Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đối diện thiên nhiên bất định

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đối diện thiên nhiên bất định

Nguyễn Vĩnh Nguyên

(TBKTSG) – Tuần qua, diễn biến của trận động đất và sóng thần tại nước Nhật đã lôi kéo sự quan tâm của dư luận thế giới. Hình ảnh những đợt sóng lớn càn quét khu dân cư Miyagi cuốn trôi hết nhà cửa, xe cộ, thuyền bè, quang cảnh đổ nát, những cao ốc bốc cháy tại Sendai, hay thị dân Tokyo từ những tòa nhà cao tầng đổ xô ra đường lánh nạn… đã được truyền đến chúng ta kịp thời. Tiếp sau đó là bản tin cảnh báo về thảm họa sóng thần sẽ lan rộng trên nhiều quần đảo, quốc gia có vành đai biển trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Tại Việt Nam, người ta lo âu dò trên bản đồ cảnh báo và thở phào nhẹ nhõm khi kết quả quan trắc từ Viện Vật lý địa cầu, Viện Khoa học công nghệ Việt Nam dự báo nước ta sẽ không nằm trong vùng lan tỏa của trận sóng thần và động đất đầy nguy hiểm này.

Thế nhưng, tâm lý bất an từ thảm họa kia gieo vào đầu mỗi người một câu hỏi: trong tình hình thế giới ngày càng xảy ra những vụ thảm họa đầy bất ngờ như thế, giả định một ngày nào đó, Việt Nam nằm trong bản đồ cảnh báo địa chấn hoặc sóng thần, chúng ta sẽ ứng phó ra sao? Việt Nam đã chuẩn bị gì cho kịch bản giả định nhưng hoàn toàn có thể xảy ra đó?

Sau trận “rung lắc” vào tháng 6-2010 xảy ra ở Bình Thuận khiến địa bàn TPHCM khẽ “rùng mình”, PGS.TS. Nguyễn Hồng Phương, Phó giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần thuộc Viện Vật lý địa cầu, đã nói trên báo Sài gòn Tiếp Thị, đại ý: trong tương lai, động đất hoàn toàn có thể xảy ra trên địa bàn TPHCM, nhưng điều mà ông lo ngại nhất là cho đến nay, Việt Nam không dự báo được thời gian xảy ra động đất mà chỉ xác định được khu vực và mức độ gây ra chấn động. Trong khi đó, do sống trong vùng ít nguy cơ xảy ra động đất, sóng thần nên người dân Việt Nam chưa được giáo dục kỹ năng ứng phó với những hiểm họa đó. Hệ thống kết cấu hạ tầng ở nước ta cũng không lường tính việc đảm bảo sự an toàn, hạn chế thiệt hại một khi những dạng thức thiên tai nói trên xảy ra.

Trên báo Tuổi Trẻ, thạc sĩ Nguyễn Minh Tuân từng công tác tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima, nơi đang xảy ra vụ rò rỉ phóng xạ, nói: “Những gì đang xảy ra ở nhà máy Fukushima số 1 là cảnh báo nghiêm túc cho cả thế giới, nhất là Việt Nam – một nước đang tiếp cận điện hạt nhân, nhiều bài học nghiêm túc phải được học”. Ông cũng cho biết: “Ở Việt Nam, dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận có tính đến sóng thần và chiều cao của sóng thần. Còn động đất, tôi nhớ không nhầm là tính trên tần suất 100 năm ở ta mới có động đất một lần và mức độ được xác định là 6,5 độ richter”.

Là nước có công nghệ ứng phó, cảnh báo, quản lý rủi ro từ động đất đứng hàng đầu thế giới, nhưng trận siêu động đất và sóng thần vừa qua cũng để lại cho Nhật Bản nhiều thiệt hại lớn: hàng chục ngàn người chết và mất tích, nhiều ngôi làng, thành phố bị san bằng còn rất lâu mới có thể ổn định và tái thiết. Nhất là tâm lý người dân đang hoang mang, lo sợ về sự rò rỉ phóng xạ từ các nhà máy điện hạt nhân.

Cảm thông với những mất mát mà người dân Nhật đang phải gánh chịu, chúng ta không khỏi nghĩ đến thân phận mình trước thiên nhiên bất định. Chợt nhớ đến cuộc trò chuyện vào cuối năm 2009 với Giáo sư Nguyễn Thọ Nhân, chuyên gia về điện hạt nhân, ông cho rằng với điện hạt nhân, Việt Nam phải tính đến các chỉ số quản lý rủi ro như động đất, sóng thần trước tiên, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và địa chất như hiện nay. Ông đã không khỏi lo ngại khi “văn hóa an toàn” ở ta chưa cho thấy khả năng đảm bảo an toàn, tính đến thời điểm đó.

Và những lo ngại về văn hóa an toàn, không chỉ trong xây dựng nhà máy điện hạt nhân mà cả trong việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, ý thức tổ chức đời sống trật tự của người dân khi gặp những sự cố. Rất nhiều tòa nhà được xây dựng với kết cấu không an toàn, tự nghiêng đổ ngay cả khi không có một chấn động nào. Rất nhiều cầu cống, dự án được đầu tư bằng ngân sách, bằng vay mượn nước ngoài đang nứt lún và được gia cố một cách chắp vá. Và, khi nhìn thấy những đoàn người Nhật sau cơn động đất, nhà cửa hoang tàn, thành phố không điện đóm, vậy mà họ vẫn trật tự xếp hàng trước những cửa hiệu, siêu thị còn sót lại để mua từng cây nến, từng ổ bánh mì mà không hề xảy ra cảnh lộn xộn, chụp giật hay chen lấn, không khỏi lo ngại cho dân mình khi chẳng may rơi vào thảm cảnh tương tự.

Trong kỷ nguyên của những bất định này, mọi thứ đều có thể xảy đến với chúng ta và đòi hỏi ở chúng ta một khả năng dám đối diện. Xây dựng ý thức, kỹ năng ứng phó trong cộng đồng cùng với những thiết chế, chiến lược ứng phó không phải là chuyện thừa. Những trận động đất nhẹ xảy ra trong vòng năm năm trở lại đây ở các tỉnh phía Bắc hay những cơn rung lắc nhẹ ở Bình Thuận, Vũng Tàu, TPHCM… như lời nhắc nhở đã đến lúc phải tính đến việc xây dựng các phương án, kịch bản quản lý rủi ro và thích ứng với những thảm họa, một cách thực sự nghiêm túc trước khi quá muộn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới