Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp xoay xở trong áp lực chi phí vốn sản xuất tăng cao

Hùng Anh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Việc các ngân hàng thương mại liên tục tăng lãi suất tiền gửi để huy động tiền nhàn rỗi trong xã hội, đơn cử có ngân hàng đưa ra mức 8,8%/năm kỳ hạn 13 tháng, đã đẩy lãi suất cho vay bắt đầu tăng theo. Điều này càng làm tăng thêm nỗi lo và gánh nặng cho doanh nghiệp, người vay vốn kinh doanh trên con đường tìm vốn vay cho hoạt động sản xuất nhằm phục vụ mùa kinh doanh cuối năm.

Hoạt động sản xuất của một doanh nghiệp dệt may. Ảnh minh họa: TTXVN

Lãi suất huy động tăng kéo lãi suất cho vay lên mặt bằng mới

Tại một hội nghị gần đây về chủ đề vốn cho doanh nghiệp, chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho rằng lạm phát tại Việt Nam đang gia tăng, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng cố gắng giảm lãi suất để hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng nếu lạm phát tăng cao, thì mặt bằng lãi suất khó tiếp tục duy trì ở mức thấp như hiện nay, nhất là khi đồng đô la tăng gây áp lực lên tỷ giá.

Trên thực tế, việc các ngân hàng thương mại tăng lãi suất tiền gửi ngày càng cao cũng sẽ kéo theo tình trạng các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay.

Đại diện Ngân hàng Vietcombank – Chi nhánh Gò Vấp (TPHCM) cho biết lãi suất huy động tiền gửi cao cũng sẽ dẫn đến việc khách hàng cá nhân và doanh nghiệp chịu mức lãi suất vay vốn tăng lên. Một số ngân hàng cũng thông báo đến khách hàng việc tăng lãi suất cho vay, trung bình từ mức 6% mỗi năm lên 8-8,5% mỗi năm.

TTXVN dẫn lời các nhà phân tích của Công ty Chứng khoán Everest (EVS) cho rằng dưới áp lực tăng lãi suất toàn cầu và tỷ giá trong thời gian qua, mặt bằng lãi suất huy động đã nhích lên đáng kể so với đầu năm nay. Lãi suất cho vay của các ngân hàng vì thế đã tăng trong khoảng 30-70 điểm cơ bản từ đầu năm tới nay trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng nhanh.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo lãi suất cho vay chịu áp lực điều chỉnh tăng mạnh hơn trong nửa cuối năm 2022 và sang cả năm 2023 do dư địa tín dụng hạn hẹp, lãi suất huy động đã tăng khá nhiều và sẽ còn tăng tiếp trong nửa cuối năm, cùng với thanh khoản hệ thống không dồi dào do ưu tiên ổn định tỷ giá và kiềm chế lạm phát.

Phân tích của VDSC cho thấy các loại lãi suất trên thị trường đều đã tăng trừ lãi suất điều hành. Do lãi suất điều hành mang tính định hướng nên việc tăng mạnh lãi suất có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2023. Tuy nhiên, nếu kiềm giữ lãi suất điều hành thì áp lực từ bên ngoài vẫn rất lớn.

Doanh nghiệp xoay xở trong áp lực chi phí vốn tăng cao

Theo ghi nhận của KTSG Online, nhiều doanh nghiệp cho biết họ đã nhận thông báo tăng lãi suất từ đầu tháng 8, ở một số ngân hàng mà doanh nghiệp đang vay vốn, với mức tăng trong khoảng 0,7-1%/năm. Lãi suất tăng cũng đồng nghĩa với việc chi phí sản xuất tăng.

Ông Hồ Minh Toàn, Giám đốc Công ty Minh Toàn (TPHCM), một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu đồ nhựa gia dụng sang thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản, cho biết trong kế hoạch kinh doanh những tháng cuối năm 2022, doanh nghiệp sẽ vay tín chấp từ ngân hàng thương mại, mức lãi suất 7,5-8%/năm. Theo ông, đây là mức mà doanh nghiệp có thể chấp nhận được để có nguồn vốn phục vụ việc sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, vào đầu tháng, ngân hàng TPBank đã gửi thông báo từ ngày 9-9 sẽ tăng lãi suất cho vay từ 8,29-8,49%/năm, là lãi suất cho vay trung và dài hạn. Lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt đối với một đơn vị chuyên xuất khẩu như Minh Toàn, phải xoay xở toàn lực để cố gắng hoàn thành đơn hàng đã ký cùng đối tác nước ngoài.

Ông Hứa Trung Hòa, Phó giám đốc Công ty cổ phần Nam Việt (Bình Dương), chia sẻ đơn vị là doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyên về đồ sản xuất mỹ nghệ, sản phẩm bán chủ yếu trong thị trường nội địa. Việc vay vốn tín dụng từ ngân hàng để mua nguyên vật liệu và trả tiền nhân công là nhu cầu của doanh nghiệp.

Trước đây với việc vay vốn từ ngân hàng Shinhan Bank với lãi suất 7,8%/năm, doanh nghiệp đã phải nỗ lực gồng gánh chi phí. Hiện tại, đơn vị cũng vừa được phía ngân hàng thông báo lãi suất vay là 8,5% thời hạn trung và dài hạn, điều này sẽ khiến hoạt động sản xuất và kinh doanh thêm phần khó khăn vì chi phí vốn bị đội lên.

“Chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành những đơn hàng nào đã ký kết hợp đồng với khách hàng từ giờ đến cuối năm. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ thu hẹp lại kế hoạch sản xuất kinh doanh, giảm bớt nhân công. Nhiều thách thức như nguyên vật liệu thời gian tới có thể tăng cao, chi phí vận chuyển cũng tăng, trong khi doanh nghiệp tiếp tục sản xuất kinh doanh sẽ không có nhiều lợi nhuận”, ông Hòa bộc bạch.

Ở khía cạnh khác, nhiều doanh nghiệp bày tỏ, những tháng cuối năm là cơ hội kinh doanh nên việc tìm nguồn vốn từ quỹ tín dụng và các ngân hàng thương mại để lưu thông dòng tiền là điều cần thiết.

Ông Lê Thế Hải, Giám đốc Công ty TNHH Hải Đăng (TPHCM) chia sẻ kinh nghiệm trong nhiều năm qua, đó là nhu cầu của người dân trên địa bàn TPHCM về xây dựng nhà mới, chỉnh trang nội thất trong những tháng cuối năm là rất lớn. Doanh nghiệp tham gia các công trình xây dựng nhà, nhà phố nên nhu cầu về nguồn tiền đối ứng cho đối tác, tiền trả lương cho nhân công xây dựng rất cao. Thế nên, dù lãi suất vay vốn từ ngân hàng đã tăng lên 8,29%/năm thì công ty vẫn phải vay.

Ông Hải làm phép tính đơn giản, công ty vay 5 tỉ đồng của ngân hàng TPBank với lãi suất là 8,29%/năm, doanh nghiệp phải trả lãi suất mỗi tháng hơn 41 triệu đồng, trả lương nhân công hơn 100 triệu đồng, trả tiền cho các đối tác cung ứng vật liệu xây dựng khoảng 500 triệu đồng. Chi phí tăng cao, nhưng ở khía cạnh tích cực, công ty sẽ có nguồn vốn lưu thông, từ đó có năng lực nhận thầu thêm nhiều công trình xây dựng dân dụng.

Trong 3 tháng nước rút cuối năm, công ty Hải Đăng nhận thầu 3 công trỉnh xây dựng nhà phố, trừ chi phí, lợi nhuận mỗi công trình thu về 200-300 triệu đồng. Ông Hải lạc quan hy vọng rằng với một doanh nghiệp quy mô nhỏ, việc có nguồn vốn đưa vào sản xuất – kinh doanh cũng là cơ hội để doanh nghiệp có doanh thu và tái cấu trúc công ty.

Bà Phạm Thị Vân, Chủ cơ sở nước mắm truyền thống Tùng Vân, huyện Vĩnh Linh tỉnh Quảng Trị cho biết, những tháng cuối năm là cơ hội làm ăn của các làng nghề, cơ sở nước mắm tại Quảng Trị. Có những lúc cơ sở cũng thiếu vốn phải vay quỹ tín dụng, hay vay từ ngân hàng VIB với lãi suất 7,5% để mua cá cơm về làm nước mắm.

Lãi suất ngân hàng những tháng cuối năm tăng cao, nhưng giờ đang là mùa đắt hàng nhất trong năm nên nếu không chớp thời cơ thì không kịp mua nguyên liệu. Mùa cá cơm thường bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 8 âm lịch, việc thu mua nguyên liệu làm nước mắm hết sức quan trọng đối với các cơ sở nước mắm, bà Vân chia sẻ.

Cơ sở nước mắm Tùng Vân quy mô nhỏ, việc vay vốn để mua nguyên vật liệu cũng không nhiều, khoảng 300-500 triệu đồng mỗi đợt. Nhưng để ủ nguồn nguyên liệu từ cá, thành mắm và phơi nắng, phải mất thời gian khoảng 1 năm, nên thời gian đọng vốn lớn, cho mùa cuối năm nhu cầu vay vốn ngân hàng với lãi suất cao hơn là không thể dừng lại. Vì uy tín thương hiệu, cơ sở không tăng giá bán, 120.000 đồng cho 1 lít nước mắm truyền thống, nên không lời nhiều, chỉ đủ chi phí và một chút ít lợi nhuận lo mùa vụ năm sau.

Một số chuyên gia phân tích, trong tình hình khó khăn hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã không dám mạnh tay vay vốn từ các ngân hàng thương mại để sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp chấp nhận vay vốn với lãi suất cao hơn trước đây để có vốn lưu thông cho mùa kinh doanh cuối năm và Tết Nguyên đán 2023. Đây là một thử thách, và doanh nghiệp nào có sự nỗ lực và quyết tâm, quản trị tốt, tiết kiệm chi phí, nắm bắt cơ hội sẽ tồn tại và phát triển.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới