Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đòi hỏi xa xỉ?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đòi hỏi xa xỉ?

Nguyễn Nguyên Thảo

minh họa: Khều.

(TBKTSG) – Người phụ nữ khỏe mạnh, ăn vận sang trọng bỗng đổ sụp sau khi nhận được kết quả sinh thiết dương tính ung thư. Những phụ nữ khác đang ngồi ở hàng ghế chờ không giấu hết vẻ lo âu.

1.Thậm chí có người cầm không vững thẻ số thứ tự, có người ù tai không còn nghe bác sĩ gọi tên mình đến nhận kết quả. Tự bao giờ, người ta có tâm lý nhận kết quả khám sức khỏe như nhận một bản án từ bác sĩ?

Ở phòng nội soi gây mê, một người đàn ông nằm ngủ mê man. Chiếc camera soi vào vùng sâu hun hút của túi dạ dày, “truyền hình trực tiếp” những gì đang diễn ra bên trong. Bác sĩ khẽ chép miệng, lắc đầu. Những khối u đang lan rộng. Người đàn ông vẫn ngủ. Có thể sau khi tan mê, nhìn vào bệnh án của mình, ông sẽ có một đời sống khác. Một đời sống đầy sợ hãi và suy sụp. Buổi sáng trước khi đến bệnh viện, ông còn ngồi ăn bún bò, uống cà phê và đọc báo, tán nhảm chuyện các trận bóng đêm qua cùng với đồng nghiệp ở vỉa hè. Cơn đau bụng bất thường sai khiến ông đến đây. Đến một mình. Và đón nhận sự thật phũ phàng từ một bác sĩ có gương mặt lạnh lùng.

Ở phòng điện tim, một cô gái thẫn thờ bước ra, mắt đẫm nước. “Bác sĩ nói mẹ em có thể đột quỵ bất cứ lúc nào…”.

Một ngày ở bệnh viện, chúng ta chứng kiến biết bao tình cảnh tương tự, và có thể thê thảm hơn thế.

2.Sau thảm họa động đất, sóng thần ở Nhật Bản vừa qua, nhiều tổ chức nhân đạo đã tổ chức những khóa điều trị chấn thương tâm lý cho trẻ em Nhật Bản, giúp các em thoát khỏi ám ảnh mất mát. Công tác trên được nước Nhật xem là quan trọng bậc nhất trong nỗ lực tái thiết quốc gia sau thiên tai. Vì của cải vật chất thì có thể xây dựng lại nhanh, chứ tái thiết tinh thần người dân, nhất là những công dân nhỏ tuổi là việc làm lâu dài và quan trọng nhất trong việc phục hồi sức mạnh dân tộc, đất nước.

Nhìn những em nhỏ Nhật Bản tham gia những trò chơi rèn luyện ý chí tập thể trong những khóa học thế này, chúng ta hiểu hơn vì sao cái gọi là tinh thần Nhật Bản được nhắc đến nhiều trong thời gian qua.

3.Hàng ngày, những thông tin bệnh tật, ô nhiễm thức ăn, nguồn nước, không khí,… được truyền thông với cường độ ngày càng cao. Từ chỗ hoảng sợ, không ít người có tâm lý thờ ơ. Nhiều người cho rằng lo lắng cũng chẳng giải quyết được gì.

Chuẩn bị tâm lý là chuyện không dễ. Song, đó không chỉ dừng lại ở câu chuyện cá nhân. Cơ chế, văn hóa và tập quán cộng đồng hỗ trợ tâm lý giúp cá nhân vượt qua những tình cảnh khó khăn là hết sức cần thiết.

Trở lại không gian bệnh viện. Có thể vì nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao, cơ sở vật chất y tế và đội ngũ chuyên môn không đủ đáp ứng thực tế nên từ lâu, bệnh viện không còn là “nhà thương”. Các bác sĩ trở thành những con người lạnh lùng, thay máy móc “phán” bệnh hơn là đem lại niềm tin, xoa dịu tâm lý cho bệnh nhân, cho họ cảm giác được che chở, được cứu chữa. Và cách làm việc vô cảm, thậm chí hách dịch ở nhiều cơ sở y tế đã đẩy người bệnh vào tình thế của kẻ đi năn nỉ, đút lót, mua chuộc để được chạy chữa; người nghèo mắc bệnh thì bị bạc đãi, không được chở che.

Việc chữa bệnh một cách đàng hoàng cho người nghèo đã khó, công tác điều trị chấn thương tinh thần cho họ khi mắc bệnh nan y tại các dịch vụ y tế công có lẽ là một đòi hỏi xa xỉ?!

Tự lúc nào, ý nghĩa “nhà thương” đã biến mất khỏi thiết chế bệnh viện, mà thay vào đó là nơi gieo nỗi bất an?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới