bị cần thiết. MTTS bán các thiết bị y tế với giá hợp lý để các bệnh viện địa phương trang bị chúng cho các phòng chăm sóc tích cực cho trẻ sơ sinh.

Hiện nay, các thiết bị của MTTS đã có mặt ở nhiều bệnh viện ở miền Bắc và được bán ra cho 350 bệnh viện ở 25 nước châu Á và châu Phi. MTTS được Quỹ Schwab vì tinh thần doanh nghiệp xã hội (Thụy Sĩ vinh danh là “Doanh nghiệp xã hội của năm 2017” vì hỗ trợ chăm sóc và cứu sống 1,3 triệu trẻ em kể từ lúc thành lập, bao gồm 75.000 trẻ vào năm 2016.

Mời xem thêm

Để vốn chảy vào doanh nghiệp xã hội

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới