Thứ Ba, 19/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp yêu cầu bỏ quy định sử dụng muối i-ốt trong chế biến thực phẩm

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Việc sử dụng muối i-ốt trong chế biến thực phẩm chẳng những không mang lại hiệu quả mà còn làm tăng chi phí, do đó, doanh nghiệp kiến nghị bãi bỏ yêu cầu bắt buộc muối sử dụng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt.

Do yêu cầu của Nghị định 09 đối với hàng nội địa và xuất khẩu, Công ty Acecook Việt Nam phải sử dụng nguyên liệu muối và bột mì khác nhau, đồng thời phải tránh nhiễm chéo giữa các loại nguyên liệu này khiến chi phí sản xuất tăng cao. Ảnh: Công ty Acecook Việt Nam

Vào năm 2016, Chính phủ ban hành Nghị định 09/2016/NĐ-CP quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. Trong đó, tại điểm a, khoản 1 điều 6 của Nghị định này quy định: “Muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt”.

Liên quan đến nội dung nêu trên, ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), vừa có văn bản gửi Hội Lương thực thực phẩm TPHCM về “thực trạng và đánh giá kết quả tác động 5 năm thực hiện Nghị định 09/2016/NĐ”.

Tại văn bản này, ông An cho biết đơn vị này đã áp dụng sử dụng muối được tăng cường i-ốt trong tất cả các sản phẩm khi Nghị định 09 được ban hành. Tuy nhiên, qua quá trình sử dụng trong chế biến, đơn vị này gặp khó khăn, mà cụ thể i-ốt rất nhạy với nhiệt độ và ánh sáng, trong khi các sản phẩm chế biến từ thịt thường có nhiệt độ cao để đảm bảo các vấn đề về vi sinh của sản phẩm cũng như do đặc tính của một số sản phẩm.

Theo Vissan, dù đã sử dụng muối được tăng cường i-ốt trong tất cả các sản phẩm, nhưng các sản phẩm sau khi qua quá trình xử lý nhiệt lại không còn tồn dư i-ốt. Ngoài ra, một số sản phẩm còn bị biến đổi màu sắc, mùi vị do có sự tác động của i-ốt với các thành phần nguyên liệu ban đầu.

Công ty cổ phần Acecook Việt Nam cũng có văn bản gửi Hội Lương thực thực phẩm TPHCM báo cáo thực trạng và đánh giá kết quả tác động trong 5 năm thực hiện quy định bổ sung vi chất dinh dưỡng vào sản xuất mì ăn liền.

Acecook Việt Nam cho biết yêu cầu của Nghị định 09 là phải sử dụng muối i-ốt trong chế biến thực phẩm và bột mì phải bổ sung sắt, kẽm để sản xuất sản phẩm tiêu thụ trong nước. Trong khi đó, pháp luật của nhiều nước nhập khẩu sản phẩm của đơn vị này không chấp nhận việc bổ sung i-ốt, sắt và kẽm vào sản phẩm.

“Chính vì vậy, đối với hàng nội địa và xuất khẩu, chúng tôi buộc phải sử dụng nguyên liệu muối và bột mì khác nhau, đồng thời phải tránh nhiễm chéo giữa các loại nguyên liệu này trong tất cả công đoạn bảo quản và sản xuất”, Công ty Acecook Việt Nam cho biết.

Theo Acecook Việt Nam, để giải quyết bài toán tránh nhiễm chéo, (1) phải đầu tư dây chuyền riêng cho sản xuất sản phẩm xuất khẩu; (2) sản xuất trên cùng dây chuyền, nhưng phải đảm bảo không nhiễm chéo. Trong đó, Acecook Việt Nam chọn hướng thứ hai, tức sản xuất trên cùng dây chuyền cho sản phẩm tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên, Acecook Việt Nam cho rằng việc này thực sự gây ra những khó khăn trong sản xuất hàng ngày, dẫn tới công suất sản xuất giảm, chi phí gia tăng và kết quả kinh doanh xuất khẩu bị ảnh hưởng rất nhiều.

Theo tính toán của Acecook Việt Nam, tổng chi phí tăng nhân công, chi phí vệ sinh dây chuyền, chi phí ngừng sản xuất để vệ sinh là trên 39 tỉ đồng/năm, tức trên 195 tỉ đồng trong 5 năm qua.

Dù chịu nhiều khó khăn và chi phí gia tăng, nhưng Công ty Acecook Việt Nam cho biết khi sử dụng muối có bổ sung i-ốt, nhưng kết quả kiểm nghiệm, phân tích thành phần của mì ăn liền hoàn toàn mất đi i-ốt do quá trình gia nhiệt trong các công đoạn sản xuất.

Liên quan nội dung nêu trên, 5 hiệp hội doanh nghiệp, bao gồm Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam; Hiệp hội Thực phẩm minh bạch; Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc cùng ký tên gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng các bộ ngành liên quan kiến nghị sửa đổi nghị định 09.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới