Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp xã hội trước vực thẳm Covid-19

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp xã hội trước vực thẳm Covid-19

Ngọc Hùng

(TBKTSG Online) – Cô Phương Briers, một doanh nhân người Úc đã có 10 năm sống và làm việc tại Việt Nam, đang trải qua giai đoạn gian khó trong cuộc đời cũng như chuyện kinh doanh của mình. Vị nữ giám đốc có cái tên thuần Việt này đã phải đưa ra quyết định đóng cửa doanh nghiệp xã hội Bright Solutions ở TPHCM vào tháng 6, bởi không thể tiếp tục trụ lại trước sự tàn phá của "cơn bão" Covid-19.

Doanh nghiệp xã hội: Đừng nản lòng trên hành trình hậu Covid-19

Khi Bright Solutions kết thúc sứ mệnh của mình – tạo công ăn việc làm, đào tạo nghề cho những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn và trình độ học vấn thấp, có nghĩa là một loạt phụ nữ nghèo mất đi kế sinh nhai. Một trong những trường hợp cô Phương Briers lo lắng nhất là nhân viên tạp vụ đã lớn tuổi của công ty, cũng là trụ cột tài chính của gia đình bởi người chồng của bà thường xuyên đau ốm.

 

Doanh nghiệp xã hội trước vực thẳm Covid-19
Công nhân đang làm việc tại doanh nghiệp xã hội Mekong Quilts. Ảnh: DNCC

Khi khởi nghiệp với cái tên Bright Solutions, nữ giám đốc điều hành quốc tịch Úc mong muốn tạo cơ hội cho những phụ nữ yếu thế có thể tiếp cận một tươi lai tươi sáng, nhưng dưới sự tác động của Covid-19, doanh nghiệp của cô Phương Briers lại rơi vào bế tắc, không tìm được giải pháp nào để tiếp tục duy trì hoạt động.

Cô cho biết, sản phẩm của công ty là đồ thủ công, khách hàng chủ yếu là du khách nước ngoài. Từ khi Covid-19 bùng phát trên toàn cầu kéo theo sự đóng cửa của các nền kinh tế với nhau, ngành du lịch đóng băng. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam gần như giảm về con số zero, đồng nghĩa với điều này, các sản phẩm dành cho du lịch không còn kênh tiêu thụ. Chi phí tăng cao trong khi không có nguồn thu, cô Phương Briers phải tính đến chuyện thanh lý sản phẩm và đóng cửa doanh nghiệp

Câu chuyện của Bright Solutions không phải là trường hợp duy nhất.

Trao đổi với người viết bài, ông Bernard Kervyn, Giám đốc Mekong Quilts, một doanh nghiệp xã hội cũng ở TPHCM cho biết, lâu nay, phần lớn doanh thu doanh nghiệp đều dựa vào việc bán hàng cho khách du lịch, nhưng do ảnh hưởng của Covid-19, việc duy trì hoạt động bình thường của doanh nghiệp vào lúc này là một trong những thử thách rất lớn đối với doanh nhân người Pháp này.

Vì thế, dù không hề muốn và để Mekong Quilts không rơi vào tình huống xấu nhất, ông đưa ra một quyết định khó khăn nhất trong đời mình là cắt giảm 50% nhân sự. Song, điều bất ngờ khiến người đàn ông Pháp có 27 năm sống ở Việt Nam lại càng thêm yêu mảnh đất này khi nhân viên được ở lại công ty đã đồng ý chia sẻ 50% công việc cho những đồng nghiệp nằm trong danh sách bị cắt giảm. “Sự kiên cường, đùm bọc và đoàn kết là những gì tôi cảm nhận được. Tôi rất trân trọng và tự hào khi được làm việc với một đội ngũ như vậy”, ông Bernard Kervyn viết trên trang Facebook cá nhân của mình.

Ông Bernard Kervyn cũng không quên nói thêm, chính những hành động chia sẻ với nhau trong khó khăn khiến bản thân mình ngạc nhiên và có một ấn tượng sâu sắc với nhân viên của mình trong giai đoạn khó khăn này.

Tháng 3-2019, trong Báo cáo nghiên cứu hiện trạng doanh nghiệp xã hội (DNXH) tại Việt Nam của Hội đồng Anh cùng Tổ chức doanh nghiệp xã hội Vương quốc Anh và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố cho thấy, thời điểm đó, có 64% doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam tham gia khảo sát đã cho biết là hoạt động kinh doanh có lãi và chỉ có 10% doanh nghiệp là thua lỗ.

Nhưng một năm sau, trong khảo sát mới nhất của Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến Phục vụ cộng đồng (CSIP) liên quan đến các doanh nghiệp xã hội lại cho một bức tranh trái ngược. Cụ thể, kết quả khảo sát không mấy tích cực khi có 77% doanh nghiệp xã hội cho biết, Covid 19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng hoặc vô cùng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Kết quả của CSIP cho thấy, đa số các doanh nghiệp đang chịu tác động tiêu cực trong hoạt động bán hàng, bao gồm suy giảm doanh thu từ khách hàng hiện có với gần 77%; có 59% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc phát triển thị trường. Vì thế, doanh nghiệp gặp khủng hoảng trong duy trì dòng vốn lưu thông chi trả cho chi phí nhân sự, vận hành….

Theo CSIP, để có thể vượt qua khó khăn trong giai đoạn này, các doanh nghiệp xã hội mong muốn được Chính phủ miễn thuế, phí trong thời gian hoạt động sản xuất kinh doanh đóng băng, được vay vốn lãi suất thấp, được kết nối với các nguồn tài chính để có chính sách vay vốn ưu đãi trong lĩnh vực nông nghiệp, giảm thuế suất GTGT xuống 5%.

Cuộc khảo sát của CSIP thực hiện trong khoảng thời gian tuần cuối tháng 3 và kết thúc vào tuần thứ 2 của tháng 4-2020 với 78 doanh nghiệp xã hội tham gia khảo sát.

Theo Điều 10 của Luật Doanh nghiệp năm 2014, một doanh nghiệp được coi là doanh nghiệp xã hội khi được lập ra với mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng; sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký.

Doanh nghiệp xã hội (có lợi nhuận và không có lợi nhuận) giống với các doanh nghiệp khác vì đều tổ chức và quản lý dưới hình thức doanh nghiệp. Điểm khác biệt của doanh nghiệp xã hội là được thành lập ra để giải quyết các vấn đề tồn tại của xã hội như đói nghèo, ô nhiễm môi trường, bảo vệ trẻ em…

 

Mời xem thêm

Doanh nghiệp xã hội: Đừng nản lòng trên hành trình hậu Covid-19

Lúng túng định nghĩa doanh nghiệp xã hội

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới