Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh số máy tính cá nhân toàn cầu giảm mạnh nhất trong hơn 20 năm

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nhu cầu máy tính cá nhân (PC) toàn cầu đang giảm với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập niên sau khi người tiêu dùng và giới doanh nghiệp cắt mạnh ngân sách chi tiêu cho thiết bị công nghệ thông tin.

Doanh số PC, bao gồm máy tính xách tay, trên toàn thế giới giảm mạnh trong quí 3 do nhu cầu của người tiêu dùng và doanh nghiệp suy yếu khi họ ứng phó với lạm phát. Ảnh: Getty

Trong quí 3, doanh số PC trên toàn thế giới giảm 19,5% so với một năm trước đó, đánh dấu mức giảm mạnh nhất trong hơn hai thập niên, theo dữ liệu từ Công ty nghiên cứu thị trường Gartner công bố hôm 10-10. Báo cáo của Gartner cho biết các nhà sản xuất PC đã bán 68 triệu PC trong quí gần đây, giảm so  84,5 triệu máy của cùng kỳ năm ngoái.

Mikako Kitagawa, nhà phân tích tại Gartner, nói: “Kết quả quí này có thể đánh dấu cơn suy thoái lịch sử của thị trường PC. Trong khi tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng đã hạ nhiệt thì hàng tồn kho cao giờ đây đã trở thành một vấn đề lớn do nhu cầu PC yếu ở cả thị trường tiêu dùng và doanh nghiệp”.

Bà Kitagawa cho biết, doanh số bán hàng vào mùa tựu trường yếu hơn dự kiến ​​bất chấp các chương trình khuyến mãi và giảm giá nhằm thúc đẩy nhu cầu. Nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại cũng đang khiến các doanh nghiệp thận trọng hơn trong các quyết định chi tiêu.

Theo Gartner, thị trường PC tại Mỹ suy giảm 17,3% trong quí 3 do doanh số máy tính xách tay sụt giảm.

Trong khi đó, dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Canalys cho thấy doanh số máy tính để bàn và máy tính xách tay toàn cầu giảm 18% trong quí 3 so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 69,4 triệu máy. Máy tính xách tay chứng kiến mức sụt giảm mạnh nhất, với doanh số giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 54,7 triệu máy và máy tính để bàn giảm 11%, xuống 14,7 triệu máy.

Ishan Dutt, nhà phân tích cấp cao của Canalys, cho biết chi tiêu của doanh nghiệp đã hỗ trợ cho doanh số PC trong nửa đầu năm khi giá cả cao hơn và lãi suất tăng đã kìm hãm nhu cầu của người tiêu dùng.

Giờ đây, ông cho rằng với việc các doanh nghiệp bóp chặt ngân sách công nghệ thông tin để ứng phó lạm phát kéo dài dai dẳng và chi phí vay cao hơn, đà suy giảm chi tiêu cho PC có khả năng kéo dài đến năm 2023.

Ông cho biết thay vì mua hàng mới, nhiều doanh nghiệp sử dụng máy tính để bàn và máy tính xách tay hiện tại lâu hơn thông qua bảo trì và bảo dưỡng. Dutt nói: “Các doanh nghiệp đang thận trọng trong chi tiêu hơn bằng cách kéo dài chu kỳ thay mới thiết bị để chống chọi tình trạng kinh doanh bất ổn hiện tại”.

Dữ liệu của IDC cho thấy các công ty máy tính lớn nhất thị trường như Lenovo, HP, Dell chứng kiến sự sụt giảm doanh số ở mức hai con số trong quí 3. Điểm sáng duy nhất trong quí 3 là Apple, với doanh số PC tăng trưởng đến 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Techgoing.com

International Data Corp (IDC), một công ty nghiên cứu ngành công nghệ, cũng báo cáo mức sụt giảm tương tự về doanh số bán PC tiêu dùng trong quí 3. Công ty cho biết giá bán trung bình cho máy tính để bàn và máy tính xách tay tăng đều đặn trong suốt năm 2021 và tăng vọt vào đầu năm nay, do chi phí linh kiện cao hơn và các nút thắt trong chuỗi cung ứng. Gần đây, IDC ghi nhận giá bán trung bình của hai mặt hàng này đã bắt đầu giảm.

Theo Giám đốc nghiên cứu IDC Jitesh Ubrani, cho đến nay, các doanh nghiệp lớn nhìn chung vẫn chưa bắt đầu cắt giảm ngân sách cho thiết bị phần cứng nhưng một số họ đã bắt đầu trì hoãn mua PC mới. Ông nói: “Thật không may, điều này làm giảm triển vọng ngắn hạn đối với PC”.

IDC cho biết nhiều công ty máy tính lớn nhất của thị trường như Lenovo, HP, Dell đã chứng kiến sự sụt giảm doanh số ở mức hai con số trong quí 3.

Theo IDC, điểm sáng duy nhất trong quí 3 là Apple, với doanh số PC tăng trưởng đến 40% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là nhờ đẩy mạnh hoạt động bán hàng bù đắp cho doanh số đã mất trong quí 2 khi các nhà máy sản xuất PC của Apple ở Trung Quốc đóng cửa theo lệnh phong tỏa để kiểm soát Covid-19.

Lĩnh vực PC được hưởng lợi trong thời kỳ đại dịch với doanh số hàng điện tử tăng trưởng bùng nổ nhờ các hộ gia đình và doanh nghiệp mua PC để chuyển sang làm việc tại nhà và học từ xa. Nhưng những khoản mua sắm với giá trị lớn đó rất khó phục hồi đặc biệt là khi lạm phát kìm hãm ngân sách chi tiêu. Các nhà sản xuất PC hàng đầu thế giới như HP, Dell đã cảnh báo về nhu cầu tiêu dùng giảm dần trong những tháng gần đây và sự thay đổi này đang tác động  đến chuỗi cung ứng.

Hôm 6-10, nhà sản xuất chip Advanced Micro Devices (AMD) của Mỹ giảm dự báo doanh thu cho quí gần đây nhất, với lý do nhu cầu đối PC sử dụng chip của AMD yếu hơn dự kiến. Công ty ước tính đạt doanh thu 5,6 tỉ đô la Mỹ cho quí vừa kết thúc, thấp hơn khoảng 1,1 tỉ đô la Mỹ so với dự kiến trước đó.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới