Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp xuất khẩu đau đầu vì các quy định khác nhau đối với chất phụ gia

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp xuất khẩu đau đầu vì các quy định khác nhau đối với chất phụ gia

Nam Bình

(TBKTSG Online) – Nhật Bản vừa cho phép sử dụng chất phụ gia axit Benzoic trong tương ớt, trong khi Mỹ lại đưa thêm vào danh sách các loại phụ gia thực phẩm không được phép sử dụng thêm bảy loại nữa, có hiệu lực từ tháng 1-2021. Loại phụ gia này được cho phép dùng ở thị trường này nhưng chưa chắc được phép dùng ở một thị trường khác là câu chuyện làm các nhà sản xuất thực phẩm để xuất khẩu toàn cầu nhức đầu vì nhiều khi không kịp trở tay với các quy định mới. 

Quy định sử dụng phụ gia thực phẩm mỗi nơi một khác

Mới đây, một lô hàng bánh ngọt Việt Nam xuất khẩu vào Úc bị cơ quan chức năng nước này phát hiện có chất tạo màu E131, là một phụ gia thực phẩm bị cấm sử dụng tại nước này. Dù không phải là vụ việc lớn, gây chú ý nhưng cũng là lời nhắc nhở cho doanh nghiệp trong việc tìm hiểu kỹ các quy định về an toàn thực phẩm của các nước khi xuất khẩu sản phẩm.

Trao đổi với TBKTSG Online, bà Trần Việt Nga – Phó cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) – cho biết, tùy thuộc vào mỗi quốc gia, các quy định sử dụng phụ gia thực phẩm cũng sẽ khác nhau, dựa trên cơ sở thói quen sử dụng sản phẩm, công nghệ sản xuất.

Do đó, không loại trừ việc một chất được chấp nhận tại quốc gia này nhưng không được chấp nhận ở quốc gia khác. Ngay cả khi cùng cho phép sử dụng trong chế biến thực phẩm nhưng tại mỗi nước có thể có các điều khoản quy định khác nhau về hàm lượng sử dụng hoặc đối tượng sử dụng.

Như vụ việc xảy ra với nước tương Chin-su hồi giữa năm 2019. Thời điểm đó, Nhật Bản chỉ cho phép sử dụng Axit Benzoic (một chất bảo quản) trong nước tương, nước ngọt, syrup… mà không cho phép sử dụng trong sản phẩm tương ớt đã khiến lô 18.000 chai tương ớt Chin-su nhập khẩu từ Việt Nam bị thu hồi tại thị trường này.

Trong khi đó, Axit Benzoic là phụ gia thực phẩm (chống nấm mốc) được Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) cho phép sử dụng mà Việt Nam và Nhật Bản đều là thành viên của Codex. Các nước khác như Mỹ, Úc, Cananda… cũng cho phép sử dụng dựa theo tiêu chuẩn chung của Codex. Đến nay, phía Nhật Bản cũng đã cho phép loại phụ gia này được sử dụng trong tương ớt.

Doanh nghiệp xuất khẩu đau đầu vì các quy định khác nhau đối với chất phụ gia
Chất tạo màu được sử dụng trong sản xuất thực phẩm để tăng giá trị cảm quan cho sản phẩm. Ảnh minh họa: DVC.

Trong một bài viết đăng trên trang web của Viện Y học ứng dụng Việt Nam, BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, Phó tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam cũng thông tin, một số phụ gia đang bị hầu hết các nước cấm sử dụng trong thực phẩm hiện nay như E103, E105, E111, E121, E125, E126, E130, E152…

Các loại phụ gia này cũng được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) xác định độc hại hoặc nghi ngờ độc hại. Một số phụ gia được xác định là có thể gây ra các khối u ác tính như E103, E105, E121, E123, E125, E126, E130, E131, E142, E152, E210, E211, E213-217, E240, E330, E447…

Tải “app” để tra thông tin

Theo bà Nga, mỗi quốc gia trên thế giới có quy định cụ thể riêng về danh sách các chất phụ gia được phép sử dụng và liều lượng cụ thể. Rất khó cho doanh nghiệp để cùng lúc nắm vững tất cả thông tin các hoạt chất được cho phép sử dụng ở nhiều quốc gia khác nhau.

Do đó, các doanh nghiệp cần có chuyên gia tư vấn hoặc nhân sự phụ trách tìm hiểu kỹ các quy định trước khi xuất khẩu hàng hóa. Thương vụ Việt Nam tại một số nước hiện cũng đã triển khai các ứng dụng (app) để cung cấp thông tin về luật nước sở tại cho doanh nghiệp.

Tại Việt Nam, danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm quy định theo Thông tư số 24 ngày 30-8-2019 của Bộ Y tế, quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm.

Đối với hàng hóa xuất khẩu, theo quy định tại điều 41 Luật An toàn Thực phẩm về điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm xuất khẩu, hàng hóa phải đáp ứng các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của Việt Nam và phù hợp với quy định về an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu theo hợp đồng hoặc điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế thừa nhận lẫn nhau.

Tại thị trường Úc, ông Nguyễn Phú Hòa, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Úc, cho rằng đây là thị trường khắt khe với các quy định rất chặt chẽ trong hệ thống luật pháp về an toàn thực phẩm. Nhiều trường hợp doanh nghiệp chỉ vượt mức hàm lượng cho phép "một chút xíu" nhưng vẫn phải chịu hậu quả gây thiệt hại, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh thương mại ngày càng gia tăng và khó lường như hiện nay. Như vụ việc lô hàng bánh ngọt của Việt Nam bị cảnh báo vì có sử dụng E131 trong tháng 12-2020, có thể do doanh nghiệp đã không nghiên cứu kỹ các quy định của nước nhập khẩu. 

Mỗi năm, có nhiều lô hàng xuất khẩu bị cảnh cáo do phát hiện chất phụ gia ngoài danh mục được phép sử dụng do doanh nghiệp không cập nhật hoặc cập nhật không đầy đủ các quy định của nước nhập khẩu. Ảnh minh họa: DVC.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Úc, các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu vào Úc chịu sự quản lý của Luật Kiểm soát Thực phẩm Nhập khẩu năm 1992 (Imported Food Control) và Bộ Luật Tiêu chuẩn Thực phẩm Úc và New Zealand (Australian and New Zealand Food Standard Code).

Doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường này cũng có thể tra các thông tin pháp luật liên quan đến sản phẩm của mình trên ứng dụng Viet-Aus Trade do Thương vụ Việt Nam tại Úc phát hành, có trên cả CH Play và App Store.

Tại thị trường Mỹ, từ năm 2021, các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm thực phẩm vào Mỹ đã phải tìm chất thay thế cho 7 loại phụ gia thực phẩm giúp tạo nên hương vị nhân tạo. Cụ thể gồm: hợp chất benzophenone, ethyl acrylate, methyl eugenol, myrcene, pulegone, pyridine và styrene.

Trước đó, cuối năm 2018, các chuyên gia an toàn thực phẩm và môi trường của Mỹ công bố các dữ liệu cho thấy những phụ gia thực phẩm này gây ung thư cho những con vật trong phòng thí nghiệm. FDA sau đó công bố 7 loại phụ gia này sẽ bị cấm dùng trong thực phẩm và các doanh nghiệp có 24 tháng để tìm chất thay thế.

Còn tại Nhật, các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm được quy định bởi các luật như Luật An toàn thực phẩm cơ bản (Food Safety Basic law), Luật vệ sinh thực phẩm (Food Sanitation Law), Luật tiêu chuẩn nông nghiệp Nhật Bản (Japan Agricultural Law), Luật khuyến khích Y tế (Health Promotion Law)…

Chỉ có các chất phụ gia được đánh giá bởi Ủy ban an toàn Thực phẩm Nhật Bản (FSC) và được chấp thuận bởi Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) mới có thể được sử dụng trong thực phẩm và đồ uống được bán tại Nhật. Các sản phảm nhập khẩu nếu phát hiện có chứa dư lượng các chất phụ gia lớn hơn quy định sẽ không được phép bán tại thị trường này. Quy định về các loại phụ gia thực phẩm cũng được đăng tại mục phụ gia thực phẩm trên website của MHLW.

Trong những năm qua, Việt Nam từng bị các nước thu hồi hoặc buộc tái xuất một số lô hàng thực phẩm, hải sản, trái cây vì có tồn dư một số chất như chất tạo màu E131 trong bánh ngọt tại thị trường Úc, lô 18.000 chai tương ớt vì có chất bảo quản Axit Benzoic tại thị trường Nhật. Trong năm 2020, nhiều lô hàng thủy sản xuất khẩu sang EU, Mỹ cũng bị trả về vì vi phạm các quy định liên quan đến lạm dụng phụ gia như Nitrite, Nitrate, Ascorbic Acid – E300 và bảo quản sau thu hoạch kém Histamine, vi sinh vật…

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới