Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp Ý đang dịch chuyển sản xuất đến Việt Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp Ý đang dịch chuyển sản xuất đến Việt Nam

Hùng Lê

Doanh nghiệp Ý đang dịch chuyển sản xuất đến Việt Nam
Bà Bruna Santarelli và ông BT Tee (giữa) chia sẻ thông tin tại buổi họp báo về 2 cuộc triển lãm sắp diễn ra -Ảnh: Quốc Hùng

(TBKTSG Online) – Một số doanh nghiệp sản xuất của Ý đầu tư ở Trung Quốc đang có ý định dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam.

Thông tin này được bà Bruna Santarelli, Trưởng đại diện Tùy viên Xúc tiến Thương mại Đại sứ quán Ý tại Việt Nam, chia sẻ tại cuộc họp báo về Triển lãm Propak Vietnam 2016 và Triển lãm Plastics and Rubber Vietnam 2016 vào ngày hôm nay 17-2, tại TPHCM.

Qua tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp Ý, bà Bruna Santarelli cho rằng thị trường Trung Quốc không còn ổn định, chi phí lao động tăng cao cùng với chính sách đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài không còn thuận lợi như trước.

Trong khi đó, doanh nghiệp Ý nhận thấy ở Việt Nam, Chính phủ ngày càng nỗ lực thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chính sách ưu đãi đầu tư tốt hơn, khu công nghiệp nhiều hơn, lao động Việt Nam cũng thuận lợi từ cấp công nhân đến quản lý với tính sẵn sàng chịu học hỏi cao.

Tuy nhiên điều đáng chú ý và được xem là điểm thuận lợi của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài hiện nay, theo bà Bruna Santarelli, đó là mức độ hội nhập cao của Việt Nam. Việt Nam không những được đánh giá là cửa ngõ quan trọng ở khu vực Đông Nam Á (ASEAN) mà còn có vị trí chiến lược quan trọng, sẽ thuận lợi để doanh nghiệp Ý đầu tư kinh doanh.

Một điểm quan trọng nữa, theo ghi nhận của bà Bruna Santarelli, là doanh nghiệp của Việt Nam ngày càng có nhu cầu mua máy móc của Ý và một số khách hàng của doanh nghiệp Ý ở Trung Quốc cũng chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam nên doanh nghiệp Ý cũng chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu này.

Là nhà tổ chức các cuộc triển lãm máy móc quốc tế, ông BT Tee, Phó trưởng Văn phòng đại diện tại Việt Nam của Công ty Dịch vụ Triển lãm Singapore – một trong hai doanh nghiệp tổ chức hai cuộc triển lãm trên, cũng cho rằng một khi khách hàng dịch chuyển đầu tư sang nước khác thì những nhà cung cấp của họ cũng sẽ đi theo. Đơn cử như trường hợp Samsung dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam thì hàng loạt nhà cung cấp của Samsung ở các nước sẽ đi cùng.

Đầu tư của Ý vào Việt Nam đến nay còn khiêm tốn. Theo Thương vụ Ý tại Việt Nam, tính đến nay đầu tư của Ý tại Việt Nam có 67 dự án, trong đó có 47 dự án có vốn đầu tư toàn bộ từ Ý và 20 dự án hợp tác với các doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị đầu tư khoảng 304 triệu euro. Các lĩnh vực đầu tư của doanh nghiệp Ý vào Việt Nam là chế biến và sản xuất công nghiệp, giày dép, xây dựng, thiết bị máy móc vệ sinh, máy nước nóng, chế biến ngành thép.

Tóm lại bà Bruna Santarelli cho rằng Việt Nam đang được đánh giá là điểm đầu tư tin cậy của các doanh nghiệp nước ngoài. Những doanh nghiệp Ý quan tâm đầu tư vào Việt Nam hiện nay chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô nhỏ hoạt động trong lĩnh vực công nghệ và sản xuất thiết bị máy móc.

Tuy nhiên, một khi thị trường Việt Nam lớn hơn và được đánh giá hoạt động ổn định, doanh nghiệp Ý sẽ tăng quy mô đầu tư lớn hơn nhằm đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu. Điều này, theo bà Bruna Santarelli, đã được nhận thấy ở các doanh nghiệp Ý đang hoạt động sản xuất ở Việt Nam lâu năm như nhà sản xuất xe tay ga Piaggio và công ty Datalogic Việt Nam chuyên sản xuất máy quét mã vạch các loại… quy mô đầu tư ngày càng lớn hơn.

Không chỉ doanh nghiệp Ý có ý định chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam mà trước đó theo Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM, phần lớn các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư ở Trung Quốc và Thái Lan cũng có quyết định lựa chọn Việt Nam là điểm đến tiếp theo khi muốn mở rộng hoặc dịch chuyển đầu tư nhờ có nhiều thuận lợi về lao động và ngày càng cải thiện môi trường đầu tư.

Hơn 500 doanh nghiệp tham gia 2 triển lãm

Hai cuộc triển lãm trên cùng diễn ra tại một địa điểm và thời gian từ ngày 1 đến ngày 3-3-2016 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (quận 7, TP.HCM), do Công ty Dịch vụ Triển lãm Singapore và Công ty Tổ chức Triển lãm VCCI đồng tổ chức, thu hút 510 doanh nghiệp tham gia (trong đó 79% doanh nghiệp nước ngoài).

Cụ thể Triển lãm công nghệ, nguyên phụ liệu và thiết bị máy móc ngành nhựa vào cao su lần thứ 6 (Plastics & Rubber Vietnam 2016) dự kiến quy tụ hơn 160 doanh nghiệp đến từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có 7 nhóm gian hàng đến từ Anh, Áo, Đức, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc và Ý) tham gia trưng bày. Đây là số lượng nhóm gian hàng quốc tế cao nhất so với các sự kiện ngành nhựa và cao su của 5 lần trước.

Song song với Plastics & Rubber Vietnam 2016 còn có triển lãm Propak Vietnam 2016 – sự kiện quốc tế lần thứ 11 cho ngành công nghệ xử lý, chế biến và đóng gói bao bì tại Việt Nam. Triển lãm này dự kiến sẽ có 350 doanh nghiệp trưng bày máy móc và công nghệ chế biến đóng gói; nguyên liệu và phụ kiện đóng gói; dịch vụ chế biến và đóng gói; kiểm soát chất lượng và dịch vụ huấn luyện.

Mời đọc thêm:

>>> Sau Trung Quốc và Thái Lan, DN Nhật chọn Việt Nam

>>> Việt Nam là một trong 10 thị trường chiến lược của Ý

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới