Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đối diện sức mua cuối năm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đối diện sức mua cuối năm

Chí Thịnh thực hiện

Đối diện sức mua cuối năm
Dịp cuối năm luôn là thời điểm bán hàng quan trọng của bất kỳ nhà bán lẻ nào. Ảnh: Chí Trung

(TBKTSG) – Dịp bán hàng cuối năm luôn là thời điểm bán hàng quan trọng của bất kỳ nhà bán lẻ nào. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm công nghệ đang kỳ vọng tăng trưởng gấp đôi thì ngành hàng tiêu dùng nhanh lại không có một dự báo lạc quan như vậy.
TBKTSG ghi nhận sự chuẩn bị của một số doanh nghiệp.

Ông Đoàn Văn Hiểu Em, Giám đốc ngành hàng điện thoại, Công ty cổ phần Thế giới Di động:
Kỳ vọng sức mua cuối năm tăng gấp đôi

– Đối với ngành hàng điện thoại di động, trong tháng 10-2014, Thế giới Di động ghi nhận sức mua tăng 14% so với tháng trước đó và tăng 83% so với cùng kỳ năm trước. Đến thời điểm cuối tháng 10, ngành hàng điện thoại đã đạt 87% chỉ tiêu doanh thu của năm. Doanh thu tháng 11-2014 lại tiếp tục tăng 10% so với tháng trước.

Góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng này là các chương trình khai trương, khuyến mãi được triển khai hiệu quả cùng sự xuất hiện của các sản phẩm iPhone 6 và iPhone 6 Plus chính hãng; Samsung Galaxy Note 4…; một số sản phẩm như Samsung Grand 2, Nokia Lumia 1520, HTC Butterfly S… được giảm giá mạnh.

Thường những mặt hàng có doanh số tăng mạnh vào những dịp mua sắm trước Tết Âm lịch tại Thế giới Di động là điện thoại di động, máy tính bảng, phụ kiện… Sức mua dịp cuối năm thường tăng gấp đôi. Chúng tôi đang kỳ vọng năm 2014 cũng sẽ đạt được như vậy.

Ông Ngô Quốc Bảo, Giám đốc Trung tâm Phát triển kinh doanh, Hệ thống bán lẻ FPT Shop và F.Studio:
Người tiêu dùng TPHCM cởi mở nhất

– Thông thường, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng những tháng cuối năm tăng 55-70% so với các tháng trước đó. Ngoài năm 2012 có “mùa mua sắm” đến hơi chậm một chút, sức mua năm 2013 cũng như dự báo sức mua cuối năm nay sẽ tốt như thông lệ do sự đa dạng của các sản phẩm công nghệ và những ngày nghỉ lễ dài là cơ hội tăng khả năng mua sắm. Theo GFK, trong quí 3-2014, các sản phẩm máy tính bảng, điện thoại di động… có mức tăng trưởng vượt trội; nhóm sản phẩm điện tử, điện lạnh cũng tăng trưởng tại Việt Nam.

Tại hệ thống FPT Shop và F.Studio của FPT, sức mua đã tăng dần từ cuối tháng 11 và dự báo sẽ tăng mạnh nhất từ tháng 12-2014 đến giữa tháng 2-2015.

Hàng năm, vào dịp Giáng sinh và năm mới, FPT Shop đều triển khai các chương trình khuyến mãi lớn. Năm nay, chúng tôi đã tung ra chương trình ưu đãi hấp dẫn, phủ sóng 63 tỉnh, thành.

TPHCM luôn là thị trường sôi động nhất nước. Đặc điểm của người tiêu dùng tại đây là sẵn sàng chi trả. Mức độ cởi mở đón nhận cái mới (như các chương trình khuyến mãi) của người tiêu dùng TPHCM cũng dễ dàng hơn một số thị trường khác.

Ông Bùi Nhật Nam, Giám đốc Trung tâm Phân phối Satra:
Sức mua khó tăng mạnh

– Theo báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, hơn 50% nhà bán lẻ cho rằng sức mua thị trường Tết 2015 sẽ thấp, chỉ có 13% cho rằng sức mua sẽ nhiều hơn.

Nhìn vào thực tế thị trường hiện nay có thể thấy sức mua vào tháng cuối năm và dịp Tết sẽ không tăng cao.

Sự gia tăng đột biến nếu có thì chỉ trong thời gian ngắn vào những ngày cận Tết. Cụ thể là sức mua trong 10 ngày trước Tết Nguyên đán có thể tăng hơn 50%, một tháng trước Tết là 20%, còn sớm hơn nữa thì chỉ tăng ở mức trên dưới 10%.

Tùy vào từng ngành hàng và sức hút của mỗi mặt hàng, mức tăng trưởng sẽ khác nhau, nhưng thông thường tiêu thụ mùa Tết tập trung vào các ngành hàng bia, nước giải khát, bánh kẹo, thực phẩm, nhu yếu phẩm.

Các chuỗi bán lẻ của Satra đều đã có kế hoạch chuẩn bị hàng Tết từ rất sớm nhằm đảm bảo có đủ hàng cung ứng cho thị trường từ Tết Dương lịch đến Tết Nguyên đán. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị cẩm nang mua sắm với nhiều sản phẩm khuyến mãi hấp dẫn, thay đổi cách trưng bày hàng hóa theo phong cách mới, cho ra nhiều sản phẩm mang thương hiệu riêng của Satra với giá cạnh tranh để thu hút khách…

Chúng tôi dự đoán ít có khả năng tăng giá đột biến vào dịp Tết năm nay vì sức mua không cao mà hàng hóa lại dồi dào. Tại thị trường TPHCM, Sở Công Thương TPHCM cũng đã có những biện pháp kiểm tra giá bán chặt chẽ hơn những năm trước, cộng thêm sự hỗ trợ của chương trình bình ổn nên biến động giá trên thị trường sẽ không đáng kể.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op
Lượng hàng hoá dự trữ tăng 15%

– Hệ thống siêu thị Co.opmart đã chủ động nguồn hàng cung ứng cho thị trường ba tháng trước, trong và sau Tết, tập trung những mặt hàng sản xuất trong nước như thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, đồ uống, hàng may mặc, đồ gia dụng. Tổng lượng hàng hóa dự trữ cho dịp này vào khoảng 90.000 tấn, tăng gần 15% so với Tết Giáp Ngọ 2014. Tùy nhóm hàng, mức dự trữ tăng 10-20%, dự kiến những nhóm hàng tăng cao nhất là nước ngọt, bia, trái cây…

Bên cạnh những mặt hàng được UBND TPHCM giao thực hiện bình ổn giá, Saigon Co.op chủ động giữ giá đối với một số mặt hàng thiết yếu khác, thấp hơn giá ở thị trường tự do tối thiểu 5-10%. Dự kiến trong những ngày cận Tết, Saigon Co.op sẽ cùng với một số nhà cung cấp giảm giá 10-50%. Dự kiến có tối thiểu 1.000 sản phẩm được giảm giá mạnh, tập trung vào nhóm hàng nhu yếu cho bữa ăn và sinh hoạt hàng ngày như thực phẩm, hóa phẩm và đồ dùng gia đình.

Nền kinh tế vẫn ẩn chứa rủi ro nhưng niềm tin người tiêu dùng đã tăng

Tết là dịp tiêu dùng lớn nhất của người Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc phát triển kinh doanh Công ty Kantar Worldpanel Việt Nam, với mức tăng trưởng chung của toàn ngành hàng tiêu dùng nhanh tại bốn đô thị lớn là TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ đã vơi đi một nửa so với năm trước, dự đoán mức tăng trưởng trong dịp Tết 2015 sẽ không cao như những năm trước đó. Tăng trưởng tốt nhất sẽ vẫn là các sản phẩm thức uống và thực phẩm đóng gói. Kênh mua sắm truyền thống vẫn là chủ đạo nhưng kênh hiện đại cũng sẽ hút khách nhiều hơn trong dịp Tết.

Về xu hướng tiêu dùng năm 2015, ông Hoàng cho rằng trong điều kiện nền kinh tế vẫn ẩn chứa những rủi ro, người tiêu dùng sẽ tiếp tục ưu tiên chi tiêu cho những mặt hàng thiết yếu. Ghi nhận trong năm 2014 của Kantar Worldpanel cho thấy người tiêu dùng có khuynh hướng cắt giảm các mặt hàng không thiết yếu (như dầu xả, sản phẩm khử mùi, khăn giấy bỏ túi, kem, kẹo cao su…) để ưu tiên ngân sách cho các nhu cầu thiết yếu. Bên cạnh đó, người tiêu dùng tìm đến các lựa chọn tiết kiệm khi chuyển sang tiêu dùng các sản phẩm ở mức giá thấp hơn, mua hàng khuyến mãi nhiều hơn và chọn sản phẩm nhãn hàng riêng (của nhà bán lẻ), nhất là đối với các nhóm sản phẩm chăm sóc gia đình (như nước lau sàn, nước rửa chén, bột giặt) và thực phẩm đóng gói (mì gói, dầu ăn).

Tuy vậy, cơ hội cho các nhà sản xuất ở các ngành hàng không thiết yếu vẫn còn nếu sản phẩm có sự tiện lợi, năng động và đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng. Các thương hiệu và sản phẩm nào thấu hiểu và đáp ứng tốt các nhu cầu này sẽ có lợi thế phát triển trong tương lai.

Báo cáo mới nhất về niềm tin người tiêu dùng do Công ty Nielsen Việt Nam thực hiện cho thấy chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam trong quí 3 đã tăng 4 điểm so với quí 2, lên mức 102 điểm. Theo ông Vaughan Ryan, Tổng giám đốc Nielsen Việt Nam, đây là mức tăng trưởng lớn nhất trong những năm gần đây. Mức trên 100 điểm cũng là kết quả cao nhất kể từ quí 4 năm ngoái.

Trong những ưu tiên tiêu tiền sau khi chi đủ cho các nhu cầu thiết yếu, người tiêu dùng dành ưu tiên cho tiết kiệm, nhu cầu nghỉ dưỡng, mua đồ dùng gia đình, quần áo mới và sản phẩm công nghệ mới. Đặc biệt, số người đồng ý chi tiền cho việc đi nghỉ, mua sắm đồ dùng, quần áo mới và sản phẩm công nghệ mới đã tăng từ 2-6 điểm so với số liệu thu thập trong quí 2 trước đó và càng tăng cao so với quí 1. Tiết kiệm tiền vẫn là ưu tiên số 1 nhưng chỉ số đã giảm so với quí trước.

Triển vọng chi tiêu này xuất phát từ đánh giá của người tiêu dùng về tình hình việc làm và tài chính của cá nhân trong 12 tháng tới tốt hơn so với quí 2: số người lạc quan về viễn cảnh việc làm và tài chính tăng trong khi số người bi quan giảm xuống.

Trong khi đó, ông Ngô Quốc Bảo ở FPT Shop và F.Studio cung cấp thêm thông tin về kết quả khảo sát niềm tin người tiêu dùng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương của MasterCard. Theo khảo sát này, Việt Nam nằm trong nhóm 6 quốc gia có chỉ số niềm tin người tiêu dùng cao nhất trong khu vực và đứng thứ 3 trong số 7 nước ASEAN. Niềm tin của người Việt tăng trên tất cả các hạng mục khảo sát, đặc biệt là tình hình cải thiện việc làm tăng 14,5 điểm.

Theo ông Vaughan Ryan, đây là tín hiệu tích cực và là cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng trong dịp Tết Ất Mùi và cả năm 2015.

Minh Tâm – Chí Thịnh

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới