Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đôi bàn tay gầy và những viên đá lấp lánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đôi bàn tay gầy và những viên đá lấp lánh

Thanh Thương

(TBKTSG) – LTS: TBKTSG ra mắt số báo đầu tiên ngày 4-1-1991, tính đến nay tròn 30 năm. Suốt gần 30 năm qua nhóm TBKTSG luôn kiên trì với tôn chỉ mục đích được xác lập từ ngày đầu thành lập, đó là Ủng hộ và đóng góp vào tiến trình đổi mới của đất nước; Ủng hộ vô điều kiện các doanh nghiệp làm ăn chân chính và góp phần xây dựng đội ngũ doanh nhân của thời kỳ đổi mới. Bài viết này nằm trong loạt bài viết về một số doanh nghiệp/doanh nhân đã đồng hành và là độc giả của TBKTSG từ những ngày đầu. Loạt bài được TBKTSG thực hiện từ số 43-2020, ngày 22-10-2020.

Ngồi uống cà phê với chị vào một buổi chiều cuối năm, tôi cứ bị hút ánh mắt vào đôi bàn tay gầy, xương của chị. Nó khác hẳn với hình dung của tôi về hai bàn tay được chăm chút kỹ lưỡng của một người phụ nữ thành đạt trong ngành kim hoàn. Bàn tay ấy khiến tôi tò mò về những gì chị và các cộng sự đã làm để tạo ra một doanh nghiệp nữ trang lớn như ngày hôm nay.

Đôi bàn tay gầy và những viên đá lấp lánh
Bà Cao Thị Ngọc Dung.

Chọn cách “lội ngược dòng”

Câu chuyện của chị bắt đầu với cột mốc năm 1988, khi TPHCM được thí điểm thành lập các cửa hàng kinh doanh vàng bạc. Trước đó chỉ có Ngân hàng Nhà nước kinh doanh vàng. Rất nhiều cửa hàng vàng bạc ở các quận huyện được mở sau quyết định này.

PNJ – một thương hiệu quen thuộc trong ngành nữ trang của cả nước ngày hôm nay – khi ấy mới chỉ là một cửa hàng vàng bạc đá quý tại quận Phú Nhuận. Và người cửa hàng trưởng ngày ấy chính là chị – Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ hiện tại.

Trong giai đoạn đó rất nhiều tư nhân muốn liên doanh để có giấy phép kinh doanh vàng miếng, vốn được cấp rất hạn chế. Các vị lãnh đạo khuyên chị nên liên doanh nhưng chị lại muốn tự gầy dựng thương hiệu vàng bạc của một doanh nghiệp nhà nước vận hành theo cơ chế thị trường. “Tôi nói với các anh lãnh đạo thời kỳ ấy là hãy cho tôi tự gầy dựng công ty theo cách của tôi, và tôi chắc chắn sẽ làm được”, chị kể lại.

Mong TBKTSG gần gũi với doanh nhân hơn nữa

32 năm PNJ ra đời thì chị Cao Thị Ngọc Dung cũng có 30 năm là bạn đọc, là doanh nhân thân hữu của TBKTSG. Chị kể lại nhiều kỷ niệm của thế hệ doanh nhân sau khi đất nước mở cửa với tờ báo kinh tế đầu tiên của Việt Nam. Chị cho rằng trải qua nhiều năm tháng tờ báo vẫn giữ được tôn chỉ, mục đích và giữ được chất lượng nội dung cho bạn đọc.
Theo chị, tờ báo cần gần gũi với doanh nhân, doanh nghiệp nhiều hơn nữa để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ và có những ý kiến phản biện với các cấp quản lý khi cần thiết. Đồng thời, chị cũng mong rằng TBKTSG tiếp tục làm tốt vai trò tập hợp doanh nhân và làm cầu nối gắn kết cộng đồng doanh nhân với nhau, như thời kỳ tờ báo mới ra đời.

Chị mời những nghệ nhân trong ngành kim hoàn về hợp tác cùng PNJ, trả tiền công cao để có được những người giỏi nghề. Số nghệ nhân ít ỏi này trở thành thầy dạy nghề cho những người muốn theo nghề làm trang sức, để sau này họ là những người thợ lành nghề của PNJ.

Khác với các cửa hàng khác, vốn chỉ tập trung kinh doanh vàng miếng, vàng nhẫn trơn, nhờ có đội ngũ sản xuất mà trong những năm 1988, 1989, PNJ đã bắt đầu bán ra thị trường các sản phẩm nữ trang đầu tiên, chủ yếu là nhẫn và dây chuyền.

Cơ duyên đến với PNJ vào năm 1992. Một số người bạn ở Singapore giới thiệu cho chị một số máy móc phù hợp, và chị nhận ra việc sản xuất nữ trang theo hướng công nghiệp có thể thực hiện được. Năm đó, Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) ra đời. Không phải mọi thứ đều luôn suôn sẻ. Lúc đó kinh doanh vàng vẫn lãi nhưng sản xuất bị lỗ vì mức đầu tư lớn. Tuy nhiên, chị Dung cho biết đã dự liệu trước điều này, việc lỗ nằm trong chiến lược phát triển lâu dài của PNJ, và chị tin công ty sẽ có lãi trở lại sau vài năm.

“Ngẫm lại, nếu giai đoạn đầu không chịu lỗ nổi thì sẽ không có PNJ như bây giờ. Nhưng quả thật lúc đó rất nhiều doanh nghiệp nhà nước sợ lỗ nên vẫn có tư duy “làm đâu ăn đó” và mãi cũng không lớn được”, chị nói.

Sau nhiều năm lỗ ròng rã, đến 1997, PNJ mới có lời từ hoạt động sản xuất nữ trang.

Đột phá từ mạng lưới bán lẻ

Một cột mốc quan trọng của PNJ là vào năm 1995 khi Hội đồng Vàng thế giới đến khảo sát ở Việt Nam, quyết định sẽ tư vấn cho PNJ về chiến lược phát triển, quản trị tài chính, marketing, tổ chức bộ máy… Họ cũng tạo điều kiện để nhân sự của PNJ đến tham quan nhiều nhà máy sản xuất nữ trang trong khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc… Do vậy, chị có thể tìm cho PNJ một mô hình phát triển phù hợp. Chị cho rằng đây là một duyên may nữa của PNJ trong hành trình xây dựng doanh nghiệp của mình.

Năm 1997, chị Dung cùng đội ngũ bắt tay vào xây dựng hệ thống cửa hàng bán lẻ cho PNJ. Hệ thống bán lẻ bắt đầu phát triển mạnh nhất sau khi PNJ cổ phần hóa vào năm 2004.

Năm 2009, nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu tham gia vào Hội đồng quản trị của PNJ. Và chị nhớ lại, thay vì nhìn họ với ánh mắt dò xét, không tin tưởng, chị lắng nghe những góp ý của họ đối với hoạt động quản trị công ty. “Mình cần những điều ấy ở người ta”, chị nói.

Từ một cửa hàng tại Phú Nhuận vào năm 1988, hiện tại PNJ có trên 350 cửa hàng trên khắp cả nước với nhiều mặt hàng đang được bày bán như vàng, bạc, đá quý, đồng hồ… Vốn chủ sở hữu lên đến gần 5.000 tỉ đồng, trong khi lúc ra đời chỉ là… 7,4 lượng vàng.

Tài sản quý giá của PNJ

Chị Dung cho biết trước đây không có trường lớp nào đào tạo nghề kim hoàn, mà chính xưởng sản xuất đầu tiên của PNJ đã là nơi đào tạo ra những người thợ lành nghề của ngành này. Hiện tại PNJ vẫn là công ty có đội ngũ nghệ nhân kim hoàn lớn nhất trong cả nước với hơn 1.000 người.

Không chỉ vậy, những người nghệ nhân tại PNJ khi đã giỏi nghề, họ mở ra các xưởng sản xuất nhỏ và cung cấp nữ trang cho nhiều tỉnh thành, đây được xem là hoạt động “xuất khẩu lao động” rất thành công của PNJ. “Chúng tôi vẫn hỗ trợ để những anh chị em này có thể phát triển, để ngành nữ trang có thể lớn nhanh, lớn mạnh hơn”, chị chia sẻ.

Vì sao chị lại tập hợp được một đội quân những người lành nghề ngay từ khi mới thành lập? Và văn hóa giữ người của PNJ có còn đến ngày nay không? Trả lời câu hỏi này, chị cho biết do ngay từ ban đầu chị đã xây dựng một nếp văn hóa, trong đó những người làm việc tại PNJ phải coi nhau là người thân, đồng thời đặt niềm tin, sự chính trực là giá trị cốt lõi của PNJ.

Triết lý của PNJ là đặt lợi ích xã hội, lợi ích khách hàng vào trong lợi ích doanh nghiệp. Đến năm 2020, khi mà công nghệ ngày càng phát triển, công ty ngày một lớn hơn, với 6.500 nhân sự trải dài khắp đất nước, việc chọn lọc các giá trị văn hóa mạnh để gắn kết chừng ấy con người là rất quan trọng. Theo chị Dung, rất nhiều doanh nhân nói đến câu chuyện chuyển giao thế hệ. Chị cũng hoàn toàn đồng ý. Tuy vậy, chị cho rằng phải xây dựng nền móng thật vững chắc, quản trị nhân sự theo hệ thống để khi chuyển giao, doanh nghiệp vẫn có thể phát triển mạnh mẽ hơn.

Tôi hoàn tất bài phỏng vấn chị trong một thời gian không quá dài, nhưng trong đầu tôi, chặng đường PNJ hiện ra trong hơn 30 năm lại không ngắn chút nào.

Nhưng giờ đây tôi thấy chị rất an tĩnh, chị có thể tự tin mà khẳng định mọi việc điều hành của công ty giờ đã có thế hệ trẻ lo. Chị đã có thêm thời gian suy nghĩ chiến lược phát triển cho công ty, hay thực hiện nhiều hơn các hoạt động vì cộng đồng, vốn là điều chị luôn tâm huyết sau nhiều năm là doanh nhân. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới