Thứ Năm, 8/06/2023, 23:34
29 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Doanh nghiệp xuất khẩu kêu ca Ngân hàng Nhà nước  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp xuất khẩu kêu ca Ngân hàng Nhà nước  

Xuất khẩu gạo cũng gặp khó khăn do tỷ giá của ngân hàng-Ảnh: HỒNG VĂN

(TBKTSG Online) – “xuất khẩu thua lỗ 2 lần vì tỷ giá và vì lạm phát”, “thu hẹp sản xuất”, “cho công nhân làm việc cầm chừng” v.v. là những cụm từ được các nhà doanh nghiệp xuất khẩu lặp lại nhiều lần tại hội nghị do Bộ Công Thương chủ trì chiều 14-3 tại TPHCM.  

Và gần như, mọi ý kiến than trách của các doanh nghiệp hay phân trần của các ngân hàng thương mại đều đi tới kết quả cuối cùng là chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Mọi lần trước, hội nghị giao ban xuất khẩu vào cuối mỗi quí chỉ gồm có đại diện Bộ Công Thương và các doanh nghiệp hay hiệp hội tham dự. Tuy nhiên lần này, ngoài Bộ Công Thương đứng ra chủ trì, còn có sự tham dự của một vụ phó vụ tài chính ngân hàng của Bộ Tài chính, một vụ phó  vụ quản lý ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước, đại diện của hải quan, thuế.  

Cũng tại hội nghị giao ban này, dù là cuộc họp giao ban thường kỳ trong ngành do Bộ Công Thương chủ trì, nhưng đa phần ý kiến của doanh nghiệp đều nhắm tới Ngân hàng Nhà nước.  

Từ lỗ đến lỗ 

Theo Nguyễn Thái Học, Phó chủ tịch Hiệp hội cây điều Việt Nam (Vinacas), đồng thời là Tổng giám đốc Donafoods, doanh nghiệp xuất khẩu điều đang bị thua lỗ tới hai lần, một lần là lỗ vì tỷ giá, tức tiền đồng lên giá so với tiền đô la Mỹ; một lần là lỗ vì lạm phát, giá cả tăng. Giải pháp mà doanh nghiệp buộc phải đưa ra để cứu vãn là thu hẹp sản xuất, giảm giá mua điều thô của nông dân.

Hiện tại giá thành chế biến 1 tấn điều nhân xuất khẩu đã tăng 40% so với năm ngoái vì nhiên liệu, lao động, lãi suất ngân hàng tăng, doanh nghiệp phải vay với mức lãi 1,45% tới 1,7%. Trong khi đó, giá bán lại tăng chỉ có 25-26%; tức chỉ tính riêng chênh lệch giữa giá thành với giá bán ra, doanh nghiệp đã lỗ 15%. Ngoài ra, doanh nghiệp còn lỗ về tỷ giá lên tới 2,5 – 2,7 triệu đồng/tấn điều nhân.

Năm 2008, ngành điều dự kiến xuất khẩu 170.000 tấn điều nhân với kim ngạch 730 triệu đô la Mỹ và hiện tại đã ký hợp đồng xuất khẩu gần 100.000 tấn với kim ngạch chừng 300 triệu đô la Mỹ. “Chỉ riêng về tỷ giá, với 300 triệu đô la Mỹ, chúng tôi lỗ mất 150-160 tỉ đồng”, ông Học nói. 

Ông Đỗ Hà Nam, Tổng giám đốc Intimex, một nhà xuất khẩu cà phê lớn, cho biết chỉ riêng về tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ, doanh nghiệp của ông cứ xuất khẩu 1.000 tấn cà phê thì lỗ ít nhất 1 tỉ đồng. “Hai tháng nay cả nước xuất khẩu hơn 200.000 tấn cà phê, tức các doanh nghiệp phải lỗ 200 tỉ đồng do tỷ giá”, ông dự đoán.  

Ông Nam cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê đang chọn nhiều giải pháp “thất sách” để cứu mình như mua cà phê của nước ngoài để giao hàng trên giấy cho nước ngoài, rồi mua nội địa và bán nội địa hay năn nỉ ngân hàng vay đô la Mỹ để nhập cà phê nước ngoài có hàng giao lại các hợp đồng đã ký.  

“Nguy hiểm lắm, vì như vậy cà phê trong nước rồi sẽ ra sao khi chẳng ai mua với mục đích để xuất khẩu”, ông Nam nói.  

Còn ông Phạm Trung Cang, Phó chủ tịch Hiệp hội Nhựa, nói thẳng: “Doanh nghiệp đang uống thuốc độc để giải khát”. Theo ông, tháng 4, tháng 5 tới, càng xuất khẩu, càng thua lỗ nặng, xuất khẩu mang đô la Mỹ về thì ngân hàng thương mại không dám mua lại.  

Nhiều doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng gỗ, gạo đều có những ý kiến tương tự, đều có chung nhận định kim ngạch xuất khẩu các tháng tới sẽ giảm mạnh chứ không tăng ấn tượng như 2-3 tháng đầu năm nay.  

Ngân hàng thương mại trách phận  

Xuất khẩu cà phê cứ 1.000 tấn nhà xuất khẩu thiệt hại 1 tỉ đồng vì tỷ giá-Ảnh: HỒNG VĂN

“Ngủ dậy sáng hôm sau thấy lãi suất tăng, thấy tiền đồng tăng giá như thể thấy nhà bị cháy”, ông Nguyễn Thái Học nói. Ông kể ông bán 2 triệu đô la Mỹ cho ngân hàng, ngoài chuyện năn nỉ họ mới mua, ông còn phải chịu khoản “2% phí gì đó nói là để bảo hiểm cho tỷ giá”. 

Chưa hết, lãi suất vay hiện lại quá cao. Trong kinh doanh, lãi suất cho vay dưới 12% là “sống” được chứ trên 12% là doanh nghiệp dễ “chết”. Thực tế có doanh nghiệp vay 15%, thậm chí cá biệt là 17%.

“Cuối cùng, nông dân vẫn là người chịu thiệt thòi nhiều nhất cho lãi suất của ngân hàng. Giá mua điều thô đầu vụ 16.000 đồng/kg giờ giảm còn 13.500 đồng/kg trong khi giá điều nhân thế giới tăng, có bao nhiêu đều có người mua chỉ có đều không dám ký bán”, ông Học than vãn.  

Ông Nguyễn Giang Nam, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nam Việt (Navibank), thấy mấy nhà xuất khẩu bảo ngân hàng thương mại là lời to, liền đứng dậy xin phát biểu mà không cần ai mời gọi. Ông Nam nói ngân hàng huy động vốn lãi suất 12%, tính chi phí khác nữa thì cho vay lãi suất 13,8% tới 15% mới đảm bảo an toàn vốn.  

“Đâu chỉ các anh (ý nói nhà xuất khẩu), ngân hàng thương mại chúng tôi cũng bị động trước chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước mang tính hành chính bắt buộc chứ chúng tôi đâu có cơ hội lựa chọn”, ông Nam nói, “Navibank là ngân hàng nhỏ, đâu có tiền nhiều để mua đô la Mỹ, ngay cả các ngân hàng lớn cũng không dám nhận mua đô la Mỹ”. Ông Nam cho hay, nếu có nhiều đô la Mỹ mà khi Navibank cần tiền đồng phải bán đô la cho ngân hàng lớn thì họ không mua, Ngân hàng Nhà nước cũng không mua nốt.

Ông Phạm Trung Cang (Phó chủ tịch Hiệp hội Nhựa, đồng thời là Phó chủ tịch Ngân hàng Á Châu) cho rằng chính sách điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước quá đột ngột, làm cả doanh nghiệp và ngân hàng thương mại trở tay không kịp.

Nghịch lý hiện nay là đô la mất giá, nên dân bán đô la để lấy tiền đồng gửi tiết kiệm hưởng lãi suất cao. Rồi doanh nghiệp xuất khẩu cũng tương tự, cũng muốn bán đô la cho ngân hàng nhưng ngân hàng thương mại chẳng dám mua.  

“Ngân hàng Nhà nước không mua lại đô la của ngân hàng thương mại và thế là ngân hàng thương mại “chê ” tiền đô la Mỹ là an toàn nhất”, ông Cang nói.  

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết, dự kiến xuất khẩu 3 tháng đầu năm nay đạt 13,1 -13,2 tỉ đô la Mỹ, tăng 23,7% so với cùng kỳ, chứng tỏ tốc độ tăng xuất khẩu đang có xu hướng giảm xuống dần vì 2 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu là 29%.

Trong khi đó, đóng góp cho tăng trưởng của quí 1 chủ yếu là dầu thô nhờ giá dầu thô trên thị trường thế giới tăng mạnh.  

Còn nhập khẩu quí 1 ước tính tới 20,6 tỉ đô la Mỹ, tăng 68-69% so với cùng kỳ và nhập siêu lên tới 7,5 tỉ đô la Mỹ, bằng 57% kim ngạch xuất khẩu trong khi mong muốn nhiều năm qua của Chính phủ, nhập siêu không quá 20% kim ngạch xuất khẩu.  

Chỉ là ghi nhận  

“Thứ hai tới (17-3), Ngân hàng Nhà nước sẽ có có buổi báo cáo với thường trực Chính phủ để giải quyết những khúc mắt của các doanh nghiệp xuất khẩu”, Phó vụ trưởng Vụ quản lý ngoại hối Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Ngọc Lân nói và cho biết, ông ghi nhận ý kiến bức xúc của các doanh nghiệp để phản ánh lên Chính phủ.  

Tuy nhiên, ông Lân cũng cho rằng, doanh nghiệp và ngân hàng thương mại nói bất ngờ quá là hoàn toàn không đúng. Bởi Việt Nam đã hội nhập quốc tế, các doanh nghiệp và ngân hàng thương mại cũng phải hội nhập, tức phải cập nhật thông tin đô la rớt giá như thế nào và tự mình có thể suy luận cho thị trường Việt Nam và chuẩn bị cần thiết.  

Hiện 90% xuất khẩu của Việt Nam thanh toán bằng đô la Mỹ trong khi năm ngoái, đô la Mỹ rớt giá 9,9% so với đồng euro. Từ đầu năm tới 13-3, đô la Mỹ mất giá tới 6,6% so với euro. Còn tính tại thị trường liên ngân hàng của Việt Nam, từ đầu năm tới 13-3, trên thị trường liên ngân hàng, đô la Mỹ mất giá so tiền đồng 0,8% và thị trường tự do là 3%.  

Ông Lân đọc một tham luận dài 2 trang nhưng nội dung chính của nó vẫn là kêu gọi các doanh nghiệp xuất khẩu chia sẻ khó khăn, cùng nhau vượt qua khó khăn.

HỒNG VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới